Thoát nghèo nhờ giống hồng không hạt 300 năm tuổi

(PLO) - Trong sự khó khăn của giao thông, khắc nghiệt của thời tiết, cây hồng không hạt đã vươn lên giúp bà con nơi đây thoát nghèo và cuộc sống ấm no ngày càng lan rộng…
Hồng không hạt “Quản Bạ” tròn, màu vàng sáng, có nhiều cát bám lên lưỡi dao khi gọt, thịt quả giòn và có vị ngọt đậm, thơm
Hồng không hạt “Quản Bạ” tròn, màu vàng sáng, có nhiều cát bám lên lưỡi dao khi gọt, thịt quả giòn và có vị ngọt đậm, thơm

Giống hồng 300 tuổi

Trong cái rét của những ngày đầu đông, sau hơn 4 tiếng vượt gần 150km đường đèo dốc từ TP Hà Giang với những khúc cua tay áo một bên núi, một bên là vực sâu hun hút chúng tôi đã đến được trung tâm huyện Quản Bạ -  một huyện biên giới đầy khó khăn của tỉnh Hà Giang. 

Tại đây, chúng tôi gửi xe máy và mất hơn 1 giờ đồng hồ toát mồ hôi cuốc bộ thêm 20km tìm đến xã Nghĩa Thuận. Song, sau những chặng đường như “lên trời”, ẩn hiện trong thung lũng là những vườn hồng xanh ngút ngàn, cho thấy sự bình yên, no ấm đang về với bà con dân bản nơi đây.

Theo lời kể của những vị già làng trong vùng, lịch sử của những cây hồng không hạt đã có trên 300 năm. Ngay các vị già làng đã trên 80 – 90 tuổi cũng không biết bởi khi lớn lên họ đã thấy cây hồng hiện diện trong vườn, trên đồi nhà từ khi nào rồi. Từ đó cây hồng không hạt đã gắn bó với biết bao thế hệ con người, gắn bó với đồng bào dân tộc Mông, Tày trên vùng đất đồi núi biên giới phía Bắc Việt Nam.

Hồng đặc sản Quản Bạ là giống hồng ngâm, quả cứng, thuận tiện cho việc vận chuyển. Hiện nay, việc tiêu thụ hồng chủ yếu qua các tư thương vào tận vườn nhà mua theo cây hoặc ra chợ mua hồng do nông dân hái mang bán, đôi khi qua các trung tâm dịch vụ thương mại của huyện và tỉnh Hà Giang.

Hồng không hạt thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình ở đây, được tỉnh Hà Giang xác định là cây ăn quả đặc sản cần được ưu tiên nghiên cứu và phát triển ở các địa bàn có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp.

Khu vực Nghĩa Thuận có gần 100 ha với hàng nghìn gốc hồng. Hầu như nhà nào cũng trồng cây đặc sản này, đã có nhiều vườn hồng cho thu từ 3 – 5 tấn quả, ước tính giá trị hàng trăm triệu đồng.

Đến thăm nhà ông Vương Trung Hùng, một trong những hộ có thu nhập khá từ cây hồng  xã Nghĩa Thuận, ông Hùng cho biết: “Nhà tôi có cây hồng lâu đời từ hơn 200 năm, chủ yếu dùng để nhân giống cho bà con trong xã. Về phát triển diện tích hồng, nhà tôi có gần 2ha, với gần 600 cây. Năm ngoái thu hoạch được hơn 5 tấn quả, cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Hơn nữa, đối với các gốc hồng trồng mới có thể trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày khác như rau, cà chua… để lấy ngắn nuôi dài, do cây hồng phải trồng từ 6-7 năm mới cho quả, cây dễ trồng, không phải mất công chăm bón nhiều. Nhờ có cây hồng mà đời sống nhà tôi và bà con trong thôn khá giả hơn, đã thoát nghèo nhiều năm nay, có điều kiện cho con cái ăn học”.

Cây hồng không hạt xứng đáng được gọi là cây xóa đói giảm nghèo khi giúp nhiều hộ vùng sâu, biên giới xã Nghĩa Thuận thoát nghèo bền vững. Là nơi tập trung diện tích hồng lớn nhất toàn huyện với 67 ha, trong nhiều năm qua, cây hồng đã mang lại thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng cho các hộ trồng hồng. 

Quyết tâm bảo vệ thương hiệu

Hồng không hạt thơm ngon là thế, song lại chưa được quảng bá rộng rãi và đến mùa thu hoạch thường bị hồng từ nhiều nơi khác đổ về “mạo danh”, bán phá giá, khách hàng chưa phân biệt rõ nên hồng Quản Bạ chưa tạo được uy tín.

Chủ tịch xã Nghĩa Thuận Phan Thông Quyết cho biết: “Nhận thấy cây hồng không hạt là loại cây đặc sản thế mạnh của địa phương, thực hiện chủ trương của huyện, chúng tôi đã khuyến khích bà con phát triển rộng diện tích trồng hồng. Hiện nay, toàn xã có hơn 300 hộ dân trồng hồng và hiện có 22-23ha đang cho thu hoạch, mang lại thu nhập khá cho các hộ trồng hồng lâu năm. Huyện cũng chọn cây hồng ở xã là cây gốc để nhân giống”.

Theo Chủ tịch xã Nghĩa Thuận Phan Thông Quyết: “Hồng Quản Bạ chuẩn quả không to, tròn, màu vàng sáng, đường kính quả từ 3,4 – 5,2 cm, trọng lượng quả từ 20 – 25 quả/kg, có mùi thơm, vị ngọt dịu, giòn và có nhiều cát. Hàm lượng đường tổng số từ 10,25 – 20,23%, độ Brix từ 5,30 – 26,50%, chất khô từ 20,60 – 30,52%, caroten từ 150,58-462,00 mg/100g. Nếu ngâm đúng quy trình thì cuống không bao giờ bong ra, rốn quả không bị nứt”.

Có được đặc điểm này là do điều kiện địa lý đặc thù của Quản Bạ ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu gần như mát quanh năm, đất thuộc dạng núi đá xen kẽ núi đất, thuận lợi cho hồng không hạt sinh trưởng phát triển, cho năng suất cao ổn định và chất lượng tốt. Tuy nhiên, các hộ trồng hồng thường ở vùng sâu, đường sá đi lại khó khăn, khiến họ rất vất vả trong khâu vận chuyển hồng ra đường lớn để chuyển hàng đi.

Cùng với sự phát triển của cây hồng trên thị trường cũng gặp phải thách thức vì sản phẩm chưa được phát triển thương hiệu. Vì vậy, gần đây Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00056 cho sản phẩm. Khu vực địa lý gồm: Thị trấn Tam Sơn, các xã Nghĩa Thuận, Thanh Vân, Bát Đại Sơn, Quản Bạ. Huyện cũng đã thành lập HTX Hồng không hạt Quản Bạ với mục tiêu mở rộng diện tích, đa dạng hóa sản phẩm. Dự kiến địa phương sẽ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho HTX trên quản lý, chỉ sản phẩm của thành viên HTX mới được sử dụng lôgô Chỉ dẫn địa lý trên bao bì và phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được chuẩn hóa. 

Đọc thêm