Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện thiếu sót 'cản trở' Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?

0:00 / 0:00
0:00
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không coi Thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6 này là thời hạn chót cho việc đàm phán về tư cách thành viên liên minh quân sự của Phần Lan và Thụy Điển.
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ nhóm họp tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 29-30/6 tới để thảo luận về những nỗ lực gia nhập khối của Phần Lan và Thụy Điển. (Nguồn: Shutterstock)
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ nhóm họp tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 29-30/6 tới để thảo luận về những nỗ lực gia nhập khối của Phần Lan và Thụy Điển. (Nguồn: Shutterstock)

Ngày 17/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, giới chức nước này sẽ thảo luận về các quan ngại của Ankara đối với nỗ lực giành được tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển tại các cuộc đàm phán ở Brussels ngày 19/6 tới.

Phát biểu họp báo tại Zagreb, ông Cavusoglu cho hay, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn đồng thời là cố vấn đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal sẽ tới Brussels để đàm phán.

Ngoại trưởng Cavusoglu nói: "Họ (NATO) đã gửi một tài liệu, một tài liệu có thể được ký kết theo thể thức ba bên.

Chúng tôi nhận thấy những tài liệu này còn thiếu sót và đã gửi tài liệu riêng của chúng tôi để đáp lại. Chúng tôi cho họ biết 'các cuộc đàm phán có thể tiếp tục thông qua việc này'.

Ông Onal và người phát ngôn của Tổng thống, ông Ibrahim Kalin, sẽ tới Brussels vào tối 19/6 và họ sẽ tiến hành làm việc với NATO về tài liệu trên, nhưng chúng tôi nhắc nhở NATO và tất cả các bên về quyết tâm của chúng tôi về vấn đề này”.

Các nhà lãnh đạo NATO sẽ nhóm họp tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 29-30/6 để thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cũng như những nỗ lực gia nhập khối của 2 nước Bắc Âu.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không coi Hội nghị thượng đỉnh này là thời hạn chót và nhấn mạnh chỉ khi các mối quan tâm của Ankara được giải quyết thì quá trình đàm phán này mới đạt tiến triển.

Bất kỳ tư cách thành viên nào của NATO đều cần có sự chấp thuận nhất trí của tất cả 30 thành viên thuộc liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên NATO hơn 70 năm qua và có quy mô quân đội lớn thứ 2 trong tổ chức này.

Đọc thêm