Thỏa thuận hòa bình tại Libya: Bài học từ bất ổn chính trị và kinh tế

(PLO) - Ngày 12/7/2015, tại thành phố Skhirat của Maroc, các lực lượng chính trị ở Libya đã ký tắt vào Thỏa thuận hòa bình do Liên Hợp quốc đề xuất để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và chấm dứt giao tranh tại Libya.
Thỏa thuận hòa bình tại Libya: Bài học từ bất ổn chính trị và kinh tế
Thỏa thuận gồm 6 điểm, hướng tới đặt nền móng cho một nhà nước dân chủ hiện đại dựa trên pháp quyền đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Libya (HoR) hiện đặt trụ sở tại thành phố cảng Tubrok và là chính quyền được quốc tế công nhận, cũng như lãnh đạo các chính đảng, các địa phương và các tổ chức xã hội dân sự. 
Tuy nhiên, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC), cơ quan lập pháp cũ của Libya, vốn không được quốc tế công nhận, đã không tham dự cuộc đàm phán này.
Cánh cửa để ngỏ
Phát biểu tại lễ ký, Đặc phái viên Liên Hợp quốc (LHQ) Bernardino Leon cho biết cánh cửa vẫn để ngỏ với chính quyền ở Tripoli để tham gia vào tiến trình thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc và chấm dứt nội chiến. 
Các nhà thương thuyết dự định sẽ gặp lại nhau sau kỳ nghỉ Tháng lễ Ramadan để xúc tiến thành lập một chính phủ lâm thời và hoàn tất thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Đặc phái viên LHQ Bernardino Leon cũng bày tỏ tin tưởng rằng GNC sẽ trở lại bàn đàm phán.
Sau khi thỏa thuận trên được ký, GNC đã gửi một bức thư tới ông Leon, trong đó nói rằng họ sẵn sàng tham gia vòng đàm phán mới do LHQ làm trung gian. Tuy nhiên, thư nêu rõ các đại diện của GNC sẽ đưa ra những sửa đổi “căn bản và cần thiết” đối với bản thỏa thuận trên. 
Cùng ngày, LHQ và các nước châu Âu đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận hòa bình giữa các phe phái tại Libya, coi đây như một bước tiến hướng tới lập lại ổn định cho quốc gia Bắc Phi này.
Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ “được khích lệ” bởi thỏa thuận trên, đồng thời mong muốn đẩy nhanh việc đạt một thỏa thuận toàn diện giữa tất cả các bên. TTK LHQ khẳng định: “Đây là một bằng chứng rõ rệt cho thấy thiện chí chính trị và lòng can đảm, đưa đất nước tiến gần hơn tới đích là giải quyết cuộc khủng hoảng thể chế và an ninh hiện nay tại Libya”. TTK kêu gọi toàn thể người dân Libya đưa tiến trình chuyển tiếp tới việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cũng đánh giá cao thỏa thuận vừa đạt được, đồng thời kêu gọi GNC ký kết văn bản này. Italia cũng hoan nghênh thỏa thuận trên là một bước tiến tới lập lại hòa bình tại Libya. 
Thủ tướng Italia Matteo Renzi cho rằng một giải pháp cho cuộc xung đột tại Libya có “vai trò trung tâm” đối với nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố cũng như làn sóng di cư trái phép. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng chúc mừng thỏa thuận vừa đạt được giữa các phái Libya, đồng thời kêu gọi GNC tham gia ký thỏa thuận này giúp hướng tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vì lợi ích của đất nước và người dân Libya. Ông Fabius bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên sẽ mở ra một trang sử mới tại Libya.
Bất ổn chính trị - an ninh
Ngày 17/2/2011 đã trở thành “Ngày nổi giận” của người dân Libya nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống Moamer Kaddafi, nhà lãnh đạo cầm quyền hơn 40 năm qua ở nước này. Các cuộc biểu tình của người dân Libya đã diễn ra để phản đối việc giá cả hàng hóa tăng cao và tình trạng thất nghiệp khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. 
