Theo Reuters, hơn 110.000 người trong quân đội, dịch vụ dân sự, tư pháp… bị sa thải hoặc đình chỉ công việc. Khoảng 36.000 người đã bị bắt giữ chờ điều tra vì bị nghi ngờ có liên quan đến cuộc đảo chính thất bại. Ngoài ra, chính phủ cũng công bố đóng cửa khoảng 550 tổ chức, 18 tổ chức từ thiện và 9 phương tiện truyền thông.
Song song với cuộc thành trừng, chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng đang tìm cách bắt giữ giáo sĩ Gullen, người được cho là cầm đầu vụ đảo chính làm hơn 300 người thiệt mạng, hiện ở Mỹ và đồng thời yêu cầu phía Mỹ dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, 1.988 nhân viên từ các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, 7.586 từ các lực lượng cảnh sát, 403 từ lực lượng hiến binh, và hơn 5.000 tổ chức bị sa thải trong lần thanh trừ thứ ba của chính phủ vì bị nghi ngờ có liên quan hoạt động khủng bố.
Trước những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu đã lên tiếng quan ngại về cuộc thanh trừng rộng rãi của Tổng thống Erdogan, thậm chí còn kêu gọi các nước thành viên EU tạm ngừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ông Erdogan lại bác bỏ những lời chỉ trích trên và nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ xác định nhổ tận gốc kẻ thù của mình ở cả trong lẫn ngoài nước và có thể sẽ sử dụng lại án tử hình. Ông cáo buộc các quốc gia phương Tây đứng về phía những kẻ âm mưu đảo chính và chứa chấp khủng bố.