Hà Nội là “trái tim của cả nước” nên càng được quan tâm. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chính là cụ thể của sự quan tâm đó.
Làm sao để Thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại", xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; hội nhập quốc tế; động lực có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực? Chắc chắn đây là câu hỏi lớn, không chỉ với riêng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Không chỉ riêng Nghị quyết, chưa có địa phương nào có luật riêng như Hà Nội (hiện nay là Luật số: 25/2012/QH13). Điều 4 của Luật này quy định: Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, Vùng Thủ đô nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Vâng, Thủ đô là của cả nước. Dễ hiểu vì sao các con đường, cảng hàng không, cầu đường bộ qua sông Hồng - “huyết mạch” của Thủ đô đều được thực hiện bằng ngân sách Trung ương hoặc vốn vay ODA. Nói như thế để thấy rằng: chắt chiu xây dựng Thủ đô là vinh dự và tự hào của cả nước. Đối với chính quyền và nhân dân Hà Nội, làm cho Thủ đô trở thành “bộ mặt” không chỉ vì mình mà còn vì quốc gia.
Chắc chắn, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và lộ trình để thực hiện; phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đã đề ra; tạo bước chuyển biến rõ rệt về sự phát triển của Thủ đô đang đặt lên vai Đảng bộ và chính quyền Hà Nội. Vấn đề mấu chốt hiện nay là cụ thể hóa nội dung Nghị quyết; hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Từ nay đến năm 2030, chỉ còn 8 năm, thời gian quá ngắn, nếu không xác định được trọng điểm để làm. Và cũng là thời gian quá ngắn, nếu như mỗi công dân Hà Nội, không xác định được họ là chủ thể trực tiếp của Thủ đô…