Gương sáng Pháp luật

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng V03 (Bộ Công an): Tự hào mang trên mình màu áo Công an nhân dân

(PLVN) - Trải qua nhiều vị trí công tác trong lực lượng Công an nhân dân, dù ở bất kỳ cương vị nào, Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với ông, ý thức và niềm tự hào mang trên mình màu áo Công an nhân dân luôn là động lực mạnh mẽ để không ngừng nỗ lực và cống hiến.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp.

Dấu ấn trong “Chiến dịch” cấp Căn cước công dân

Năm 2021, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, lúc đó đang là Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, được lãnh đạo Bộ điều động giữ chức vụ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

Có thể nói, đây là thời điểm rất đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt 2 dự án trọng điểm là: Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (ngày 11/3/2020) và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (ngày 3/9/2020). Đây là những nhiệm vụ quan trọng, có tính cấp bách nhưng cũng vô vàn khó khăn, thách thức.

Với những đóng góp quan trọng trong quá trình công tác, Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp đã được tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua cơ sở, chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và nhiều Bộ, ngành khác. Năm 2022, ông được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì…

“Hai dự án được triển khai trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang quan tâm đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã tích lũy được khối lượng hồ sơ tàng thư rất lớn và có nhiều kinh nghiệm trong quản lý dân cư. Mặc dù vậy, khó khăn không hề nhỏ vì đây là 2 dự án lớn, phạm vi áp dụng rộng khắp từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 700 quận, huyện và gần 11 ngàn xã, phường, thị trấn trên cả nước”, Thiếu tướng Nguyên nhớ lại.

Hơn thế, việc thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang trong thời kỳ cao điểm cũng đặt ra nhiều thách thức lớn.

“Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm phải ưu tiên thực hiện và phải quyết tâm dành mọi nguồn lực để đạt các mục tiêu đề ra. Từng lộ trình, bước đi được tính toán kỹ lưỡng, trên tinh thần “vừa hành quân, vừa xếp hàng” - giai đoạn này Thiếu tướng Phạm Công Nguyên dành trọn thời gian, tâm sức vào công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo và lãnh đạo Bộ Công an để thực hiện 2 dự án.

Nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các dự án. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đã tích cực tham mưu lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của hệ thống pháp luật. Một trong số đó có thể kể đến là việc Bộ Công an đã chủ trì xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) với nhiều chính sách mới, quan trọng. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, bảo đảm triển khai đồng bộ, có hiệu quả khi Luật có hiệu lực pháp lý.

Trong điều kiện khó khăn về biên chế, Thiếu tướng Nguyên đã tham mưu lãnh đạo Bộ cho chủ trương bố trí đủ nguồn nhân lực hợp lý để bảo đảm tiến độ công việc. Cho đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành bố trí công an xã chính quy tại 100% xã, thị trấn với gần 45 nghìn cán bộ, chiến sỹ, bố trí đủ nguồn lực để quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại các cấp Công an. Đây là nguồn nhân lực vô cùng quan trọng bảo đảm thu thập, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày, bảo đảm được dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Hàng loạt công việc có tính cấp bách khác cũng được ông tích cực tham mưu thực hiện kịp thời, như: Tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc triển khai các dự án; Chuẩn bị hạ tầng cơ sở kỹ thuật; Dự toán, phân bổ kinh phí… Khối lượng công việc ngổn ngang nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực cao nhất của toàn lực lượng, các mục tiêu cơ bản của 2 dự án đã hoàn thành.

Sự thành công của 2 dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, tiết kiệm thời gian, công sức, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến đem lại lợi ích cho người dân và xã hội. Để đạt được kết quả này, không thể không kể đến những đóng góp to lớn của Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Viết tiếp những “trang vàng” của V03

Khi những công việc quan trọng của 2 dự án đã qua giai đoạn “nước rút”, theo yêu cầu nhiệm vụ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên được điều động về giữ chức vụ Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.

Thời điểm này, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp là chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu lãnh đạo Bộ Công an xây dựng các dự án luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự như: Luật Căn cước; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…

“Cái khó là khối lượng văn bản quy phạm pháp luật phải chủ trì, phối hợp xây dựng rất lớn, trong khi đó bất cứ chính sách pháp luật nào được ban hành cũng đều có tác động đến xã hội, phải bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn”, ông Nguyên tâm sự.

Để hài hòa được các yếu tố này trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ngoài sự nỗ lực của cá nhân, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên còn biết cách kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tranh thủ, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của nhân dân… do đó, các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đều bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và có tính dự báo cao.

“Chúng tôi có thuận lợi rất lớn là lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng thể chế. Nhiều dự án luật, đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo đôn đốc, cho ý kiến. Lãnh đạo Bộ Công an cũng tạo điều kiện cho V03 những cơ chế thuận lợi trong việc tuyển chọn, sử dụng cán bộ làm công tác pháp chế. Hiện nay, V03 có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiệt huyết, say mê với công việc, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Nhiều công việc đột xuất, được giao thêm chúng tôi đều nỗ lực cố gắng hoàn thành với tinh thần “làm hết việc, không hết giờ”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên chia sẻ.

Chính tinh thần cống hiến hết mình cho công việc của người đứng đầu đã lan toả đến cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị. Gần 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, V03 tiếp tục là một tập thể đoàn kết, nhất trí, là đơn vị mạnh trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Khó có thể kể hết những đóng góp của Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trên từng lĩnh vực công tác, bởi mỗi môi trường mà ông kinh qua đều để lại những dấu ấn đậm nét của người lãnh đạo bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm. Công tác xây dựng thể chế rất phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức. “Những khó khăn này cần sự chung tay nhiều phía, từ hành lang pháp lý đến quá trình thực thi… nhưng tôi tin rằng với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp của các Bộ, ngành và đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực của một đơn vị đã có bề dày thành tích như V03, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”, Thiếu tướng Nguyên tin tưởng.

Trưởng thành từ mái nhà Học viện Cảnh sát

Ra trường, Thiếu úy Phạm Công Nguyên được phân công công tác tại Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân. Thời gian làm việc trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp, trọng điểm của lực lượng Công an nhân là điều kiện thuận lợi cho ông hoàn thiện, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm, sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới.

“Đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân rất bài bản và chuyên sâu, thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau. Do đó, khi bước vào môi trường thực tiễn có thể áp dụng ngay. Tôi cảm thấy may mắn khi được khởi đầu sự nghiệp tại Học viện Cảnh sát, nơi giúp tôi tích lũy kiến thức và tạo nền tảng vững chắc để khi tiếp nhận những công việc mới không bị bỡ ngỡ” - ông Nguyên chia sẻ.

39 tuổi, rời Học viện Cảnh sát, ông được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam. Mặc dù công việc tại cơ sở luôn có những áp lực và đòi hỏi cao, nhưng ông Nguyên đã nhanh chóng bắt nhịp. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, ông Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, các đơn vị đều được công nhận danh hiệu đơn vị quyết thắng, có đơn vị được tặng Cờ thi đua của Bộ Công an. Đặc biệt, Phòng Cảnh sát truy nã được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương chiến công vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong truy nã đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Cũng giai đoạn này, ông Nguyên được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư và trở lại “ngôi nhà” Học viện Cảnh sát nhân dân giữ chức vụ Phó Giám đốc.

Đọc thêm