Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng): Điểm mới trong tuyển sinh quân sự năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm giúp các thí sinh có cái nhìn đầy đủ hơn, hiểu rõ hơn về công tác tuyển sinh quân sự (TSQS) và các học viện, nhà trường trong Quân đội, những thuận lợi, khó khăn khi xác định lấy binh nghiệp làm một nghề trong tương lai, PLVN đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Phó Ban TSQS, Bộ Quốc phòng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh.

- Thiếu tướng có thể cho biết những điểm mới trong TSQS 2023?

- Bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược trọng yếu của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của mọi người dân Việt Nam, nhất là các thế hệ thanh niên. Vì vậy, ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố có ý nghĩa quyết định đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác GD&ĐT trong quân đội. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, TSQS là bước đầu tiên để thực hiện yêu cầu đó.

Năm 2023, có 17 học viện, nhà trường tuyển sinh đào tạo ĐH quân sự. Căn cứ nhu cầu nhân lực của toàn lực lượng, năm nay, Bộ Quốc phòng sẽ giảm khoảng hơn 500 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH (4.297 chỉ tiêu, so với 4.822 năm 2022). Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường quân đội chủ yếu dành cho đối tượng là nam quân nhân và nam thanh niên ngoài quân đội (gồm quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ CAND).

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo ĐH, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng về lý lịch chính trị, độ tuổi, văn hóa và sức khỏe.

Các trường tuyển sinh theo phương án chung của Bộ GD&ĐT, xét tuyển từ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có 4 học viện, trường tuyển thí sinh nữ: Học viện Kỹ thuật quân sự; Quân y; Khoa học quân sự; Hậu cần.

Các ngành đào tạo về cơ bản vẫn như năm ngoái. Tuy nhiên, Học viện Quân y sẽ tuyển sinh đào tạo ngành dược sĩ, Học viện Phòng không - Không quân tạm dừng đào tạo ngành kỹ sư hàng không.

Nét mới trong TSQS năm nay có tính toán điều chỉnh yêu cầu về chiều cao cho 2 nhóm đối tượng vùng biên giới, hải đảo, để có cơ hội, bổ sung nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhất là Bộ đội Biên phòng.

Thứ nhất, là thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể lực đạt điểm 1 và điểm 2 theo quy định. Trong đó, thí sinh nam phải đạt chiều cao 1m60 trở lên, nặng 48kg trở lên. Nữ phải cao 1m52 trở lên, nặng 46kg trở lên (theo quy định cũ, thí sinh nam cao 1m62 trở lên, nặng 50kg trở lên).

Thứ hai, với thí sinh là người thuộc 16 dân tộc rất ít người, các trường được tuyển thí sinh nam đạt chiều cao từ 1m58 trở lên, nặng 46kg trở lên. Thí sinh nữ từ 1m52 trở lên, nặng 44kg trở lên.

Các tiêu chuẩn khác thực hiện như với thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung (theo quy định cũ, thí sinh nam phải cao 1m60m trở lên, nặng 47kg trở lên).

- Thời gian qua, Cục Nhà trường và các nhà trường Quân đội đã tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT. Theo Thiếu tướng, khi xác định lấy binh nghiệp làm một nghề trong tương lai, các em học sinh sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?

- Lựa chọn nghề nghiệp là một trong những bước đi hết sức quan trọng quyết định cả cuộc đời sau này, để có sự lựa chọn đúng trước hết ta phải có nhìn nhận và hiểu đúng về nghề nghiệp, sở trường, khả năng, điều kiện gia đình, bản thân để lựa chọn đúng ngành nghề mình muốn.

Thiếu tướng Oanh tại một buổi tư vấn TSQS ở Thái Bình.

Thiếu tướng Oanh tại một buổi tư vấn TSQS ở Thái Bình.

