Thói quen xấu ở giới trẻ “vô tình” gây đột quỵ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đột quỵ là một biến chứng sức khỏe nguy hiểm, nó có thể xảy ra ở bất cứ ai và dễ dàng cướp đi tính mạng con người nếu không can thiệp sớm. Những người có nguy cơ cao bị đột qụy là người trung niên, cao tuổi, người mắc bệnh lý mãn tính, đặc biệt là bệnh về tim mạch. Thế nhưng những năm gần đây, đột quỵ ở người trẻ tuổi hiện ngày một gia tăng, nguyên nhân và cách phòng ngừa của hiện tượng nguy hiểm này liệu bạn đã biết?
Đột quỵ ở người trẻ gia tăng.
Đột quỵ ở người trẻ gia tăng.

10-15% người trẻ đột quỵ

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là căn bệnh gây ra bởi tình trạng thiếu máu nhu mô hoặc chảy máu trong não. Bệnh xảy ra đột ngột khi dòng máu cung cấp lên não bị ngưng trệ do vỡ mạch máu hoặc tắc mạch máu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng năm triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và năm triệu người tử vong.

Đây là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu thế giới và là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tương đương trung bình cứ 6 người thì một người có nguy cơ đột quỵ. Lứa tuổi trung bình bị đột quỵ thường trên 60. Mặc dù vậy, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15% tổng các ca đột quỵ hiện nay.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, hàng năm, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50. Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới.

Không phải tự nhiên, khi tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng cao trong những năm gần đây. Kết quả sức khỏe của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó thói quen sống là điều kiện có sức ảnh hưởng nhiều nhất.

Hiện nay, guồng quay cuộc sống bận rộn khiến cho những người trẻ phải đối mặt với rất nhiều áp lực, họ không thể cân bằng được cuộc sống và hầu như bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo từ sức khỏe của mình... Hầu hết các bạn trẻ thời nay đều có những thói quen sống không lành mạnh, không tốt cho sức khỏe. Và vô tình những thói quen xấu ấy chính là nguyên nhân gây đột quỵ.

Nguyên nhân đầu tiên và dễ nhận thấy nhất đó chính là thói quen ăn uống không lành mạnh. Bây giờ là thời đại của đồ ăn nhanh, càng nhanh, càng tiện mà lại còn ngon thì càng được các bạn trẻ yêu thích. Vậy nhưng, đồ ăn nhanh chính là những thực phẩm hàng đầu trong việc chứa nhiều dầu mỡ, chất béo.

Ngoài ra còn có nội tạng động vật, thực phẩm ngọt nhiều đường,… đều có nguy cơ khiến mỡ máu tăng cao. Đồng thời những tác nhân này sẽ bám vào thành mạch máu rất dễ khiến gây tắc nghẽn. Những thực phẩm trên là một trong những món sở trường của giới trẻ hiện nay và là nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi hàng đầu.

Hệ lụy của việc ăn uống không lành mạnh chính là tình trạng thừa cân. Một chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ gây nên tình trạng thừa cân ở giới trẻ. Cũng giống như hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Do chất béo dư thừa trong cơ thể, tình trạng viêm có thể xảy ra, gây ra lưu lượng máu kém và tắc nghẽn mạch máu – hai nguyên nhân chính gây đột quỵ. Đặc biệt với dân văn phòng, do tính chất công việc ít vận động khiến cho cân nặng tăng không kiểm soát dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ.

Người trẻ thường ham vui, hay tổ chức những buổi nhậu nhẹt và không thể thiếu rượu bia. Theo nghiên cứu của WHO, nhiều bệnh lý tim mạch, mạch máu não có liên quan đến thói quen uống rượu. Rượu gây gia tăng đáng kể tỷ lệ bệnh và tỷ lệ tử vong do chất kích thích trong rượu ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài lên hệ tim mạch đặc biệt là chỉ số huyết áp. Tình trạng nghiện rượu cấp tính hay nghiện rượu mãn tính cũng đều ảnh hưởng lên cơ tim và khả năng truyền máu của mạch, rất dễ dẫn đến đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.

Nguyên nhân tiếp theo là làm việc quá sức, khi làm việc quá sức sẽ gây những áp lực lớn lên não. Trong môi trường sống hiện đại, giới trẻ có xu hướng theo đuổi công việc cộng với những áp lực, căng thẳng khiến cho huyết áp tăng cao, cơ tim co bóp mạnh. Khi dòng máu chảy về não tăng đột ngột gây nguy cơ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não.

