25 năm thực thi UNCLOS: Việt Nam phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường biển

(PLVN) - Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành quản lý có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phục vụ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với bảo vệ môi trường biển.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kinh tế biển của Việt Nam phát triển tích cực

Ngày 16/11/1994, khi Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) bắt đầu có hiệu lực cũng đồng thời là ngày văn kiện này có hiệu lực đối với Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong triển khai các hoạt động kinh tế biển, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS. Nhờ đó, kinh tế biển của Việt Nam đã có những phát triển tích cực, đời sống của người dân được nâng cao, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường biển.

Kinh tế biển và ven biển đã đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của người dân ven biển tăng lên. Giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu liên tục tăng. Hệ thống cảng biển ngày càng phát triển, mở rộng cả về quy mô, số lượng và mật độ tại các vùng miền trong cả nước, từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa, chuyên dụng hóa, trong đó nhiều cảng, bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn.

Các cảng hàng không, sân bay ven biển được đầu tư hiện đại và hiện đang được khai thác hiệu quả. Năng lực đội tàu biển Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 30 trên thế giới; sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng đều theo các năm.

Hiện nay, Việt Nam có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn. Các khu kinh tế ven biển có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ven biển.

Trong lĩnh vực thủy sản, sản lượng khai thác thủy sản và số lượng cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu liên tục tăng qua các năm. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam hiện nay được xếp vào loại khá trên thế giới, nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ.

Với chủ trương chống khai thác thủy sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã và đang tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá, tăng cường triển khai thực hiện pháp luật, sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản.

Các biện pháp của Việt Nam về chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả tích cực và Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp phòng, chống khai thác IUU quyết liệt để xây dựng nghề cá phát triển bền vững và có trách nhiệm, với mục tiêu cân bằng giữa phòng chống khai thác IUU và việc an sinh xã hội, sinh kế, an toàn của ngư dân.

Việt Nam cũng chú trọng phát triển khoa học – công nghệ biển. Về nghiên cứu khoa học biển, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển trong vùng biển Việt Nam phù hợp với Luật Biển Việt Nam và UNCLOS.

Việt Nam cũng hết sức coi trọng công tác bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu với quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm tăng trưởng kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững kinh tế đất nước…

Đóng góp tích cực trong các cơ chế được thành lập theo UNCLOS

Kể từ khi trở thành thành viên UNCLOS, Việt Nam cũng đã tích cực hoạt động tại các cơ chế được thành lập theo UNCLOS. Hàng năm, Việt Nam đều tích cực tham gia thảo luận cùng với các nước về Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về “Đại dương và Luật Biển”; tham gia tiến trình tư vấn không chính thức của Đại Hội đồng LHQ về đại dương và Luật Biển. Là thành viên Hội đồng Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (ISA) của hai nhiệm kỳ (2007-2011 và 2011-2014), Việt Nam đã có những đóng góp trong xây dựng các văn kiện của ISA. 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham dự, chia sẻ thông tin và lập trường về tình hình Biển Đông tại các Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên UNCLOS, ủng hộ hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS), tham gia tích cực vào hoạt động của Nhóm Công tác về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ); đề cao vai trò của Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) trong việc bảo vệ các quy định của UNCLOS; đồng thời đóng góp đầy đủ niên liễm cho hoạt động của các cơ quan được thành lập theo UNCLOS.

Tại các diễn đàn quốc tế liên quan, Việt Nam luôn kêu gọi các quốc gia phải tuân thủ các quy định của UNCLOS, sử dụng biển một cách hòa bình, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác ở trong và ngoài khu vực.

Cùng với đó, như hầu hết các quốc gia ven biển khác, Việt Nam ngày càng đề cao hợp tác quốc tế về biển, đặt vấn đề này trong tổng thể chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, phù hợp với phương châm “chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”; tăng cường hợp tác quốc tế về biển nhằm mục đích khai thác tối đa các tiềm năng mà biển đem lại cũng như để giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về biển như Pháp, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhằm tranh thủ kinh nghiệm, khoa học – công nghệ và nguồn viện trợ của các nước để xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực quản lý tổng hợp biển và hải đảo như trắc địa và bản đồ biển, nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển, quản lý bền vững vùng biển và vùng bờ tại Việt Nam…

Việt Nam cũng chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế liên quan đến biển như Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC), Ủy ban Nghề cá Tây Trung Thái Bình Dương (WCPFC)…

Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các diễn đàn liên quan đến biển và đại dương như bảo vệ môi trường biển, hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng năng lực…

Hoạt động hợp tác quốc tế về biển đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa ta với các nước để từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển; tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; đồng thời, giúp huy động các nguồn lực, tri thức cần thiết để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; biểu thị rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi đầy đủ những nội dung của UNCLOS.

Đọc thêm