Khu Di tích là nơi Bác đã sống, làm việc, dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng (1954-1969). Hiện có hơn 1.470 đầu hiện vật trong tổng số gần 4.000 tài liệu, hiện vật thuộc Khu Di tích đang được trưng bày, phát huy giá trị và luôn được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn như khi Bác Hồ còn sống.
50 năm qua, đã có hơn 80 triệu lượt người đến tham quan Khu Di tích, trong đó có khách nước ngoài đến từ hơn 170 quốc gia. Hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế cấp cao khi đến Việt Nam, đều tới thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Nhiều năm qua, Khu di tích đã triển khai thực hiện các hoạt động như thuyết minh, hướng dẫn, giới thiệu cho hàng chục triệu lượt khách tham quan trong nước và quốc tế; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học; nói chuyện chuyên đề, giao lưu triển lãm. Các hoạt động không chỉ được mở rộng ở trong nước mà ra cả nước ngoài như ở Nga, Pháp, Sri Lanka, Singapore; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, website, xuất bản sách, ảnh...
Xúc động trước lối sống giản dị và nhân cách cao thượng của Bác, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã nhắc lại những câu chuyện, hình ảnh, lời nói vô cùng gần gũi nhưng cũng rất sâu sắc của Bác Hồ. “Không ai sinh ra trên đời này là hoàn mỹ, không khiếm khuyết, sai lầm nhưng khi nghĩ về Bác, nhớ về Bác thì mỗi người đều vượt lên được chính mình, từ những việc tưởng chừng vô cùng nhỏ nhưng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn như tập thể dục hàng ngày, thói quen đọc sách, tự học…”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng trân trọng tri ân các thế hệ cán bộ, nhân viên Khu Di tích, trong suốt 50 năm qua, bằng sự chuyên nghiệp, trí tuệ cùng cả tấm lòng với Bác và với những gì tốt đẹp nhất, đã và đang tiếp tục làm cho nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” mà ai cũng muốn được một lần đến thăm.
Phó Thủ tướng thăm Triển lãm một số hình ảnh về 50 năm bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: VGP. |
Nhắc lại mong muốn lớn nhất của Bác Hồ khi nước nhà mới được độc lập là “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đã thành hiện thực khi 30 năm qua, Việt Nam có tốc độ phát triển liên tục cao thứ hai thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là lúc phải đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Người. Nhưng do xuất phát điểm quá thấp nên thu nhập theo đầu người của Việt Nam mới chỉ đứng khoảng 130 trên thế giới. Vì vậy, muốn thu hẹp khoảng cách với các nước, mỗi người Việt Nam, từ lãnh đạo đến cán bộ, đảng viên và từng người dân phải nỗ lực phi thường, liên tục trong một thời gian dài.
Phó Thủ tướng mong muốn Khu Di tích truyền thêm ngọn lửa, trách nhiệm với đất nước, với bản thân mình đến từng người. Làm cho hình ảnh của Việt Nam qua Bác Hồ ngày càng rực sáng trong lòng du khách bốn phương. Để mỗi người Việt Nam luôn tự hào về quá khứ hào hùng, về những kết quả ngày hôm nay và tương lai của đất nước. Mỗi người nhớ về Bác, nghĩ về Bác sẽ cùng nhau phấn đấu, rèn luyện mình tốt hơn.
Tại nhà sàn, vào mỗi dịp sinh nhật trong các năm 1965 - 1969, Bác Hồ đều dành thời gian viết Di chúc để lại cho muôn đời sau. Ðây là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của bậc "đại trí, đại nhân, đại dũng", thể hiện tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Quần thể Khu Di tích còn có các di tích: Nhà 54 - nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958; BK1 - nơi Người thường tiếp cán bộ và ký các sắc lệnh; Nhà bếp A - nơi phục vụ bữa ăn hằng ngày của Bác và Thủ tướng Phạm Văn Ðồng; H66 - căn hầm trú ẩn được xây dựng năm 1966; H67 - nơi họp Bộ Chính trị, nơi Bác Hồ dưỡng bệnh và qua đời ngày 2/9/1969; phòng họp của Bộ Chính trị, nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định nhiều công việc hệ trọng của đất nước; căn phòng Bộ Chính trị nghỉ giải lao mỗi khi họp, nơi nhiều lần Bác Hồ trả lời phỏng vấn; Phủ Chủ tịch; vườn cây, ao cá…