Quốc hội hai nước Việt Nam -Lào chia sẻ kinh nghiệm hoạt động

(PLVN) - Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Lào, sáng 27/9, tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch QH Lào Pany Yathotou đồng chủ trì hội thảo chuyên đề với chủ đề “Chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm” và “Công tác phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan Qh và Chính phủ và các bộ, ngành liên quan”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội thảo
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch QH Lào Pany Yathotou nêu rõ, 2 chủ đề lớn của hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng và phù hợp với yêu cầu của nhân dân trong điều kiện mở rộng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới; có liên hệ trực tiếp với hoạt động của QH, HĐND trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật; việc giám sát thực hiện pháp luật của các cơ quan hành pháp và tư pháp trong quản lý, giải quyết các vấn đề trong xã hội.

Chủ tịch QH Lào đề nghị 2 bên cần phát huy hơn nữa việc trao đổi về kinh nghiệm hoạt động giữa các cơ quan của QH và HĐND một số địa phương, tổ chức thực hiện vai trò lập pháp, giám sát trong các lĩnh vực này để đề ra phương hướng hợp tác giữa 2 QH thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vấn đề giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm đã được quy định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã thể chế hóa quy định này của Hiến pháp thành các quy định của pháp luật.

Hiện nay, cùng với việc triển khai đồng bộ thực hiện chính sách việc làm và giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước về lao động - việc làm; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người lao động và người sử dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước…

Theo Chủ tịch QH, cùng với quá trình phát triển đất nước, tính dân chủ ngày càng được mở rộng thì việc người dân có đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan Nhà nước ngày càng nhiều và đòi hỏi việc xử lý ngày càng cao, công khai,minh bạch. Xác định rõ công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, với tinh thần “lấy dân làm gốc”, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý nhà nước theo tinh thần “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”; tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, của tập thể và cá nhân, năm1998, lần đầu tiên, QH Việt Nam đã ban hành Luật Khiếu nại, tố cáo trên tinh thần kế thừa các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các văn bản dưới luật để việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợiích hợp pháp chính đáng của công dân, cơ quan, tổ chức.

Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung đến năm 2011, QH Việt Nam đã ban hành riêng Luật Khiếu nại và năm 2018 đã ban hành Luật Tố cáo. “Với việc đổi mới này càng khẳng định tư tưởng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình giải quyết, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo phải gắn thực hiện “công bằng, dân chủ” trong đường lối phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, qua đó, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch QH Việt Nam cho hay.

Bà Ngân cũng khẳng định, hiện nay, các cơ quan của QH và Chính phủ Việt Nam đã có sự phối hợp khá chặt chẽ, nhịp nhàng trong vấn đề này. Trong phát biểu tại hội thảo, thay mặt QH Việt Nam, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định QH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với QH Lào; tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, kết quả hợp tác; tích cực góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Tại hội thảo, lãnh đạo các Uỷ ban của QH và các Bộ, ngành của Việt Nam và Lào đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến việc phân cấp quản lý giữa các ngành liên quan đến giáo dục kỹ năng nghề nghiệp, tập huấn nghề nghiệp và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường; kinh nghiệm trong tiếp nhận, kiểm tra, nghiên cứu và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; sự phối hợp giữa cơ quan QH với các Bộ, ngành để thúc đẩy việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh trong thực tiễn…

Đọc thêm