WHO công bố nghiên cứu cho thấy làm việc quá giờ, quá sức đã giết chết hơn 745.000 người chỉ trong vòng một năm. Những người làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần sẽ đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% so với những người tuân theo tiêu chuẩn làm việc 35-40 giờ mỗi tuần.

Cuối cùng, chính là thói quen lười vận động. Ít vận động, không tập thể dục thường xuyên không chỉ khiến chúng ta bị thừa cân, béo phì mà còn có thể gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những người lười vận động ít chú ý đến việc tận dụng năng lượng hấp thu từ thức ăn, dẫn đến tích tụ mỡ thừa trong cơ thể. Lượng mỡ này chặn lưu thông máu, dẫn đến các bệnh tim mạch như đột quỵ.

Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy khoảng 10% các bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có thừa cân. Đây là lý do các bác sĩ khuyến cáo người trẻ phải chăm tập thể dục. Hoạt động nhiều khiến cho cơ thể đánh tan mỡ thừa, giải độc cơ thể, giảm mỡ máu và giúp ổn định cân nặng, giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi.

Rượu bia - thói quen xấu gây đột qụy.

Rượu bia - thói quen xấu gây đột qụy.

Ăn uống lành mạnh và tập thể dục giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ.

Ăn uống lành mạnh và tập thể dục giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ.

Không phải là “trúng gió”…

Ngoài những nguyên nhân kể trên, đột quỵ còn có thể đến từ chính tâm lý chủ quan của các bạn trẻ. Vì hiện nay vẫn còn rất nhiều bạn trẻ cho rằng đột quỵ hay tai biến mạch máu não chỉ xảy ra ở những người cao tuổi chứ không ở tầng lớp thanh niên. Chính vì tâm lý chủ quan này mà đã xuất hiện rất nhiều ca đột quỵ khi bệnh nhân còn rất trẻ. Đặc biệt nhiều người trẻ chủ quan trước các triệu chứng đột quỵ và thường cho rằng đây là một cơn “trúng gió”, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn mới đến cơ sở y tế khi đó nguy cơ tử vong và tàn phế là rất cao.

Chính vì vậy, người trẻ cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc. Dự phòng đột quỵ ở người trẻ bằng các biện pháp chung như sau: Người trẻ cần biết cân bằng cuộc sống giữa công việc và nghỉ ngơi, dinh dưỡng và vận động.

Hình thành các thói quen lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Những người đang có lối sống không lành mạnh như thức khuya, ăn uống không điều độ, sử dụng các chất kích thích, lười vận động thì cần thay đổi ngay. Hãy ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc. Nên xây dựng thực đơn ăn nhiều cá, nhiều rau xanh và hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, dầu thực vật. Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ. Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh cũng như các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường. Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, tăng cường vận động (đi bộ, chạy bộ, đạp xe… 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần một tuần). Cũng như kiểm soát cân nặng ở mức độ phù hợp. Làm việc nhẹ nhàng vừa sức, tránh stress, mất ngủ. Luôn giữ tinh thần vui vẻ, tránh lo lắng, căng thẳng kéo dài mà hãy duy trì một lối sống lạc quan, vui tươi. Từ bỏ những thói quen độc hại như hút thuốc lá hay chất kích thích. Hạn chế tối đa đồ uống có cồn như bia rượu.

Nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và có biện pháp can thiệp, điều trị ngay từ giai đoạn đầu. Đặc biệt, những người có tiền sử mắc các bệnh nền mãn tính như tim mạch, tiểu đường,… cần kiểm soát các bệnh lý nền, điều trị hiệu quả các bệnh lý này và thăm khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Mỗi người dù già hay trẻ, nên tìm hiểu và nâng cao các kiến thức về chăm sóc sức khỏe của mình để phòng ngừa và nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ. Khi thấy người bệnh có dấu hiệu như: nói khó, lệch miệng, yếu liệt chi, suy giảm ý thức, buồn nôn hoặc nôn,… cần nghĩ ngay đến nguy cơ người bệnh bị đột quỵ và đưa người bệnh đi cấp cứu ngay tại cơ sở có thể can thiệp điều trị đột quỵ não cấp tính gần nhất.

Dù là bệnh lý cấp tính nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể được đẩy lùi nhờ những biện pháp phòng ngừa trên. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn trẻ sẽ thay đổi thói quen xấu vì sức khỏe của chính bản thân mình.

Đọc thêm