Thời của gỗ, gỗ nào được dùng đúng luật?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), nhu cầu nội thất gỗ ở Việt Nam rất lớn và là một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, sử dụng gỗ hợp pháp là vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” trong môi trường kinh doanh ngày nay…
Nhà hàng Sen tại Khu nghỉ dưỡng An Lâm (Nha Trang) - một công trình gỗ. (Ảnh: TranDuc Homes)
Nhà hàng Sen tại Khu nghỉ dưỡng An Lâm (Nha Trang) - một công trình gỗ. (Ảnh: TranDuc Homes)

Thời của gỗ…

Tại Hội thảo “Sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững trong xây dựng, thiết kế kiến trúc và nội thất tại Việt Nam” do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) tổ chức mới đây, nhiều thông tin thú vị đã được đưa ra, gỗ có thể được sử dụng để xây dựng các tòa nhà chọc trời 20- 30 tầng, giúp giảm lượng lớn khí thải so với xây dựng bằng xi măng và bê tông.

Ngoài ra, công trình gỗ cũng không dễ cháy. Với công nghệ gỗ hiện đại và phát triển ngày nay, gỗ có thể có công năng tương đương như bê tông nhưng lại là vật liệu xanh, bền vững và thân thiện hơn với môi trường so với bê tông cốt thép.

Giới khoa học và kiến trúc trên thế giới đang thúc đẩy một khuynh hướng mới: “thời của gỗ” với những tòa nhà chọc trời đã và đang được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ trên thế giới.

Việt Nam đã bắt nhập vào xu hướng “thời của gỗ” khi đã có nhiều công trình gỗ được xây dựng và đã đi vào sử dụng, như: khu biệt thự nghỉ dưỡng An Lâm (Vịnh Ninh Vân, Nha Trang); Cầu Vàng ở khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng)...

“Sử dụng gỗ sẽ tạo mội trường sống tốt, vừa tốt cho sức khỏe, tính thẩm mỹ cao lại bảo vệ môi trường. Sử dụng gỗ giảm đáng kể lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính (GHG) do các hoạt động xây dựng gây ra, giảm chất thải phế thải, ô nhiễm và chi phí liên quan đến xây dựng”- PGS. TS. Kiến trúc sư Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung cho biết.

Băn khoăn gỗ hợp pháp

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Phó Tổng Giám đốc AA Corporation, hiện nay, các thiết kế đồ gỗ và nội thất luôn đảm bảo được sự an toàn, có phong cách, thiết kế nội thất, thiết kế sản phẩm luôn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về cả hình thức lẫn chất lượng cho biết.

“Gỗ là chất liệu 100% tái tạo được, trồng được, thời gian xây dựng nhanh và giảm đáng kể lượng khí thải CO2, phù hợp với cả phong cách truyền thống cũng như hiện đại”- kiến trúc sư Phạm Thanh Huy, người đứng đầu của 282 Design chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST, ông Ngô Sỹ Hoài, nhu cầu nội thất gỗ ở Việt Nam cũng rất lớn và là một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gỗ, nhưng lại đang để hổng thị trường nội địa trong khi nhu cầu nội địa rất lớn.

Thực tế cho thấy, thị trường nội thất tại Việt Nam đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều thương hiệu quốc tế đang có kế hoạch đặt nhà máy sản xuất, hoặc tìm cơ hội để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới - IKEA mới đây cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 450 triệu USD để xây dựng cửa hàng và hệ thống bán lẻ tại Hà Nội.

“Nhưng sử dụng gỗ hợp pháp là vấn đề tồn tại hay không tồn tại trong môi trường kinh doanh ngày nay”- ông Ngô Sỹ Hoài kết luận.

Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Huy, bên cạnh xu hướng dùng gỗ, thế giới cũng đã đẩy mạnh ý thức hệ yêu thiên nhiên, thúc đẩy trồng rừng, sử dụng gỗ nguyên liệu, gỗ tái sinh và đưa ra các giải pháp để tận dụng gỗ triệt để nhằm không ảnh hưởng đến thiên nhiên. “Đó là nét văn hóa, là ý thức chúng ta cần học hỏi để định hướng lại hành động một cách văn minh và khoa học nhất.

Khảo sát người tiêu dùng trẻ của CED về sản phẩm gỗ cho biết, giới trẻ sẵn sàng chọn sản phẩm gỗ và sẽ ưu tiên chọn sản phẩm có nguồn gốc gỗ hợp pháp. Họ cũng ủng hộ các kiến trúc sử dụng gỗ.

Thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU, tháng 9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ sản xuất, chế biến và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam cũng cần phải truy xuất được nguồn gốc hợp pháp. Đây là cơ sở pháp lý để việc sử dụng gỗ trong xây dựng, thiết kế kiến trúc và nội thất ở Việt Nam đảm bảo tính hợp pháp...”- bà Tô Kim Liên, Giám đốc CED khẳng định.

Đọc thêm