Những câu chuyện ấm lòng

(PLVN) - Một bức thư giản dị của vị Chủ tịch tỉnh gửi thầy trò năm học mới. Một lớp học 34 trò trên đỉnh núi mờ sương; Ngày khai giảng của các “chiến binh” K bệnh viện Ung bướu TP HCM là niềm háo hức của trẻ nhỏ, là những giọt nước mắt lăn dài của phụ huynh. 
Ông Nguyễn Văn Sang ký vào đơn xin hiến tạng con trai- Nguyễn Hồng Dương - chàng trai ra đi khi mới 20 tuổi và đã cứu sống nhiều bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn Sang ký vào đơn xin hiến tạng con trai- Nguyễn Hồng Dương - chàng trai ra đi khi mới 20 tuổi và đã cứu sống nhiều bệnh nhân.

Và một người cha đã hiến tặng mô tạng cậu con trai chết não cho 7 bệnh nhân khác… Mong rằng những câu chuyện lặng thầm ấy sẽ luôn được viết tiếp, về lòng tốt, sự thương mến của những con người xa lạ…

Trên đỉnh núi không chỉ có mây và gió

Trước thềm năm học mới, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - đã viết một bức tâm thư gần gũi. Trong bức thư, vị Chủ tịch tỉnh luôn nhắc đến việc xây dựng “Giấc mơ Huế”. Theo ông Thọ, “Giấc mơ Huế” rất đơn giản, đó là giúp Huế trở thành một vùng đất bình yên, trong lành, người dân có một cuộc sống sung túc và có một chính quyền thân thiện.

Một thế hệ học sinh mới phải giỏi ngoại ngữ và có kỹ năng giao tiếp. Một thế hệ học sinh phải biết bảo vệ môi trường, có trách nhiệm cao hơn với những người xung quanh... Tuy không cần phải gò bó như ngày xưa nhưng những nhân cách, ứng xử lễ phép cơ bản của con người, đặc biệt con người Huế cần phải duy trì cho học sinh.

Hãy học để làm người tốt chứ đừng nghĩ chỉ học để lấy tri thức. Hãy tôi rèn đạo đức, rèn luyện nhân cách để những người Huế đi trước như chúng tôi có thể tự hào vì đã trông đợi vào các bạn - những người xây đắp giấc mơ Huế”. 

Sáng (5/9), một Facebook cá nhân tên Mít Pé đăng tải dòng status “Hân hoan chào đón năm học mới 2019-2020”. Tuy không có cờ hoa rực rỡ, bố mẹ đưa đón nhưng tại điểm trường trên đỉnh núi đầy mây gió, cô và trò cũng cố tạo nên không khí khai giảng tuy đơn sơ nhưng ấm áp. Hy vọng năm học mới nhiều cái mới, niềm vui mới, hạnh phúc mới.

“Chúc mừng năm học mới” cùng một số hình ảnh cô trò dự Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 đã nhận được hàng nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận, chia sẻ của cộng đồng mạng xã hội Facebook. Được biết, đây là Lễ khai giảng năm học mới của Điểm trường Tất Pổ (thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Điểm trường có tổng 34 học sinh, 2 giáo viên phụ trách.

Cô và trò trên đỉnh núi mù sương.
Cô và trò trên đỉnh núi mù sương.

Tiếp đó, sáng 9/9 tại sân của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, những đứa trẻ đầu trọc lóc vì hóa trị, xạ trị xúng xính trong những bộ đồng phục mới có in hình bông hoa hướng dương rực rỡ để đón lễ khai giảng đầu tiên của mình.

Lớp học chữ này được bắt nguồn từ năm 2009, từ chương trình “Ước mơ của Thúy”. 10 năm, đã có gần 1.200 đứa trẻ được học chữ, học hát, học múa, học vẽ tranh, tô màu để phần nào quên đi những đớn đau của bệnh tật, của những lần “vào thuốc” rát người. Và đã có không ít những đứa trẻ mãi mãi ra đi khi quyển vở chưa viết đến trang cuối.

Cô Đỗ Thị Kim Phấn, “người mẹ” của lớp học này rưng rưng: “Tôi chỉ mong muốn lớp học của tôi ngày càng ít học sinh và số vở tôi lưu giữ qua từng năm ngày một ít đi”.

Không còn thực hư

Khoảng 17h45 ngày 31/8, khi đang trên đường từ trường về nhà, em Nguyễn Thị Thảo (SN 2004, học sinh lớp 10A8 - Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) phát hiện một bọc tiền nằm trên trục đường thôn Đại Lự, xã Hồng Lộc.

Không chút đắn đo, Thảo gọi thêm bạn cùng lớp là Trần Quốc Hiếu (SN 2004) mang bọc tiền đến nhà phó bí thư đoàn xã để nhờ lên loa phát thanh tìm người đánh rơi. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, cùng với sự trợ giúp của đoàn xã, 2 em Thảo và Hiếu đã tìm được chủ nhân đánh rơi bọc tiền trên là ông Nguyễn Trong Thư (trú ở thôn Đại Lự, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà và hiện là cán bộ Hội người cao tuổi xã).

