“Hãy sống hạnh phúc, con yêu!”

(PLVN) - Người Việt từ ngàn xưa cũng như các nước Á đông vẫn quan niệm “Con cái là của để dành”, là mong con thành đạt để hãnh diện với gia đình, tổ tiên, để “già cậy con”… Nhưng không ít phụ huynh ngày nay đã khác, họ cho rằng, chỉ cần biết con sống hạnh phúc và bằng lòng với cuộc sống của mình là đủ. Dù con sống ở bất kì nơi nào trên thế giới, miễn con vui…
“Hãy sống hạnh phúc, con yêu!”

“Tụi nó dứt áo ra đi cũng không buồn”

Chị Hà Anh ( 7X), sống tại Hà Nội, phác họa trên trang cá nhân về một người mẹ chồng trong tương lai, là chị trong những năm… sẽ tới đó là: Nhất định phải ở riêng; không “tranh giành” con trai với con dâu; không can thiệp vào cuộc sống riêng của con; không can thiệp vào việc nuôi dạy con cái của chúng; không chê, không chửi; không càm ràm hờn dỗi khi con không tới thăm...

“Tụi nó năn nỉ ở chung cũng không ở, tụi nó dứt áo ra đi cũng không buồn. Cho tụi nó tiền để dành (nếu có). Theo chị, ở chung khó lắm, hễ nhăn nhăn thì dâu nghĩ mình khó tính, cười cười thì dâu nghĩ mình nham hiểm. Chỉ hỏi “có cần giúp gì không?”. Nếu tụi nó nói không, là tụi nó lo được. Nếu tụi nó nhờ thì giúp trong giới hạn tụi nó cần.

Nó đã làm mẹ, làm vợ, lại ở riêng .... nó không việc gì phải nịnh mình. Nhưng lâu lâu mình phải nịnh nó, khen nó, khen con nó. Nó vui, sữa nó nhiều, cháu mình khỏe hơn. Nó tươi, nó làm đồ ăn ngon, con mình khỏe hơn. Nó thích, nó hăng hái dọn dẹp lau chùi, nhà tụi nó đẹp hơn. Không trông ngóng chúng hỏi thăm, thay vào đó đi trồng rau, thả cá, đi bộ vận động cho khỏe người, ăn chay cho xương chắc, khỏe mạnh rồi kiếm chỗ nào đi chơi cho sướng thân.

Giờ mình tự do rồi, đây là lúc tận hưởng. Trên đời này, cố gắng sống tốt không bao giờ là đủ. Một người vất vả tảo tần nhưng vẫn bị xung quanh “nặng nhẹ”, một người ham chơi chả biết làm gì nhưng không ai dám trách một câu…”, chị chia sẻ đầy hài hước…

Không chỉ với người trẻ, hiện nhiều cụ trên 70 tuổi cũng có cái nhìn rất thoáng khi sống một mình. Các cụ cho rằng, khi mình còn nhúc nhắc được, còn tự phục vụ bản thân được thì nhất định không làm phiền đến con cháu. Bởi người già mọi nhu cầu đều không nhiều, quanh quẩn trong nhà hoặc vui thú điền viên.

Tất nhiên, có con cháu ở gần hay chạy qua, chạy lại luôn là điều lý tưởng, nhưng không vì thế mà các cụ hờn trách các con. Nhiều cụ dù các con sống ở nước ngoài, muốn đưa cha mẹ sang định cư cùng nhưng các cụ chỉ sang chơi một thời gian rồi về.

Bởi ở nhà dù loanh quanh vẫn là nhà mình, thân thuộc, tràn đầy kỉ niệm. Ra nước ngoài, các con, các cháu cũng vất vả, ngày đêm bận bịu, và mỗi người có cuộc sống riêng của mình. Không ai sống thay ai được…

Nhiều ông bố bà mẹ ngày nay chia sẻ, họ không thấy phiền khi con họ không “giống con người ta”, nghĩa là chỉ có học, là tất bật để chuẩn bị cho một tương lai “nở hoa”. Chị Phương Hoa (Hà Nội), không ngại ngần cho rằng, mình cũng “cưng con vô điều kiện: “Con mình hầu như không phải làm việc nhà. Bản thân mình cũng ít khi làm việc nhà mà thuê người làm, vì thấy thời gian đó làm việc khác có ích lợi hơn, phân công lao động mà. Tất cả các bà mẹ hiện đại bây giờ đều có quan điểm nuôi con tự lập, tự suy nghĩ...

Riêng mình thì không bao giờ quan tâm tới việc đó. Hai cô nhà mình mẹ cưng chiều khỏi phải nói luôn. Cũng chưa bao giờ mình trả lời con là “mẹ không biết”. Mình thích học hỏi liên tục để bất cứ điều gì con hỏi, mẹ đều có thể trả lời, hoặc sẽ cố gắng tìm câu trả lời cho con.

Mình cũng không có tư tưởng là con phải chịu khó, chịu khổ để rèn luyện. Chừng nào mình có tiền, con sẽ được hưởng thứ tốt nhất. Được sống vui vẻ, thoải mái nhất có thể. Mình cũng không hề bắt con học, con thích học gì thì học, mình hỗ trợ, còn không thích thì thôi. Chỉ trừ luyện tập thể thao và ngoại ngữ thì là bắt buộc. 

