'Thổi hồn' vào thư viện trường học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công nghệ thông tin phát triển, những thú vui trên mạng xã hội khiến học sinh không còn mặn mà với những thư viện truyền thống nữa. Hiện nay, nhà trường và ngành Giáo dục đang có những nỗ lực đổi mới sáng tạo các mô hình, hoạt động ở thư viện, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.
Nhiều trường học ở Việt Nam đã áp dụng các mô hình thư viện mới để thu hút học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: lamdong.gov.vn)
Nhiều trường học ở Việt Nam đã áp dụng các mô hình thư viện mới để thu hút học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: lamdong.gov.vn)

Những mô hình thư viện độc đáo tại trường

Trong mỗi trường học đều có một thư viện, tuy nhiên, rất nhiều thư viện “mở cửa” chỉ để cho có, làm nơi lưu trữ sách vở, không thu hút học sinh đến đọc. Chị Nguyễn Thị Mỹ (48 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), có con đang học lớp 8 cho biết: “Con tôi thường đọc sách trên điện thoại hoặc tới nhà sách mua sách về đọc, tôi chưa bao giờ thấy cháu nhắc đến thư viện trường”.

Em Trần Hà My (lớp 7, THCS Nghĩa Tân, Hà Nội) chia sẻ: “Em ít khi lên thư viện trường, chủ yếu em đọc sách, đọc truyện trên máy tính. Đến những kỳ thi, em cũng ôn tập ở trường và tại nhà chứ không lên thư viện”.

Thực tế, không ít thư viện trường hiện nay vắng vẻ, với lượng sách thưa thớt và ít học sinh “ghé thăm”. Điều này đã và đang làm lãng phí nguồn “tài nguyên” vô tận giúp học sinh phát triển văn hóa đọc, rèn luyện thói quen tốt.

Đặc biệt, trong xã hội ngày càng phát triển, khối lượng kiến thức khổng lồ không thể dạy hết cho các em học sinh bằng sách vở, thì việc đến thư viện tự tìm tòi, học hỏi là vô cùng quan trọng. Nhận thức được giá trị của thư viện, nhiều trường học đã không ngừng nỗ lực đổi mới mô hình thư viện độc đáo, thú vị, thu hút học sinh.

Hiện nay, mô hình thư viện xanh đang được nhiều trường học áp dụng. Mô hình tập trung xây dựng những thư viện ở ngoài trời, gần gũi thiên nhiên, không gian đọc mở, tự do, giúp học sinh thoải mái không bị gò bó.

Như tại Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), mô hình thư viện xanh đã nâng cao văn hóa đọc, tạo niềm hứng khởi cho các em học sinh đến với những cuốn sách. Thư viện trường được xây dựng ngoài trời, lớp dưới ngói lá, với các kệ sách phân loại kỹ càng theo từng ô mục, như: Sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện tranh, báo, tạp chí. Sách được huy động từ nhiều nguồn.

Ngoài sách được cấp phát, nhà trường còn vận động giáo viên, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tặng sách, truyện để xây dựng thư viện. Nhờ vậy, số sách được bổ sung thường xuyên, đáp ứng nhu cầu đọc và tìm hiểu của học sinh. Tính đến nay, thư viện đã có hàng nghìn cuốn sách với nhiều thể loại. Kinh phí xây dựng thư viện khoảng 40 triệu đến từ quỹ từ thiện và đóng góp của giáo viên trong trường.

Nắm bắt được tâm lý yêu thích điều mới lạ, thú vị của học sinh. Nhiều trường còn sử dụng mô hình thư viện Container, vừa tiết kiệm diện tích, vừa tạo ra không gian độc đáo để học sinh đọc sách. Lấy ví dụ Trường Tiểu học xã Phúc Than, tỉnh Lai Châu, có một thư viện được tạo nên từ một thùng container màu vàng được trang trí bắt mắt, đã trở thành điểm đến trong mỗi giờ ra chơi của các em học sinh.

Thư viện được trang bị gồm 6 kệ sách truyện, 6 bàn đọc với khoảng ba trăm đầu sách và hơn một nghìn quyển. Nhà trường phân công cho trưởng điểm trường bảo vệ, quản lý thư viện. Ngoài phục vụ học sinh đọc sách, thư viện còn cung cấp bàn ghế, bút, sổ,... để các em học tập, tìm tòi, ghi chép lại các kiến thức hay.

Mô hình thư viện thân thiện được nhiều trường sử dụng để tạo dựng hứng thú đọc sách cho học sinh. Mô hình này lấy học sinh làm trung tâm, phân loại các đầu sách theo trình độ của các em, đồng thời, thư viện được bố trí các góc hoạt động khác nhau, như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo..., khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách và phát huy tính sáng tạo của các em.

Như tại Trường Tiểu học Tây Phong (tỉnh Thái Bình), sử dụng mô hình Room to Read (phòng đọc) nhằm khích lệ, phát triển văn hóa đọc cho các em. Thư viện thân thiện tại trường được cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất, nhiều không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động như: Cá nhân, cặp đôi, nhóm,...

Đồng thời nhà trường cũng sắp xếp thời khóa biểu tiết đọc thư viện cho tất cả các lớp. Các kệ sách được xếp theo hướng mở, thân thiện, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc. Nhiều bộ sách được trưng bày trên kệ, được thiết kế và phân loại theo chiều cao, trình độ đọc của học sinh và dán theo từng mã màu tương ứng.

