Có thể lên đến đỉnh dịch, người dân cần cẩn trọng!

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã trả lời báo chí một số vấn đề xung quanh công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hoạt động của đoàn công tác của Bộ Y tế tại Đà Nẵng. Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới, do đó người dân cả nước cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh Covid-19. 
Có thể lên đến đỉnh dịch, người dân cần cẩn trọng!

Số bệnh nhân Covid-19 sẽ còn tăng!

Thứ trưởng Sơn chia sẻ, đợt dịch hiện tại ở Đà Nẵng, khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều thời điểm dịch xảy ra tại BV Bạch Mai, khi các ca mắc Covid-19 là một số các công nhân Công ty Trường Sinh và một số điều dưỡng mắc bệnh. Còn tại Đà Nẵng, Covid-19 lây lan cho nhiều bệnh nhân và người nhà, nhân viên y tế tại 3 bệnh viện. Trong đó có rất nhiều bệnh nhân có nền bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao và đã xuất hiện những trường hợp tử vong do nền bệnh lý nặng.

Bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được thì ở một số nơi đã xuất hiện một số bệnh nhân không có liên quan đến các bệnh viện trên. Do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Sơn nhận định, số lượng bệnh nhân Covid-19 sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Chúng ta không thể chủ quan, mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt.

Tuy nhiên qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh; việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Tập trung truy vết bệnh nhân mới

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, chỉ đạo lực lượng đặc biệt chi viện chống dịch Covid-19 ở Đà Nẵng chia sẻ, trong giai đoạn hiện này, ngành y tế không đặt mục tiêu tìm ca F0 ở Đà Nẵng.

Việc quan trọng nhất hiện nay là sử dụng các công cụ truy vết, tìm ra các bệnh nhân người tiếp cận gần để cách ly và xét nghiệm mở rộng phát hiện ra ca dương tính trong cộng đồng, tìm ra những trường hợp bị lây nhiễm gần.

Đà Nẵng đã nâng công xuất xét nghiệm lên đạt mức 8.000-10.000 mẫu/ngày nhưng nhu cầu vẫn có thể tăng hơn nữa. Hiện Viện Pasteur TP HCM đã ra hỗ trợ Bệnh viện 199 Đà Nẵng trong công tác xét nghiệm.

Bộ Y tế đã cử những chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ công tác truy vết tại cộng đồng như xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly và truy vết những trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Các thầy thuốc đều đồng lòng ở lại miền trung đến hết dịch!

Bên cạnh đó, Đà Nẵng vẫn tiếp tục cần được sự chi viện rất lớn về lực lượng y tế, dù tại 3 bệnh viện vốn là “ổ dịch” đã được làm sạch, chuyển hết bệnh nhân Covid-19 sang các cơ sở y tế khác. Bởi theo PGS Sơn, với giai đoạn 2 của đợt dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, rất nhiều bệnh viện có nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhiễm bệnh. Trong đó rất nhiều bệnh nhân nặng do bệnh nhiều lý nền.

Bên cạnh đó và việc truy vết trong cộng đồng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều chuyên gia do vậy nhân lực y tế ở Đà Nẵng là chưa đủ, cần sự chi viện thêm từ Trung ương, các bệnh viện để tham gia hỗ trợ điều trị và xây dựng những cơ sở tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 mới tại Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Về vấn đề chi viện nhân lực cho Đà Nẵng, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định: “Đà Nẵng dù đã dồn toàn lực nhưng vẫn thiếu cán bộ y tế nên đang kêu gọi các địa phương khác hỗ trợ bác sĩ khám bệnh cho người dân trên địa bàn. Vì thế, các địa phương cần tập huấn cho cán bộ y tế đang làm việc, đã nghỉ hưu hay sinh viên đang theo học. Nếu không chúng ta sẽ thiếu nguồn nhân lực rất lớn khi dịch xảy ra”.

Đặc biệt, khi nhắc đến việc chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng chiến đấu đến khi hết dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả các thầy thuốc được  Bộ Y tế cử đến miền Trung đều có nguyện vọng muốn ở lại tham gia công tác phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của thầy thuốc để đảm bảo giúp đẩy lùi dịch bệnh tại miền Trung”. 

Bộ Y tế tiếp tục huy động, cử cán bộ y tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử chuyên gia đầu ngành và đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bay vào.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cử chuyên gia về hồi sức tích cực đến hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cán bộ xét nghiệm hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

TP Hải Phòng cũng đã cử đoàn cán bộ 33 người, gồm 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng vào TP Đà Nẵng hỗ trợ điều trị, phòng chống dịch Covid-19. 

Và thật ấm lòng khi đoàn các bác sỹ, chuyên gia Cu Ba ngoài thuốc men và dụng cụ y tế, cũng đang sẵn sàng tham gia sát cánh cùng Đà Nẵng.

Liên tục, liên tục những đội quân blouse trắng được chi viện. Đồng sức đồng lòng hướng về miền Trung ruột thịt. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, từ lực lượng y tế đến lực lượng thanh niên tình nguyện đều sẵn sàng chi viện. Nhất định rằng, với sự quyết liệt từ Chính phủ đến sự quyết tâm của người dân trong cuộc chiến này thì chúng ta sẽ lại thành công. Một ngày thật gần… 

Không để quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua là lời cảnh báo rất nghiêm khắc cho tất cả các bệnh viện, các địa phương, các ngành, các cấp. Tinh thần là quyết không để làn sóng dịch bệnh thứ hai xảy ra ở Việt Nam, không để quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Vì vậy, việc khoanh vùng thực hiện trên phạm vi nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải trong trạng thái bình thường mới để phát triển.

Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. Dự báo trong những ngày tới sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch.

Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cũng nhấn mạnh với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài hơn 4.000km nên nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.

Phải phát hiện thật nhanh, khoanh vùng thật sớm ở quy mô nhỏ nhất có thế. Các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng vì các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại các cơ sở y tế. Người dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Người dân cần sớm cài đặt ứng dụng Bluezone!

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị người dân cài đặt ứng dụng Bluezone - ứng dụng hỗ trợ phát hiện truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm.

Ứng dụng Bluezone ghi nhận những người tiếp xúc gần trong khoảng 2m, nếu một người trong mạng lưới tiếp xúc gần bị phát hiện lây nhiễm thì phần mềm sẽ chỉ ra những người tiếp xúc gần còn lại, giúp cho việc truy vết, khoanh vùng dập dịch nhanh chóng.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, cho đến nay thì đây là phần mềm truy vết hiệu quả nhất. Phần mềm này kết hợp với phần mềm khai báo khác đang hoạt động ở Việt Nam sẽ trở thành hệ sinh thái với độ truy vết rất cao.

Việt Nam có khoảng 75-80 triệu người trưởng thành đang dùng điện thoại di động, nếu khoảng 60% số người (tương đương 45-50 triệu người) cài đặt Bluezone thì phần mềm sẽ hiệu quả. 

Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng chỉ thị toàn dân cài đặt Bluezone, kể cả người nước ngoài nhập cảnh, thời gian hoàn thành trước ngày 8/8, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia thúc đẩy cài đặt nhanh nhất.

Đọc thêm