Thói quen xấu, hành động xấu tàn phá sức khỏe người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ăn thịt chó mèo, động vật hoang dã là một thói quen xấu của người Việt đã diễn ra nhiều năm nay. Đó không chỉ là một thói quen sống thiếu văn minh mà còn có nguy cơ gây ra nhiều căn bệnh truyền nhiễm, tàn phá sức khỏe cộng đồng.
Ăn thịt chó, mèo có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Toquoc.vn)
Ăn thịt chó, mèo có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Toquoc.vn)

Thói quen xấu lên ngôi

Anh T.A.H., 38 tuổi, là nhân viên sửa chữa điện tại khu vực Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Cứ cuối tuần, H. cùng bạn bè hẹn nhau đến một quán chuyên kinh doanh thịt chó mèo ở khu vực Ông Tạ, Tân Bình để “lai rai” vài xị rượu với món nhậu yêu thích: Thịt chó. Khi được hỏi, có nhiều loại thực phẩm ngon, vì sao vẫn phải chọn thịt chó để ăn nhậu, H. cho biết vì thói quen, vì hương vị ngon khó bỏ, và vì “thịt chó với rượu đế là không thể thay thế được”. Không chỉ thế, thời điểm vợ có bầu, H. còn thường xuyên mua đủ món thịt chó cho vợ ăn, vì H. được người thân sống ở Nam Định khuyên, cho vợ ăn thịt chó vừa mát vừa bổ, tốt cho con (!).

Còn anh T.H.D., 45 tuổi, sống ở Đắk Lắk thì lại có một sở thích khá “đặc biệt”, đó là nhậu thịt rừng. Giờ đây, các quán bán thịt rừng ở địa phương không còn, nhưng D. rất “giỏi” trong khoản tìm kiếm được thịt rừng làm mồi nhậu. Anh lùng sục trên mạng hoặc đặt hàng những người thợ đốn gỗ, tìm ong mật thi thoảng đem về cho mình vài con thú nhỏ như nhím, thỏ... để anh rủ bạn bè đến làm bữa nhậu. Theo quan điểm của D., thịt rừng là của động vật hoang dã trong thiên nhiên, không bị chăn nuôi, ăn các thực phẩm gây hại, nên ăn vừa bổ vừa ngon.

Có nhiều lý do để cho đến nay, một bộ phận người dân vẫn yêu thích và thường xuyên ăn thịt các động vật như chó mèo nuôi, động vật hoang dã. Có người vì thói quen từ lâu, vì yêu thích, cảm thấy ngon, không muốn bỏ. Còn có cả những quan niệm như ăn các loại thịt nói trên giúp tăng cường sức khỏe, thậm chí là “cường dương”, tăng cường sinh lý nam... Thậm chí, báo cáo tóm tắt tình trạng tiêu thụ thịt chó và mèo tại Việt Nam năm 2021 của Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS cho thấy, 57% những người tham gia phỏng vấn tin rằng họ không thể mắc bệnh do ăn thịt chó, trong khi 36% những người tham gia tin cũng tin rằng họ không thể mắc bệnh nếu ăn thịt mèo.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt chó là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng. Nhu cầu tiêu thụ là một trong những động lực chính thúc đẩy thị trường buôn bán và giết mổ thịt chó, mèo tiếp tục gia tăng. Thống kê của các tổ chức phúc lợi động vật quốc tế cho thấy, trung bình hằng năm có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết thịt tại Việt Nam.

Cạnh đó hiện nay, việc tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã là vi phạm pháp luật, thế nhưng, vẫn còn không ít chợ động vật hoang dã đang hoạt động công khai hoặc bán công khai tại các địa phương. Một số quán nhậu tại nhiều địa phương, trong thực đơn công khai hoặc dành cho khách “VIP”, vẫn có những món ăn chế biến từ động vật hoang dã như: sóc, nai, dơi... Thậm chí, hoạt động kinh doanh động vật hoang dã trở nên rầm rộ trên mạng xã hội. Trong năm 2023, Cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 1.832 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) trên Internet, bao gồm 8.358 vụ việc quảng cáo, buôn bán nhỏ lẻ và 118 trường hợp buôn bán có tính chất chuyên nghiệp.

Hậu quả nghiêm trọng và giải pháp ngăn chặn

Ăn thịt động vật hoang dã là hành vi gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa. Nguồn: TN)

Ăn thịt động vật hoang dã là hành vi gây hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa. Nguồn: TN)

Cần phải khẳng định, ăn thịt chó mèo, động vật hoang dã không chỉ là thói quen, kém văn minh, đi ngược lại xu thế nhân loại, mà còn bởi điều này là nguyên nhân gây ra những ngộ độc, chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây mất an toàn cho đời sống cộng đồng.

