Dầu mỏ - Thời hoàng kim trở lại?

(PLO) - Hiệp định cắt giảm sản lượng dầu giữa các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ký kết cách đây một năm sẽ được tái đàm phán trong cuộc họp ở Vienna vào tuần tới. Liệu thời kỳ hoàng kim có quay trở lại với các nhà sản xuất dầu mỏ?
Thách thức lâu dài đối với OPEC vẫn là việc cắt giảm hoạt động sản xuất ra sao
Thách thức lâu dài đối với OPEC vẫn là việc cắt giảm hoạt động sản xuất ra sao

Sau quãng dài ảm đạm, cuối cùng giá dầu mỏ đã đột ngột hồi phục. Chỉ riêng tháng này, giá trung bình của dầu Tây Texas đã tăng gần 5 USD, chạm mức trên 55 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2015. Dầu Brent ở khu vực châu Âu đã tăng khá nhiều, duy trì mức trên 60 USD/thùng trong tháng 11. 

Nguyên nhân nào?

Liệu thời kỳ hoàng kim có quay trở lại với các nhà sản xuất dầu mỏ? Có khả năng nhưng kết quả sẽ phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra trong cuộc họp sắp tới của OPEC. Trọng tâm của cuộc họp lần này sẽ là hiệp định cắt giảm sản lượng trên và dự định gia hạn hiệp định đó sau khi kết thúc vào tháng 3/2018. Mặc dù vào đầu tuần, Bộ trưởng Dầu khí Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết hầu hết các thành viên đều muốn gia hạn hiệp định đó, song OPEC vẫn chưa đưa ra quyết định chính xác. 

Cuộc họp của OPEC diễn ra ngay khi thị trường dầu mỏ vừa có biến chuyển tích cực. Giá hợp đồng dầu WTI kỳ hạn giao đầu tháng này đã hoàn toàn đảo ngược. Trước đó, giá dầu mỏ giao sau 6 tháng duy trì ở mức cao hơn giá dầu mỏ giao ngay nhưng hiện tại, giá dầu kỳ hạn đã giảm xuống thấp hơn. Điều này cho thấy nhu cầu dầu mỏ giao ngay tăng cao hơn, do đó giá cũng tăng theo, ít nhất trong thời gian trước mắt. 

Nguyên nhân đằng sau những biến chuyển gần đây trên thị trường dầu mỏ không chỉ có hiệp định cắt giảm sản lượng của OPEC. Xét về nguồn cung, những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã làm gián đoạn thị trường. Cuộc chiến leo thang giữa Saudi Arabia và Iran ở Yemen ngày càng căng thẳng. Ngoài ra, cuộc chiến “chống tham nhũng” của Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng là một yếu tố gây bất ổn cho khu vực cũng như nước thành viên mạnh nhất OPEC khi ra lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo quân sự, kinh doanh, tôn giáo và các thành viên trong gia đình. Rõ ràng, sự bất ổn ở Trung Đông khiến các quốc gia trong khu vực kỳ vọng giá dầu tăng cao hơn. 

Tuy nhiên, mối lo ngại có thể đã bị thổi phồng. Cuộc cải tổ đất nước của Hoàng tử Bin Salman là một biến động lớn, nhưng dường như điều đó không ảnh hưởng nhiều đến ngành sản xuất dầu mỏ. Hơn nữa, căng thẳng Saudi Arabia-Iran đã diễn ra trong nhiều năm mà không hề leo thang thành một cuộc chiến công khai và có nhiều lý do quân sự, chính trị và địa lý để có thể tin rằng trước mắt sẽ không có một cuộc chiến nóng. 

Thách thức

Vậy nếu sự bất ổn ở Trung Đông không gây ra quá nhiều hậu quả như cả thế giới lo sợ, điều gì sẽ xảy ra với giá dầu mỏ? Nếu không tính đến các yếu tố địa chính trị, việc cắt giảm sản lượng của OPEC có hiệu quả như thế nào? Không dễ dàng để trả lời câu hỏi này. Ít nhất, có thể tạm kết luận rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng có nhiều khả năng sẽ tiếp tục được ký kết. Tuy nhiên, tháng 10 là tháng đầu tiên của năm nay cả OPEC và các nước không thuộc OPEC (do Nga dẫn đầu) đều đạt được mục tiêu sản xuất. Theo Bloomberg, Iraq - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Mỹ - là quốc gia phá vỡ cam kết OPEC nhiều nhất. 

Tuy nhiên, OPEC cũng không phải nhà cung cấp độc quyền trên thị trường dầu khí. Các nhà sản xuất khác, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, lại tăng cường sản lượng trong khi OPEC đã cắt giảm. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên gần 9,65 triệu thùng/ngày trong tuần đầu tiên của tháng 11. Đó là một con số cao trong nhiều năm liền. Điều đáng chú ý hơn nữa là sản lượng dầu đá phiến đã tăng gần 15% kể từ mức thấp giữa năm 2016. Còn các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đều có độ bền (trung bình khoảng 5 năm) và sản lượng biến động liên tục. 

Cách đây một tuần, dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API ) cho thấy sản lượng của nước này bất ngờ tăng lên 6,5 triệu thùng. Tuần này, dữ liệu API lại cho thấy sản lượng lại giảm. Trong khi đó, trữ lượng của Trung Quốc vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính sức mua của nước này đã đạt tới mức kỷ lục trong năm nay. 

Một mối lo ngại khác của OPEC là Liên bang Nga, quốc gia đóng vai trò chủ chốt và tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nhiều nhà sản xuất của Nga tỏ ra khó chịu với dự định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Họ cho rằng những hành động này là sự trợ giá cho các nhà sản xuất dầu với chi phí cao. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hoàn toàn có thể thúc đẩy OPEC trì hoãn quyết định cho tới năm sau. 

Xét theo tình hình hiện tại, có thể phỏng đoán rằng OPEC và các đối tác có thể gia hạn thỏa thuận vào tuần tới, nhưng thách thức lâu dài đối với OPEC vẫn là việc cắt giảm hoạt động sản xuất ra sao. Khi cán cân cung - cầu trên thị trường dầu mỏ cân bằng, liệu OPEC và các đối tác sản xuất có bị suy yếu?

Đọc thêm