Khúc tráng ca trên đỉnh Pò Hèn năm 79

(PLVN) - Địa danh Pò Hèn được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, một chấm đỏ trong trang sử biên thùy. Cùng với Pò Hèn, suốt dải biên cương phía Bắc, những đồn Biên phòng anh hùng từng chiến đấu quả cảm và cũng nhiều hy sinh mất mát trong trận chiến bảo vệ biên giới như những bông hoa đỏ kết lại thành tràng hoa giăng thành, giăng lũy linh thiêng dọc dài phên giậu đất nước.
Đài Tưởng niệm Pò Hèn-nơi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
Đài Tưởng niệm Pò Hèn-nơi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Ngọn lửa tháng 2 bất diệt

Khu di tích lịch sử Pò Hèn nằm trên ngọn đồi trước đây là nền cũ của Đồn 209 CANDVT, nơi vào trưa ngày 17/2/1979, địch dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công và chiếm được vị trí của đồn trên đồi Quế, thuộc vùng biên giới Pò Hèn, Thán Phún. 45 chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh cùng với nhóm công nhân Lâm trường Hải Sơn và nữ nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm. 

Ngày 17/2 hàng năm, Đồn BP Pò Hèn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Ninh đều làm lễ giỗ chung cho các liệt sĩ ngã xuống trong trận chiến ngày 17/2/1979. Đó là dịp các cựu chiến binh từ khắp nơi đổ về thắp nhang tưởng nhớ anh linh đồng đội. Ngọn lửa tháng 2 năm ấy còn cháy mãi trong tim bao người. 

Nơi đây, ngày mồng 1 và ngày rằm nào cũng vậy, người lính già Hoàng Như Lý - người dân tộc Tày, trinh sát của đồn năm xưa lại lên thăm lại những đồng đội đã khuất. Trong cuộc chiến ngày 17/2, trong lúc chiến đấu ông đã bị thương, ngất đi và trở thành tù binh bên kia biên giới, sau 4 tháng giam giữ ông được trả về cửa qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Ông Hoàng Như Lý gần như là người cuối cùng của Đồn Pò Hèn sống sót sau cuộc chiến ngày 17/2.

Lịch sử Đồn biên phòng Pò Hèn ghi: “Đồn Pò Hèn phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung qua hai xã Pò Hèn và Thán Phún, thuộc huyện Hải Ninh. Nhân dân trong địa bàn hầu hết là người Hán và người Dao.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, sáng ngày 17/2/1979, địch có pháo và xe tăng yểm trợ hình thành thế bao vây đồn nhiều vòng, tấn công vào đồn và các chốt của đồn. Cán bộ, chiến sĩ bình tĩnh chờ địch vào gần, đồng loạt nổ súng, diệt nhiều địch, bẻ gãy đợt tấn công của chúng. Bị đánh bại đợt này, địch lại ào lên đợt khác.

Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra nhiều giờ, thương vong nhiều nhưng đơn vị không hề nao núng, vẫn chiến đấu ngoan cường, đánh giáp lá cà với địch, đẩy lùi 10 đợt tấn công của chúng. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, quân địch đông, đồn đã thất thủ sau hơn 5 giờ chiến đấu liên tục.

Đồn Pò Hèn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 19/12/1979, Đồn 209 (Pò Hèn) CANDVT tỉnh Quảng Ninh, nay là đồn biên phòng Pò Hèn được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tình yêu trên đỉnh Pò Hèn

Địa danh Pò Hèn được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhưng Pò Hèn càng nổi tiếng hơn khi những ca khúc viết về mảnh đất này lại dành nhiều ngợi ca về Hoàng Thị Hồng Chiêm, cô gái mậu dịch viên của cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn đã hi sinh khi chiến đấu vào ngày 17/2/1979. 

Hồng Chiêm là một cô gái Móng Cái mạnh mẽ, có khí chất của người trấn Hải Đông, lại đẹp người, đẹp nết và là người yêu một chiến sĩ của Đồn CANDVT Pò Hèn là Bùi Anh Lượng. Trước khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra chừng một tuần, các khối lâm trường, thương nghiệp... đã được lệnh lùi về tuyến sau. Cửa hàng bách hóa thương nghiệp Pò Hèn cũng thế, chỉ còn một ít hàng được giữ ở kho. Anh em thay nhau lên trông coi, bảo vệ.

Chiều 16/2, Chiêm được lệnh lên cửa hàng cũ dọn dẹp một số hàng ở kho, tiện dịp cũng qua thăm Lượng, người yêu của chị, đang là cán bộ đội vận động quần chúng của đồn biên phòng Pò Hèn. Dọn dẹp, niêm phong kho xong, từ cửa hàng thị trấn Hồng Chiêm lên đồn xem trận bóng chuyền của anh em. Lượng cũng là một tay đập chủ công của đội bóng đồn. Sáng hôm sau khi trận đánh bất ngờ diễn ra, từ cửa hàng Hồng Chiêm chạy về phía đồn, sát cánh chiến đấu cùng anh em chiến sĩ.

Khi đồn bị giặc bao vây trong lửa đạn, cô nhất định không lui về tuyến sau mà ở lại chiến đấu cùng anh em. Gặp trận đánh, dưới làn đạn dày đặc của quân thù, chị nhanh chóng di chuyển vào đồn băng bó vết thương cho thương binh và dùng súng trường của mình bắn trả quân xâm lược.

Vào những giây phút cam go nhất, bóng dáng của cô gái gan dạ, mạnh mẽ đã trở thành điểm tựa tinh thần của các chiến sĩ. Cả chị Chiêm và anh Lượng đều hy sinh ở trận ấy. Cô gái mới 25 tuổi và linh hồn họ mãi ở bên nhau trong bài ca Pò Hèn.

Súng hết đạn, chị đã dùng súng AK của chiến sĩ CANDVT chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Năm 1979, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã truy tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc cho liệt sĩ Hồng Chiêm và ghi tên chị vào trang sử truyền thống của Đoàn thanh niên.

Cả ba ca khúc viết về Hoàng Thị Hồng Chiêm đều của những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng sáng tác và trình bày. Ngoài “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn” của nhạc sĩ Thế Song, còn có “Bông hoa Hồng Chiêm” của nhạc sĩ Dân Huyền và “Người con gái trên đỉnh Pò Hèn” của nhạc sĩ Trần Minh. Cả ba tác phẩm đều đã được lưu lại trong Bài ca đi cùng năm tháng.

Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa 600.000 quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km. Các tỉnh nằm trong vòng chiến sự gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. 

Từ ngày 17/2/1979 đến 18/3/1979 khi Trung Quốc rút quân, nhiều bản làng dọc biên giới phía Bắc bị tàn phá nặng nề. Đạn pháo tầm xa phá hủy nhà cửa, trường học, bệnh viện, cầu cống, người dân bị giết hại.

Báo Quân đội nhân dân số thứ sáu, ngày 23/2/1979 đăng: “Trong 5 ngày (từ 17 đến 21/2), quân dân các tỉnh biên giới diệt 12.000 địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn cháy, phá hủy 140 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự”. 

Để huy động sức người, sức của cho công cuộc cứu nước, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Hàng vạn thanh niên các tỉnh biên giới và toàn quốc nhanh chóng ghi danh nhập ngũ.

Khi lệnh Tổng động viên được ban bố ngày 5/3, Trung Quốc tuyên bố rút quân vì đã “hoàn thành mục tiêu chiến tranh”. Tuy nhiên, suốt 10 năm (1979-1989), chiến sự vẫn tiếp diễn ở biên giới phía Bắc, khốc liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). 

Đọc thêm