Xây dựng nhiều hoạt động thú vị

Các trường học đã nỗ lực tổ chức những hoạt động khích lệ học sinh phát triển văn hóa đọc. (Nguồn: Thái Bình)

Các trường học đã nỗ lực tổ chức những hoạt động khích lệ học sinh phát triển văn hóa đọc. (Nguồn: Thái Bình)

Ngoài việc xây dựng những mô hình thư viện mới mẻ, độc đáo thu hút học sinh. Nhiều trường học đã tích cực tổ chức những hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc sách tại thư viện cho học sinh như: giao lưu cùng nhà văn, nhà báo, dịch giả, hoặc tổ chức cho học sinh tham gia buổi vui chơi, đọc sách,...

Lấy ví dụ như hiện nay, nhiều tỉnh có những “thư viện lưu động” đem sách đến các trường học. Như Trường Tiểu học Xuân Đông (tỉnh Tiền Giang), Thư viện tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Chợ Gạo đã tổ chức Chuyến xe Thư viện thông minh lưu động năm 2024. Các chuyến xe lưu động này mang gần 400 đầu sách từ văn học, lịch sử, khoa học,... đến cho hàng trăm học sinh tiểu học.

Đặc biệt, tận dụng nguồn lực khổng lồ từ thư viện tỉnh, các em còn được tham gia các trò chơi như STEM Khoa học vui (chong chóng trái tim, kính vạn hoa vuông, tròn, tên lửa khí, bức tranh màu sắc…); STEM Robotics (các bộ lego lắp ráp); trải nghiệm máy tính bảng công nghệ, đọc sách điện tử và các hoạt động kể chuyện, đố vui phù hợp với trình độ, lứa tuổi của các em.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics năm 2019, trẻ em được đọc sách hằng ngày từ sớm có khả năng ngôn ngữ và từ vựng phát triển mạnh mẽ hơn so với những trẻ không có trải nghiệm tương tự. Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc đọc sách cho trẻ thường xuyên giúp kích thích sự phát triển của các vùng não liên quan đến ngôn ngữ và khả năng tư duy phê phán.

Một thư viện sách thu hút học sinh, cần có sự quan tâm của người thủ thư và các thầy, cô giáo trong trường. Như vào năm 2020, cô giáo Lữ Ngọc Trân (giáo viên môn Văn, THPT Tân Long, Hậu Giang) đã nảy ra ý tưởng xây “Khu vườn đọc sách” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh. Tất cả không gian đọc sách đều được chính tay cô trò Trường THPT Tân Long cùng nhau đóng góp tạo dựng một khuôn viên đọc sách rợp bóng mát, cây xanh, xích đu và vòng hoa trang trí xinh xắn. Được biết, ý tưởng này được cô Trân triển khai nhằm đem các tác phẩm văn học đến gần với mỗi học sinh.

Tại một số trường học, các em học sinh được mượn sách về lớp học đọc trong các giờ nghỉ trưa. Nhiều lớp học được giáo viên chủ nhiệm tổ chức những hoạt động đọc sách, khuyến khích học sinh viết cảm nhận sau khi đọc xong cuốn sách các em tâm đắc.

Cô Lê Diệu Linh (dạy lớp 6, Hệ thống Trường Pathway Tuệ Đức) cho biết: “Tôi thường dành vài phút cho học sinh đọc sách trước khi ngủ trưa. Mỗi tuần, các em sẽ đọc được một quyển sách mỏng. Cuối tháng, cả lớp sẽ tổng kết điểm yêu thích trong mỗi quyển sách”.

Cô Linh cho biết, buổi trưa trẻ em thường rất khó ngủ, thay vì để cho các em nói chuyện, chọc phá bạn bè, cô cho phép mỗi em mang theo một quyển truyện vừa tăng thêm vốn từ vựng, vừa giúp học sinh dễ ngủ hơn.

Một số trường học cũng đã xây dựng các thư viện “mini” ngay tại mỗi lớp ngoài việc khích lệ học sinh đọc sách, nhà trường và giáo viên còn giúp các em có ý thức trách nhiệm bằng cách để học sinh tự quản lý thư viện của lớp. Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), phối hợp với Viện Đào tạo đã tổ chức thí điểm dự án “Thư viện kiến tạo tương lai” tại lớp học nhằm lan tỏa lợi ích đọc sách tới các học sinh, truyền cảm hứng văn hóa đọc trong nhà trường và gia đình.

Dự án xây dựng một thư viện nhỏ trong hai lớp 6A10 và 7A2. Thư viện tại mỗi lớp là một tủ sách nhiều ngăn, được đặt ngay trong lớp, với khoảng 200 - 300 cuốn sách được xếp ngay ngắn. Mỗi cuốn sách được dán nhãn đầy đủ với những màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, vàng, tím… để phân biệt từng thể loại như sách văn học, khoa học, lịch sử, kỹ năng sống. Học sinh trong lớp vừa là thủ thư quản lý, vừa là người đọc, người đóng góp, bảo vệ, giữ gìn các cuốn sách này.

Sau một thời gian các thư viện “mini” được thành lập, học sinh của hai lớp đã vận hành thư viện khá thuần thục, thường xuyên có sự trao đổi và bổ sung sách đều đặn. Không những tích cực tham gia hoạt động thư viện tại lớp, chăm chỉ đọc sách, nhiều học sinh đã về sắp xếp, xây dựng tủ sách gia đình, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách tới những người xung quanh.

Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số người trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.

Đọc thêm