Lan tỏa văn hóa đọc trong Quân đội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều năm qua, toàn quân luôn có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4). Để văn hóa đọc trong Quân đội ngày một nâng cao, phát huy hiệu quả thiết thực, các đơn vị trong toàn quân đã triển khai đồng bộ các biện pháp khuyến khích cán bộ, chiến sĩ đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong đơn vị.
 Báo Pháp luật Việt Nam luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo.
Báo Pháp luật Việt Nam luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo.

Tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng nhiều mô hình đọc

Sách, báo, tạp chí là tri thức, kênh thông tin bổ sung kiến thức cho mỗi người. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có những mô hình mới, cách làm hay, thúc đẩy phong trào đọc sách, xây dựng văn hóa đọc sát đối tượng, phù hợp thực tiễn, mang lại hiệu quả cao, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, thúc đẩy tinh thần đọc sách, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bộ đội.

Khuyến khích bộ đội, nhất là chiến sĩ đọc sách vào ngày nghỉ, giờ nghỉ là một trong những nội dung được Lữ đoàn 131 (Quân chủng Hải quân) quan tâm và triển khai thực hiện với nhiều cách làm hay, góp phần giáo dục, định hình nhân cách quân nhân.

Thượng tá Bùi Đức Thông, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 131 cho biết: “Đọc sách báo giúp bộ đội có thêm kiến thức, bồi đắp đời sống tinh thần, từ đó nâng cao ý thức, kỷ cương, hạn chế tiếp xúc với những tệ nạn xã hội bên ngoài, là động lực để thi đua, luyện rèn, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu””.

Để xây dựng thói quen đọc sách thành nền nếp, thời gian qua, Lữ đoàn 131 đã triển khai nhiều mô hình như: “Sách ở đầu giường chiến sĩ”, “câu lạc bộ đọc sách, báo”; “Sách theo chân bộ đội ra thao trường”… Trong đó, mô hình “Mỗi tuần một cuốn sách” được tổ chức hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa đọc ở đơn vị, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao hiểu biết, đồng thời giáo dục ý thức, trách nhiệm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ.

Điểm nhấn của mô hình là mỗi tuần lựa chọn một cuốn sách hay để giới thiệu trong chương trình truyền thanh nội bộ và mục “Sách hay mỗi ngày” trên trang Facebook của đơn vị, nhằm định hướng cho bộ đội đăng ký mượn, đọc sách tại thư viện. Một trong những kết quả tích cực là từ khi triển khai mô hình đến nay, đã có hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ đăng ký mượn, đọc hơn 600 lượt cuốn sách ở nhiều thể loại.

Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đọc sách báo của cán bộ, chiến sĩ, Lữ đoàn đã tu sửa phòng Hồ Chí Minh, xây dựng, củng cố khuôn viên, “nhà sinh hoạt đồng đội”, “phòng học xanh”, “tủ sách pháp luật”, “ngăn sách pháp luật”... để bộ đội có không gian đọc sách thoải mái, gần gũi. Hiện đơn vị có hơn 12 “phòng học xanh”, “khuôn viên xanh” đem lại hiệu quả cao trong học tập, huấn luyện.

Đến nay, phòng đọc của Trung tâm Huấn luyện Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có khoảng gần 1.500 đầu sách với hơn 2.000 bản sách và lượng sách luân chuyển giữa 5 phòng Hồ Chí Minh, tủ sách báo pháp luật của các đại đội là hơn 1.300 cuốn. Ngoài những đầu sách phục vụ công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh của đơn vị còn có những loại sách lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật, y học…

Trung tá Phạm Minh Thành, Chủ nhiệm Chính trị Trung tâm Huấn luyện BĐBP cho biết: “Những năm gần đây, đơn vị đã tăng cường đầu tư, bổ sung thêm cơ sở vật chất cho hệ thống phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh, gắn phong trào đọc sách báo với mô hình “Hộp báo thao trường”; “Mỗi tuần một điều luật”. Thông qua những hoạt động này, đã kịp thời đáp ứng tốt nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin, học tập, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kiến thức và trình độ mọi mặt cho bộ đội…”.

Nỗ lực chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn

Thực hiện Thông tư 138/2020/TT-BQP ngày 10/11/2020 của Bộ Quốc phòng Quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Thư viện Quân đội bảo đảm 50% bằng hiện vật các sách về chính trị, pháp luật, quân sự, văn học, văn hóa, kỹ năng sống, hướng nghiệp... 50% còn lại do đơn vị tự bảo đảm theo nhu cầu đọc. Là một trong những tờ báo thuộc tiêu chuẩn của bộ đội theo Thông tư 138, Báo PLVN được nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân đặt mua, góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong quân đội.

Sự đa dạng, phong phú của kho tàng sách, báo, tạp chí tại các thư viện đã đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự, học tập, nghiên cứu cũng như giải trí của bộ đội, góp phần tạo sự gắn kết, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, thiết thực xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh ở cơ quan, đơn vị.

Từ những tri thức sách, báo đem lại, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã vận dụng linh hoạt để giáo dục, định hướng tư tưởng cho bộ đội; đồng thời, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ tìm đọc những cuốn sách có giá trị, nhất là các đầu sách về pháp luật, truyền thống Quân đội, truyền thống đơn vị… từ đó xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tạo thêm động lực phấn đấu, rèn luyện, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Mạc Thùy Dương, Giám đốc Thư viện Quân đội cho biết, ngành thư viện Quân đội đang nỗ lực chuyển đổi số khẩn trương, hiệu quả. Không chỉ đơn thuần là số hóa tài nguyên thông tin - thư viện, chuyển đổi số còn góp phần thay đổi quy trình, mô hình hoạt động để cung cấp dịch vụ mới, phục vụ bạn đọc tốt hơn. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã xây dựng được hệ thống thư viện số dùng chung trên Mạng truyền số liệu quân sự với hơn 40 đầu mối thư viện tham gia, tích hợp dữ liệu, khai thác và sử dụng chung dữ liệu.

Các thư viện trong Quân đội cũng đang tập trung số hóa tài liệu, giáo trình, đầu tư hạ tầng trang thiết bị, thay đổi phương thức phục vụ, tăng cường tuyên truyền qua trang web, mạng xã hội và các ứng dụng để lưu trữ, quảng bá video clip giới thiệu sách, triển lãm sách online...

Đọc thêm