Thiếu phụ vì gánh nợ “tín dụng đen” mà lầm lỡ làm tan nát cả gia đình

(PLO) - Phiên tòa ngày hôm đó phòng xét xử vắng đến lạ, chỉ duy nhất có bị cáo đứng trước vành móng ngựa để trả lời những câu hỏi của HĐXX. Chỉ thấy tiếng khóc nức nở, từng câu trả lời đứt đoạn kèm theo là những tiếng nấc khiến hai vai của bị cáo cứ rung lên liên tục. Có vẻ như bị cáo đã rất hối hận về tội lỗi của mình...
Bị cáo run rẩy khóc nấc trước tòa
Xót xa ê chề
Trước mỗi lần trả lời HĐXX, bị cáo luôn kèm theo câu nói: “Bị cáo chưa một lần kêu mình oan từ ngày vụ án xảy ra. Bị cáo chỉ muốn được giảm nhẹ án, được hưởng án treo để có thể nuôi con, chúng còn quá nhỏ”. Khi nào cũng vậy, nói đến đây bị cáo lại khóc nấc lên, 2 tay liên tục đưa lên để lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt mình rồi mới trả lời vào câu hỏi của HĐXX. 
Bị cáo không ngừng khóc khi trình bày hoàn cảnh gia đình mình quá khó khăn. Cha bị cáo là thương binh không ai chăm sóc chỉ trông chờ vào cô con gái giờ đây lại đang phải đứng trước vành móng ngựa. Từ ngày vụ án xảy ra, gia đình nhà chồng cũng đã cắt đứt quan hệ với bị cáo. Vợ chồng sống ly thân, một mình bị cáo làm lụng đủ nghề có thể để nuôi 2 con và chăm sóc cha. Đến lúc này thì chúng tôi hiểu, tại sao một cô gái còn trẻ, trông khá cao ráo, xinh xắn lại chỉ có một mình trong những phút giây khổ đau, lầm lạc, phải đứng trước vành móng ngựa mà không một người thân ở bên an ủi, động viên. Bị cáo nói cha của mihf vẫn chưa biết gì nên mong muốn được hưởng án treo, để ông không chút mảy may nghi ngờ hoặc biết gì về tội lỗi của bị cáo.
Khi được HĐXX hỏi về việc tại sao lại dám làm giả con dấu của một ngân hàng, bị cáo lại nước mắt vòng quanh nói rằng, do bị cáo nhận thức hạn chế, cứ nghĩ làm để đối phó với mẹ chồng, không gây hại cho ai nên không nghĩ là vi phạm pháp luật. Rồi bị cáo lại nức nở nói tiếp: “Cũng chỉ vì làm ăn, vì bạn bè chung vốn làm ăn đã bỏ chạy nên một mình bị cáo chịu tội. Nhưng bị cáo không kêu oan. Bị cáo nhận thức được tội lỗi của mình rồi, bị cáo chỉ mong mình được hưởng án treo thôi”. Những từ như “không kêu oan”, “mong được hưởng án treo” là những cụm từ chưa bao giờ thiếu trong mỗi câu trả lời của bị cáo trước HĐXX. 
Khi được hỏi về việc gia đình như thế nào sau khi vụ án xảy ra, bị cáo lại rất bình thản cho biết, vợ chồng bị cáo hiện đã ly thân. Chồng bị cáo không chu cấp tiền nuôi con vì còn phải giúp vợ khắc phục món nợ với mẹ chồng. Bị cáo cũng không ca thán lời nào, lặng lẽ làm ăn nuôi con bởi bị cáo nhận thức được tội của mình, gia đình nhà chồng không làm to chuyện, không um xùm lên đã là một may mắn quá lớn với bị cáo. 
Vẻ xót xa hiện rõ trên gương mặt chủ tọa, hội thẩm nhân dân và thư ký phiên tòa. Vị hội thẩm đã khá nhiều tuổi chỉ dặn Dương những điều nhẹ nhàng, như một người cha nói với con: “Nếu đã nhận thức được tội lỗi rồi thì cố gắng cải tạo, đóng góp cho cộng đồng nhiều thứ tốt đẹp, sẽ không ai nhớ đến tội trạng mà bị cáo đang phải mang. Phải dành cho con những gì tốt nhất vì không được ở cùng cha đã là một thiệt thòi quá lớn của chúng rồi”. Bị cáo ngước mắt lên nhìn vị hội thẩm với một vẻ mặt biết ơn, mà chỉ vì vẫn chưa bình tĩnh được nên không thể nói một lời cảm ơn. 