Các em trúng tuyển vào các học viện, nhà trường Quân đội sẽ có những thuận lợi như, nếu trúng tuyển vào các học viện, nhà trường Quân đội, các em được Nhà nước bao cấp gần như 100%, gồm học phí, trang phục (áo quần, giày dép, chăn màn, mũ) ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại. Ngoài ra, hàng tháng mỗi học viên còn được nhận phụ cấp cho những chi phí sinh hoạt. Ra trường, các em có việc làm ngay, thu nhập ổn định, tối thiểu trên mức trung bình xã hội.

Các học viện nhà trường trong Quân đội đều đào tạo theo chỉ tiêu, do vậy, các học viên ra trường sẽ được bố trí làm việc theo đúng cương vị, chức trách theo mục tiêu đào tạo. Trong khi một số sinh viên tốt nghiệp trường dân sự không tìm được việc làm, hoặc không tìm được nghề nghiệp phù hợp với chuyên ngành…

Khó khăn khi TSQS và xác định Quân đội là một nghề là: Tiêu chí sức khỏe, học lực, lý lịch bản thân và gia đình tương đối cao so với các ngành bên ngoài; Môi trường rèn luyện tương đối vất vả; Tính tổ chức, tính kỷ luật cao và khi ra trường phải thực hiện theo sự điều động của tổ chức, của Quân đội đến các đơn vị công tác.

Thực chất, công tác sơ tuyển gồm khám sức khỏe, xét lý lịch của Bộ Quốc phòng cũng đã như là một kỳ thi. Ví dụ, hiện nay, số lượng học sinh mắc tật khúc xạ khá lớn. Chúng tôi đi khảo sát khoảng 11.000 học sinh ở các trường toàn quốc, có những nơi xấp xỉ 40% các em mắc tật khúc xạ. Như vậy, các em này sẽ bị “lọc” ngay từ đầu.

- Trong báo cáo tổng kết 2022, Ban TSQS Bộ Quốc phòng xác định phải tiến hành đổi mới công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, năm nay, Bộ Quốc phòng vẫn TSQS theo phương thức cũ, tức chủ yểu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Những năm sau Bộ có đổi mới phương thức tuyển sinh hay không thưa Thiếu tướng?

- Để xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải phát triển tương ứng. Do đó, TSQS nhằm tuyển chọn các thí sinh có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, văn hóa, sức khỏe và độ tuổi vào đào tạo. Đây là nguồn bổ sung nhân lực chính, tốt nhất, được tuyển chọn công bằng, công khai, minh bạch, khách quan và tự giác nhất để bổ sung vào đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong quân đội.

Thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; xây dựng mỗi nhà trường phải thực sự mẫu mực, tiêu biểu, đi đầu, đi trước đơn vị; phải là nơi có môi trường giáo dục lành mạnh và tin cậy; Bộ Quốc phòng đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức tuyển sinh ĐH, cao đẳng quân sự hệ chính quy giai đoạn 2023 - 2030. Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) là cơ quan Thường trực BCĐ xây dựng Đề án.

Với mục tiêu tổng quát tuyển đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật, chất lượng ngày càng cao, Đề án được xây dựng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyển sinh ĐH, cao đẳng, tuyển sinh theo hướng tự chủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội; áp dụng cho các đối tượng đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ ĐH, đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ cao đẳng hệ chính quy tại các học viện, trường sĩ quan Quân đội.

Quan điểm của dự thảo Đề án nêu rõ, công tác tuyển sinh quân sự phải quán triệt thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế, quy định về tuyển sinh ĐH, cao đẳng của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; tổ chức tuyển sinh có lộ trình, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao, phù hợp điều kiện KTXH, xu hướng phát triển GD&ĐT của đất nước, sự phát triển của Quân đội.

Hướng của Đề án là sử dụng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, vừa xét theo học bạ, vừa theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng… Dự kiến tháng 7/2023, Bộ Quốc phòng sẽ thông qua Đề án này, còn phương thức tuyển sinh phải có lộ trình.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Đọc thêm