Càng ngày làn sóng biểu tình phản đối chính phủ ngày càng lan rộng, từ các thành phố rồi lan đến thủ đô Tripoli. Đến ngày 20/10/2011, nhà lãnh đạo bị lật đổ của Libya Moamer Kadhafi đã bị các lực lượng của phe nổi dậy bắt giữ và ngay sau đó ông đã bị bắn chết. Sau cái chết của nhà lãnh đạo này, phe nổi dậy ở Libya đã tuyên bố kiểm soát được hoàn toàn đất nước, kết thúc 42 năm cầm quyền của ông Kaddafi. Vào thời điểm đó, nhiều nước đã cho rằng đất nước Libya sẽ bước sang một trang mới. 
Tuy nhiên, bốn năm sau sự kiện này, cho dù được sự trợ giúp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quốc gia Bắc Phi này vẫn chìm trong bất ổn, liên tiếp phải đối mặt với xung đột, chia rẽ, bạo loạn và nền kinh tế trì trệ do những tháng ngày nội chiến...
Sau khi làn sóng “Mùa xuân Arab” kết thúc ở Libya, vào tháng 7/2012, GNC đã được bầu ra với nhiệm kỳ 18 tháng, song thực tế hoạt động của GNC cũng rất khó khăn bởi chia rẽ nội bộ sâu sắc. Kể từ khi GNC được thành lập, mâu thuẫn nội bộ giữa Đảng Hồi giáo Công lý và Xây dựng (JCP), một nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo, với Liên minh các lực lượng quốc gia (NFA), đảng kiểm soát Quốc hội đã cản trở quá trình lập pháp ở nước này. 
Quốc hội Libya đã phải thông báo quyết định kéo dài thời hạn hoạt động đến tháng 12/2014 bởi chưa thể soạn thảo ra Hiến pháp mới. Nhưng cũng vì thế mà GNC đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người dân Libya. Họ đã thực hiện các cuộc tuần hành nhằm phong tỏa trụ sở Quốc hội Libya. 
Liên minh các lực lượng quốc gia (NFA) và JCP còn lần lượt liên kết với hai nhóm vũ trang lớn trước đây ở Libya là Zintan và Misrata, làm tăng nguy cơ sử dụng sức mạnh quân sự để gây áp lực lên chính trị. Chia rẽ giữa các phe phái càng thêm sâu sắc. Trong bối cảnh đó, ngày 16/2/2014 GNC đã phải nhất trí về việc tổ chức bầu cử sớm do sức ép từ các cuộc nổi dậy trên đường phố với sự ủng hộ của các nhóm có vũ trang. 
Căng thẳng chính trị ở Libya còn dẫn tới những âm mưu lật đổ chính quyền lâm thời. Ngày 14/2/2014, tướng cấp cao trong quân đội Libya Khalifa Haftar đã kêu gọi giải tán quốc hội và chính phủ. Tháng 8/2014, Liên minh Hồi giáo vũ trang “Bình minh Libya” đã chiếm thủ đô Tripoli và thành lập một chính phủ tại đây. Trong khi đó, chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông. 
Gần một năm qua, quốc gia Bắc Phi này bị chia rẽ giữa một bên là quốc hội dân cử ở miền Đông và một bên là chính phủ do phe Hồi giáo cầm quyền với sự hậu thuẫn của lực lượng dân quân đang kiểm soát Tripoli. Kể từ tháng 9/2014, LHQ đã xúc tiến các nỗ lực trung gian đối thoại giữa các phái đối địch ở Libya, song xung đột vẫn tiếp diễn bất chấp việc các bên đã thông qua một lệnh ngừng bắn. 
