Theo ông Xô, việc mở rộng điều tra vụ việc "thổi giá" thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ căn cứ vào tài liệu thu thập được. Từ vụ án của bệnh viện Bạch Mai, cơ quan điều tra sẽ phải căn cứ vào lời khai của bị can để tính toán tới việc điều tra mở rộng. "Diễn tiến vụ án đến đâu chúng tôi sẽ điều tra đến đó. Nếu có những vụ việc tương tự tiếp theo, cơ quan công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra," ông Xô nhấn mạnh.
Trong diễn biến liên quan, trả lời câu hỏi về việc rà soát tình hình xã hội hóa thiết bị, dịch vụ y tế và lý do chậm trễ khi ban hành biểu giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua bởi các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.
Về góc độ điều hành, Chính phủ hiện đã có 2 Nghị định điều chỉnh hoạt động này. Bộ Y tế cũng có Thông tư 04 quy định về việc lắp đặt thiết bị y tế, khai thác tại các bệnh viện công.
Theo ông Sơn, việc xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế, thực tế giúp ngành y tận dụng được công nghệ cao, giúp các cơ sở y tế trong điều kiện nguồn vốn có hạn có thể mở rộng hoạt động phục vụ người dân. Tuy nhiên, hạn chế, tồn tại của hoạt động liên doanh liên kết, xã hội hóa đầu tư y tế chính là việc nâng giá các thiết bị.
Thông qua vụ án tại bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu rà soát hoạt động kiểm tra, phê duyệt giá các thiết bị và giá dịch vụ y tế điều trị tự nguyện tại các bệnh viện.
Cũng từ vụ việc tại bệnh viện Bạch Mai hay vụ tiêu cực tại CDC Hà Nội, vừa qua, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã ký Chỉ thị 20, yêu cầu các cơ quan y tế trong cả nước rà soát lại việc xã hội hóa đã thực hiện ở các bệnh viện, đảm bảo quyền lợi người thụ hưởng, công khai gía dịch vụ y tế để người dân được lựa chọn.