|
Quang cảnh ra lễ ra mắt hai cuốn sách |
Phát biểu tại buổi họp báo, nhà báo Bùi Trung Chính cho biết: “Hai cuốn sách này ra đời là sự tri ân tới những người làm báo Thời Nay, những người đã ủng hộ và góp phần xây dựng báo phát triển như hiện tại. Trong cuộc sống ngày càng gấp gáp, để lan truyền sự nhân văn tới mọi người cần rất nhiều tài năng và sự dũng cảm. Chúng tôi cũng thấy rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều những cây bút cùng những định hướng, chỉ đạo sát sao của ban biên tập báo Nhân Dân.
Với tôn chỉ lan tỏa tình yêu, sự đồng cảm giữa người với người qua mỗi bài viết, qua mỗi số báo để hạn chế những vụ bạo hành giữa giáo viên – học trò, hay giữa những người thân trong gia đình. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng tài năng qua những bài viết của các nhà văn, nhà thơ, các bạn cộng tác với báo Thời Nay... .”
|
Nhà báo Bùi Trung Chính phát biểu tại lễ ra mắt hai cuốn sách |
|
Hai cuốn sách như lời tri ân đến những nhà báo, nhà văn và cộng tác viên đã đồng hành với sự phát triển của báo Thời Nay |
Nhà văn Chu Lai nhận xét về cuốn sách này: “Chẳng lên gân, không gồng sức, chẳng làm ra vẻ văn chương cũng không cố gắng tạo mùi triết lý. Nhưng lạ làm sao những cái triết lý, chất văn nó cứ bồi hồi nổi lên, nhen nhóm ẩn nhòa vào từng con chữ, từng hàng chữ làm cho ý tưởng câu chuyện bay lên, tỏa xuống khiến người đọc buộc phải chú tâm, ngẫm ngợi rồi giật mình bởi sự lôi cuốn mà bình dị, hơi phá cách, tiết tấu nhanh, không vòng quanh kiểu húp cháo mà gợi mở, công phá thẳng vào những vấn đề mà tác giả cần nói đến. Truyện mang đậm tính cộng hưởng trong truyện có tôi, trong tôi có truyện, hai mà một, một mà hai. Vậy chính là cuộc đời và vậy cũng chính là văn chương.”
Cũng như cuốn sách “Giấc mơ trên những cánh rừng”, tác phẩm “Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên báo thời nay trong 8 năm. Với 55 tác giả cùng 98 bài tản văn, đó là những lát cắt nhỏ trên những nẻo đường, những miền đất và những con người. Đây là tấm gương phản chiếu rất nhiều cung bậc cảm xúc nỗi buồn, niềm vui hay những tấm lòng trân quý, những đóa hoa tươi tỏa hương khoe sắc cho đời.
|
Nhà văn Chu Lai thể hiện quan điểm, nhận xét về hai cuốn sách |
Nhà phê bình Hoài Nam cảm nhận: “ Nơi ta đã qua, người ta đã gặp” – một cái tên vừa khéo để xuyên suốt nội dung, tinh thần và ôm gọn hai chủ đề cơ bản của các bài tản văn có trong tập sách này: Đất và Người.
Về đất, đó có thể là những ghi chép nhanh và sắc, đầy hứng khởi, như một bức tốc họa của lữ khách trước một miền đất lạ mà bàn chân mới biết đến lần đầu tiên trong đời...Viết về người, nhiều tác giả đã không dừng lại ở nét phá chân dung hay kể chuyện đơn giản, mà có sự phục bút khá kỹ lưỡng. Khiến cho tác phẩm tản văn mang được dáng dấp của những truyện ngắn để lại nhiều dư âm. Và điều quan trọng hơn cả, đọc chúng người ta thêm tin tưởng rằng, dù có thế nào thì người tốt và điều tốt vẫn cứ là những điều tồn tại có thật trong cuộc đời nhiều thương khó này”./.