Yêu con, cưng con, có nghĩa là luôn lắng nghe con, trò chuyện chia sẻ để hiểu con. Chiều, là chiều đúng điều con mong muốn. Bạn biết tại sao không? Vì mình đã được nuôi dạy và lớn lên đúng như các con mình bây giờ. Được bố mẹ yêu chiều vô cùng tận. Bố là kho tri thức sống, có thể trả lời mọi câu hỏi cho mình.

“Của để dành” chính là biết sống tràn đầy tình yêu, luôn vui là đủ… (Ảnh minh họa)
“Của để dành” chính là biết sống tràn đầy tình yêu, luôn vui là đủ… (Ảnh minh họa)

Mẹ là kho yêu thương chăm sóc bất tận, yêu con chăm con vô điều kiện tới tận ngày nhắm mắt. Và tất cả những điều đó đã làm nên mình của ngày hôm nay. Ngay từ bé, mình đã sống tự tin, thoải mái, hạnh phúc, yêu thương, hiểu biết tràn đầy. Kho tàng tinh thần đầy ắp từ thơ bé ấy đã giúp mình vững vàng vượt qua sóng gió cuộc đời - mà vẫn giữ được yêu thương và vui vẻ, tự tin.

Kỷ luật, áp lực và điều kiện - có thể tạo nên những con người “thành đạt” - nhưng chắc chắn không bao giờ tạo nên những con người hạnh phúc. Mình mong con mình mỗi ngày vui cười, hạnh phúc, khỏe mạnh, tự tin, đầy yêu thương nhân ái trong tim với chính mình và người khác. Mình mong con mình tự tin rằng bất cứ điều gì xảy ra, thì gia đình là nơi con hoàn toàn có thể tin cậy để dựa vào. 

“Đây là nhà của bố và con đang ở nhờ mà thôi”

Từng ở London 6 năm, Hoàng Huy- hiện là Giám đốc Marketing và phát triển kinh doanh của Tập đoàn TransViet chia sẻ câu chuyện bố anh luôn nói với anh rằng: “Đây là nhà của bố, xe của bố, con chỉ đang ở nhờ và đi nhờ mà thôi”. “Bố cho con cái gì?”, đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học.

Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông. Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn: “Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình. Con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết”.

Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn, gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo. Hay câu chuyện về loài đại bàng: Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống.

Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ. Mùi răn đe trong những câu chuyện thơm nức suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.

Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay. Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi…

Trên đây chỉ là những  phác họa về quan điểm “của để dành”… Tất nhiên, mỗi gia đình, mỗi nếp nhà có một cách lựa chọn cho tương lai của con. Phụ huynh luôn có cái lý khi cho rằng, mình yêu con như thế, mọi việc dù là áp đặt cũng chỉ là mong điều tốt cho con mà thôi.

Nhưng không phải vậy, rất nhiều người, tưởng như có tất cả, gia đình, sự thành công, con cái… tất cả đều viên mãn, nhưng đó là con đường mà cha mẹ họ đã sắp đặt, “sẵn nong sẵn né”! Lúc bé nhất định phải học trường chuyên, rồi đi du học, về nước làm công ty gia đình, hay mở công ty, hay có một công việc danh giá, một “ông nọ, bà kia”…

Nhất định phải như thế mới là “thành đạt”, là có hiếu với cha mẹ… Khi cha mẹ có tuổi, nhất định phải sống cùng, bất chấp quan điểm và sinh hoạt của các thế hệ đã khác nhau, những bất đồng quan điểm… Song ngày nay, nhiều phụ huynh cho rằng, do chưa có điều kiện cho gia đình con ở riêng, nên nghĩ “bọn trẻ” phải chịu đựng “người già” cũng khổ… 

Điều quan trọng, dù con sống ở đâu, con luôn vui và ấm áp, luôn đầy ắp tình yêu với bản thân và cuộc sống là đủ. Bởi thế, con “có hiếu” với nhiều phụ huynh, chính là  dù không cần “tứ đại đồng đường”, không chung một nhà, vẫn luôn là sự thấu hiểu, là không có sự cách biệt về không gian hay địa lý, là tôn trọng cuộc sống, con đường con đã lựa chọn…

Con có thể trở thành một người làm bánh bình thường, giản dị hay một vĩ nhân, một nhà khoa học… mà không phải gánh trên vai khát khao của cha mẹ… Chỉ cần con hạnh phúc với những đam mê và lựa chọn mà thôi… Và luôn có một mái nhà, một tình yêu vô điều kiện cho con trở về, dù hạnh phúc, mệt mỏi hay đắng cay…

Đó là mái nhà của mẹ cha, với những yêu thương thẳm sâu như bếp lửa luôn đượm những ngày đông lạnh giá, như những giản dị tưởng như bé mọn, mà mỗi người con đi hoài không bao giờ hết bến bờ yêu thương ấy… 

Đọc thêm