Thiếu tiền khó chống được bạo lực giới?

Việc thực thi các quy định pháp luật hiện hành cần có nguồn lực lớn về tài chính cũng như nhân lực. Với nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng chống bạo lực, bảo đảm BĐG “sẽ không cân đối, tùy thuộc vào nguồn kinh phí nhiều hay ít và vào mức độ ưu tiên mà chính quyền cấp tỉnh dành cho công tác này”.

“Vấn đề kinh phí” là một trong các vấn đề trọng tâm được đề cập tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống bạo lực giới do Tổ chức hòa bình và phát triển Tây Ban Nha phối hợp với Chương trình chung của Liên hợp quốc về phòng chống bạo lực giới tổ chức trong 2 ngày 9 - 10/8 tại Hà Nội.
Hình minh họa nguồn Internet
Hình minh họa nguồn Internet

Quy định “dày”, hiệu quả “mỏng”

Từ khi Luật Bình đẳng giới (BĐG), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ra đời đã hạn chế được những hành vi ngược đãi, xâm hại phụ nữ, buôn bán phụ nữ và trẻ em… “Song tình trạng bất bình đẳng, bạo lực trong gia đình chưa bị đẩy lùi; tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, lạm dụng tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp” -  nhận định của Trung tâm nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và phát triển (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam).

Kết quả nghiên cứu về bạo lực trên cơ sở giới do tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tiến hành đã chỉ ra, những thách thức chính trong việc thực thi chính sách BĐG chính là kinh phí, sự phối hợp và giám sát.

Ngoài ra, bản thân “khung pháp lý” với hệ thống qui định pháp luật “dày đặc” về bạo lực giới cần được hướng dẫn rõ ràng và hiệu quả hơn. Quỹ phát triển phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM) nhận thấy, các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam chưa định nghĩa rõ một số hình thức bạo lực như quấy rối, cưỡng bức tình dục hoặc có đề cập trong Luật Phòng chống BLGĐ nhưng chỉ nêu các biện pháp phạt tiền và “phạt hành chính”.

Do đó, để truy tố tội danh này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải vận dụng một số điều khoản khác của Bộ luật Hình sự. Song thực tế, do không có định nghĩa rõ ràng khiến việc xác định hành vi vi phạm thuộc loại này mang tính hình sự hay dân sự, cũng như việc áp dụng các tội danh khác ngoài tội bạo hành về thân thể hoặc bạo hành nghiêm trọng về tinh thần, trong một vài trường hợp là rất khó khăn…

“Lơ mơ” về trách nhiệm

Cho tới nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định được phải mất bao nhiêu tiền để thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ, Luật BĐG và Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán người trên quy mô cả nước.

Việc thực thi các quy định pháp luật hiện hành cần có nguồn lực lớn về tài chính cũng như nhân lực. Với nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng chống bạo lực, bảo đảm BĐG “sẽ không cân đối, tùy thuộc vào nguồn kinh phí nhiều hay ít và vào mức độ ưu tiên mà chính quyền cấp tỉnh dành cho công tác này”. Vì thế, có những tỉnh có mức thu nhập thấp thường phân bổ không đầy đủ kinh phí cho công tác phòng chống BLGĐ, bảo đảm BĐG.

Mặc dù việc thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ và Luật BĐG là trách nhiệm chung của mỗi bộ, ngành cho đến mỗi công dân, nhưng với các qui định phân tán về trách nhiệm hiện nay thì trong một số trường hợp vẫn là một hạn chế đối với việc thực thi có hiệu quả 2 đạo luật này.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề nguồn lực, để tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện BĐG, từng bước thu hẹp khoảng cách về giới…, ThS.Vũ Ngọc Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, cần tăng cường việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc thực hiện hoạt động BĐG, các trường hợp vi phạm pháp luật về BĐG, cũng quan trọng như đẩy mạnh công tác lãnh đạo và thông tin, tuyên truyền về vấn đề này.

Huy Anh

Đọc thêm