Quy định 211 đã bổ sung thêm thẩm quyền cho Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

(PLVN) - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thẩm quyền trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Quy định số 211-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà Bộ Chính trị ban hành mới đây.

So với quy định cũ là Quy định số 163 (năm 2013), Quy định  211 cũng có 15 điều, nhưng được bổ sung thêm nhiều nội dung quan trọng.

Về chức năng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối  hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công  tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban, bên cạnh việc kế thừa những nội dung được ban hành trước đây, Quy định 211 đã bổ sung thêm thẩm quyền cho Trưởng Ban. 

Cụ thể, khi cần thiết, Trưởng Ban trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 

Với quy định này, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ linh hoạt hơn, chủ động hơn trong công tác.

Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn nói trên, Trưởng Ban lãnh đạo, điều hành hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động của Ban Chỉ đạo…

Trong trường họp  đột xuất, khẩn cấp không họp được Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo thì Trưởng Ban trực tiếp quyết định và chỉ đạo thực hiện một số công việc cần thiết để đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tại phiên họp gần nhất.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập từ năm 2013, hiện do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban cùng 5 Phó Trưởng Ban và 10 Ủy viên.

Quy định 211 cũng bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Trưởng Ban thường trực. Đó là giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm;

Làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan; yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để nắm nội dung, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời báo cáo Trưởng Ban.

Các Phó Trưởng Ban được cũng bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn là giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo phân công của Trưởng Ban.

Đọc thêm