Tội lỗi bất ngờ
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Bạch Dương (SN 1983, hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên) chung vốn làm ăn với Cao Hà Linh được một thời gian thì thua lỗ. Linh đã xui Dương đi vay của nhiều cá nhân ngoài xã hội để cùng tháo gỡ nhưng vốn chưa lấy lại được thì Linh đã bỏ trốn, để lại một mình Dương gánh vác việc mua bán và suốt ngày phải lo đối phó với các chủ nợ. Do quá sợ hãi trước sự đe dọa của chủ nợ, Dương đã nói với mẹ chồng cần tiền để kinh doanh rượu. Tin tưởng vào công việc làm ăn của con dâu, mẹ chồng Dương đã nhiều lần xuất tiền cho Dương vay, tổng cộng lên tới hơn 3 tỉ đồng. Sau vài tháng không thấy Dương trả tiền theo đúng hạn, mẹ chồng đã hỏi Dương về chuyện kinh doanh rượu, đòi được xem hợp đồng cung cấp rượu như Dương đã nói. 
Lo lắng việc làm ăn bị thua lỗ, việc vay tiền của mẹ là để trả nợ tiền vay tín dụng đen bại lộ, Dương đã lên mạng tìm kiếm thì thấy Ngân hàng VID Public Bank sắp chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập nên nảy ra ý tưởng sẽ soạn thảo một hợp đồng cung cấp rượu giả để mẹ chồng tin tưởng việc mình làm là có thật, sẽ thôi đòi tiền đã cho vay.
Nghĩ là làm, Dương đã tìm đến một công ty để đặt làm 3 con dấu. Được nhân viên tư vấn rằng, nếu không có giấy giới thiệu, chỉ có thể làm dấu tròn với viền tròn bên trong là nét đứt và con dấu không có giá trị pháp lý. Mừng rỡ trước thông tin này, Dương chộp ngay lấy vì thấy đây là cách duy nhất để hoãn binh với mẹ chồng. Sau 2 ngày thì Dương nhận được con dấu giả. 
Tiếp theo, Dương nhờ soạn thảo giúp một hợp đồng với nội dung cung cấp rượu cho ngày kỷ niệm thành lập với tổng giá trị hợp đồng hơn 1,5 tỉ đồng. Cẩn thận hơn, Dương còn làm thêm một giấy ủy quyền với nội dung Tổng giám đốc ủy quyền cho tTrưởng phòng hành chính ký kết hợp đồng mua rượu với Dương. Cầm bản hợp đồng và giấy ủy quyền giả hiệu trong tay, Dương mang về nhà trình mẹ chồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng, Dương mang con dấu cất vào tủ quần áo ở nhà mình rồi ung dung sinh sống, tìm đường làm ăn tiếp. 
Không ngờ rằng, trong một lần lục tủ, chồng Dương đã phát hiện ra 3 con dấu và đưa cho mẹ xem. Lúc này mẹ chồng Dương mới nhớ đến bản hợp đồng mà con dâu đã đưa cho. Bà bất ngờ vì bị con dâu lừa gạt nên tức tốc ra trình báo tại đồn công an phường. Dương bị bắt tạm giam ngay ngày hôm sau và được cho tại ngoại sau một1 ngày giam giữ. Nguyễn Thị Bạch Dương bị khởi tố với tội danh “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 1, điều 267, Bộ luật Hình sự và bị kết án 7 tháng tù giam. Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát đã truy tố thêm một bị cáo, đồng phạm làm giả con dấu cùng Dương. Với bị cáo này, dựa vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng. 
Dương làm đơn kháng cáo với mong muốn được hưởng án treo như người đồng phạm trong vụ án. Với nhiều câu hỏi để làm rõ động cơ làm giả con dấu của Dương, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, việc của Dương làm chưa gây hại cho xã hội, Dương cũng đã phải trả giá (gia đình ly tán) nên chấp nhận đơn kháng cáo của Dương, tuyên phạt Dương 7 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng. 
Khi nghe tuyên án, Dương lại bật khóc nức nở... Có lẽ Dương đang thấy như được chia sẻ bởi những lời dặn dò của vị hội thẩm nhân dân, với những đồng cảm mà HĐXX đã dành cho cô để tuyên cho cô được hưởng án treo đúng như mong muốn. Lặng lẽ ngồi xuống ghế sau khi HĐXX kết thúc phiên tòa, Dương lấy tay lau nước mắt trên mặt, rồi nở một nụ cười thật tươi. Có lẽ Dương đang cố gắng tạo ra một gương mặt bình thản nhất khi phải đối diện với người cha bệnh tật và 2 đứa con đang đợi cô ở nhà...
(Tên một số nhân vật đã được thay đổi)

Đọc thêm