Được biết, số tiền 2 em nhặt được là tiền quỹ của người cao tuổi trong thôn Đại Lự đóng nộp cho ông Thư. Lúc nghe loa thông báo, ông kiểm tra thì mới biết mình đánh rơi.

Trước đó, câu chuyện không còn là thực hư, mà đã rõ ràng. Người trao trả lại tiền tên là Nguyễn Văn Minh 48 tuổi, bán quán bún ở chợ Ninh Hiệp, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Người bỏ quên tiền là hai vợ chồng chị Nguyễn Thùy Linh, 31 tuổi, một thương nhân kinh doanh quần áo. Vợ chồng chị Linh và một người bạn đến ăn sáng ở quán bún của anh Minh.

Những “chiến binh” nhí trong ngày khai giảng.
Những  “chiến binh” nhí trong ngày khai giảng.

Sau khi rời quán, chị bỏ quên chiếc túi da đựng 98 triệu đồng cùng chiếc điện thoại Iphone X suốt 3 tiếng đồng hồ mà không biết. Chỉ đến khi khách đến mua quần áo ở cửa hàng, và phải trả lại tiền thừa, rờ đến túi mới phát hoảng bởi chiếc túi đựng tiền đang chu du ở đâu cũng chẳng rõ. “Sau khi nhận lại chiếc túi, bạn ấy có lấy trong túi của họ ra vài triệu để cảm ơn tôi, nhưng tôi không nhận”, anh Minh đã từ chối lòng thành cảm ơn của người bỏ quên tiền như thế.

Một trăm triệu và cái Iphone X đắt tiền còn không lấy, nỡ lòng nào lấy vài triệu bạc của người lao động cũng tất bật, vất vả kiếm ăn như mình. Vậy là người tốt, tốt đến hai lần.

Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, mặc dù có nhiều khi bi quan, rầu lòng những kẻ đâm thuê chém mướn, bảo kê, tham ô, tham nhũng, ấu dâm... Song, vẫn nhiều người âm thầm đi đến vùng sâu, vùng xa, đến các bản làng, phum sóc hẻo lánh xây cầu, làm trường học mà không muốn ghi danh.

Có những công ty bất động sản lừa dối khách hàng đóng tiền mười năm vẫn chưa giao nhà. Nhưng, lại có những doanh nhân lặng lẽ xây nhà tình nghĩa, cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; có những người nghèo lượm ve chai nhặt được của rơi trả lại người mất... Chúng vẫn đang là người tốt, và xung quanh chúng ta cũng vẫn nhiều người tốt. 

Người cha phi thường

Cậu con trai độc nhất Nguyễn Hồng Dương ra đi khi mới tròn 20 tuổi, người cha Nguyễn Văn Sang tuy đau đớn nhưng vẫn quyết định làm điều phi thường: Đăng ký hiến tạng của con để cứu sống những người đang cần. Dương đã hiến tặng lại toàn bộ mô, tạng gồm tim, phổi, gan, 2 thận, 2 giác mạc và 9 gân cho y học, cứu sống ít nhất 7 người xa lạ.

Trong đó, lá phổi được ghép cho nam bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nội, bị giãn phế quản từ lúc 3 tuổi, hỏng hết 2 phổi. Nhiều năm nay, gia đình phải mua máy thở để bệnh nhân thở oxy tại nhà, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Một quả thận của Dương được ghép cho một bác sĩ giỏi của BV Việt Đức.

Sau đám tang, cũng đã có nhiều người đến chia sẻ và ủng hộ vợ chồng ông Sang. Nén đau thương, ông nói: “Giờ gia đình tôi chỉ mong sao tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều khỏe mạnh vì đó chính là một phần cơ thể của con tôi, để biết con tôi được tiếp tục sống. Tôi không mong họ phải cảm ơn hay nhớ đến mình”.

Trước đó, không may tối 10/8, trên đường đi chơi về, Dương bị tai nạn giao thông, được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu với kết luận gãy xương chỏm sau rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu.

Các bác sĩ đã khuyên gia đình nên đưa Dương về nhưng không chấp nhận được nỗi đau quá lớn, gia đình tiếp tục chuyển Dương lên Bệnh viện Việt Đức ngay trưa hôm sau, điều trị tại phòng hồi sức đặc biệt.

Thời chiến tranh nước ta đã có phong trào “nhặt được của rơi, trả lại người mất”. Sáng kiến này do Cụ Hồ phát động và được cả miền Bắc hưởng ứng. Đi trên đường nhặt được tiền, mang đến đồn công an nộp để trả lại người mất. Ở trên một số tờ báo, luôn có chuyên mục “Người tốt, việc tốt”.

Người tốt, việc tốt thật giản dị, tưởng như nhỏ bé, nhưng lại có ý nghĩa to lớn, góp phần giáo dục nhân cách, nâng cao phẩm chất đạo đức trong sáng của con người. Có lẽ nên “trở lại ngày xưa” từ những việc nhỏ bé, gần gũi mà thiết thực này, để xung quanh ta có nhiều người tốt, thêm nhiều người tốt.

Đọc thêm