Phân tích với báo chí về những quan niệm sai lầm trong việc ăn thịt chó, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết: Thịt chó có giá trị dinh dưỡng tương tự như một số loại thịt như: thịt bò, thịt heo, thịt gà… Về việc thịt chó có tác dụng y học, làm tăng năng lực phái nam… những tác dụng này thực tế chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh hay khẳng định là đúng.

Các chuyên gia y tế cho rằng, ăn thịt chó mèo không những không có lợi cho sức khỏe mà rất nguy hại. Khi ăn thịt chó mèo chưa được kiểm tra về bệnh cũng như thịt chưa được chế biến phù hợp hoặc không được nấu chín kỹ thì rất có thể gây bệnh cho người ăn, như bệnh dại, một căn bệnh mà loài chó hay bị nhiễm và chưa có thuốc đặc trị. Khi không bảo quản tốt, thịt và nội tạng chó có thể phân hủy dần, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây độc như: liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn phát triển, khiến cho người ăn thịt và cả người làm thịt cũng dễ có nguy cơ nhiễm các vi khuẩn gây nhiễm trùng máu, có thể nguy hiểm tính mạng. Nếu ăn phải thịt trúng bả, người ăn có nguy cơ ngộ độc cấp.

Còn thông tin từ Viện An toàn Thực phẩm Việt Nam (FSI), ăn thịt chó, mèo có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, nhất là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập gan, phổi, phủ tạng khác. Thậm chí, chúng tấn công não, mắt... gây nhiều bệnh nguy hiểm cho người.

Cũng theo các chuyên gia y tế, thịt từ các loại động vật hoang dã cũng là nơi tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Từ những năm 1980, thú rừng được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo là nguyên nhân của nhiều loại bệnh truyền nhiễm, gây tử vong cao. Cụ thể, cầy hương truyền đại dịch SARS, loài dơi gây dịch Ebola, loài khỉ gây bệnh HIV/AIDS, các loài gia cầm gây bệnh cúm,…

Cạnh đó, còn có thể kể đến một số món ăn “nguy hiểm” mà người Việt vẫn chưa bỏ được, đó là ăn tiết canh, các loại thực phẩm biết có độc như cóc, cá nóc...

Theo quy định của Luật Thú y, quy định về sử dụng thịt gia súc, gia cầm làm thực phẩm phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm. Hiện tại, pháp luật Việt Nam không cấm sử dụng thịt chó nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người.

Đồng thời, Chỉ thị số 5804/CT-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ra ngày 6/9/2022 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, trong đó nội dung thứ 5: “Tổ chức theo dõi, giám sát, ngăn chặn, xử lý tiêu hủy chó, mèo, sản phẩm chó, mèo vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó, mèo bất hợp pháp qua biên giới theo quy định; tổ chức kiểm soát vận chuyển chó, mèo trong nước theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y”.

Tại tọa đàm “Buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo): Chính sách, thách thức và cơ hội” vào tháng 7/2023 do Ban Công tác đại biểu của Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo) là một vấn đề đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng. Quản lý động vật nuôi nói chung và quy định về phúc lợi động vật cũng là những nội dung mà các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang đưa ra bàn thảo.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Việt Nam đã có khung pháp lý cho công tác này, tuy nhiên thực thi pháp luật vẫn còn nhiều bất cập và cần tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức, đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức và đoàn thể nhằm giảm thiểu các mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng và cách phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm.

Hiện nay, thế hệ người Việt trẻ đang bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ về mặt nhận thức về vấn đề này. Nhiều thành phố trên cả nước đã ký những cam kết hoặc có lộ trình để trở thành “thành phố không tiêu thụ thịt chó, mèo”.

Bác sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS cho biết: “Chúng tôi đã và đang tích cực làm việc với Chính phủ để cùng giải quyết các rủi ro từ nạn buôn bán thịt chó, mèo. Trên thực tế, thịt chó, mèo không phải là nguồn thực phẩm thiết yếu, chỉ có 6% người Việt Nam ăn thịt chó, mèo thường xuyên, trong khi có tới hơn 90% người ủng hộ lệnh cấm”.

Hy vọng, cùng với sự thay đổi nhận thức, với các hoạt động mạnh mẽ của nhiều tổ chức xã hội, và đặc biệt là việc nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, Việt Nam có thể tiến tới những ngày không xa, những thói quen thiếu văn minh như thế này sẽ không còn bóng dáng trong cộng đồng.

Đọc thêm