Ngoài những bất ổn về chính trị, Libya còn đang là một mối nguy hiểm đối với an ninh của toàn khu vực khi miền Nam Libya đang có nguy cơ trở thành một lò đào tạo, huấn luyện của các nhóm vũ trang nổi dậy, trong đó có nhóm Djihad - nổi tiếng về các hoạt động khủng bố. Trong khi đó, lực lượng quân đội Libya lại còn quá non yếu để có thể kiểm soát được các nhóm vũ trang vốn “nở rộ” từ sau cuộc chiến lật đổ chế độ Kadhafi. 
Kinh tế khó khăn
Tình trạng chính trị-an ninh bất ổn cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Libya. Từng là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba châu Phi, Libya một thời là “mảnh đất vàng” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã phải từ bỏ Libya kể từ khi bùng nổ cuộc cách mạng Mùa xuân Arab ở đây. Bạo lực khiến các nhà đầu tư chưa dám trở lại nước này. 
Tuy các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tái thiết sau chiến tranh và các dự án dầu mỏ vẫn là những lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư đến với Libya nhưng những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đến nay vẫn chưa được khởi động lại bởi các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi một tương lai chính trị rõ ràng và ổn định hơn ở nước này.
Một thực tế khác là tình trạng khó kiểm soát của chính phủ cũng dẫn tới các cuộc tấn công của lực lượng dân quân nhằm vào các cơ sở dầu mỏ chủ chốt ở miền Đông nước này làm hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm mạnh, có thời điểm sản lượng chỉ bằng 1/7 so với thời điểm trước khủng hoảng. 
Dầu khí được coi là một lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế Libya, chiếm 65% GDP của nước này. Bởi vậy, chừng nào việc sản xuất dầu mỏ vẫn bị phong tỏa để phục vụ những lợi ích chính trị của các lực lượng khác nhau thì nước này vẫn đối mặt nguy cơ sụp đổ nền kinh tế. 
Bài học cho Libya
Có thể thấy rõ, khởi đầu cho làn sóng “Mùa xuân Arab” phản đối chính phủ tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói chung và tại Libya nói riêng là nhằm mục đích đòi dân chủ, công bằng xã hội, việc làm, chống tham nhũng, đòi quyền được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế cho người dân… 
Song thực tế, phong trào này đã bị biến tướng dưới sự “giật dây” của các thế lực phương Tây và vì thế mà làn sóng “Mùa xuân Arab” đã nhanh chóng trở thành một “cơn bão”, để lại những hậu quả khôn lường cho những quốc gia mà nó quét qua. Đó là tình trạng bất ổn chính trị, biến động xã hội, nội chiến, kinh tế suy thoái.
Các nhà phân tích cho rằng, những minh chứng diễn ra trong bốn năm qua đang là những bài học cảnh tỉnh đối với những người dân đã từng xuống đường biểu tình một cách mù quáng ở Libya cũng như nhiều quốc gia trong khu vực từng chịu ảnh hưởng của làn sóng biểu tình “Mùa xuân Arab”. 
Sau khi giúp lực lượng nổi dậy tại Libya lật độ chế độ của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi kéo dài 42 năm, chỉ vỏn vẹn trong 7 tháng, phương Tây đã rút khỏi Libya trong êm thấm, để lại một đất nước Libya chìm trong bất ổn. 
Trong khi đó, đất nước Libya dưới thời của ông Kadhafi đã luôn là “cái gai” trong con mắt của các chính quyền phương Tây. Mặc dù không thể phủ nhận làn sóng biểu tình tại nước này xuất phát từ trong nước, song làn sóng đó sẽ không thể trở thành “một cơn sóng thần” có thể nhấn chìm chế độ Kadhafi nếu không có sự can thiệp của phương Tây. Giờ đây, khi phương Tây đã đạt được mục tiêu nhưng Libya thì vẫn đang phải loay hoay tự tìm đường đi tiếp theo của chính mình.
Chính vì vậy, thỏa thuận hòa bình giữa các lực lượng chính trị ở Libya lần này là một bước tiến thực sự quan trọng trên con đường hướng tới hòa bình và ổn định ở quốc gia Bắc Phi này.

Đọc thêm