Thánh đường của những em bé mồ côi

(PLO) - Nằm trong quần thể Toà thánh Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), Cô nhi viện Thánh An hay còn gọi là Nhà Dục Anh là nhà mở từ thiện có lịch sử hàng trăm năm nay dung dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật. 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Cô nhi viện Thánh An - Bùi Chu năm 2015
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Cô nhi viện Thánh An - Bùi Chu năm 2015

Cô nhi viện Thánh An được Thánh Giám mục Diaz Sanjurjo An thành lập năm 1852. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, đến nay Cô nhi viện Thánh An ngày càng khang trang và trở thành một địa chỉ từ thiện luôn rộng mở đón nhận trẻ mồ côi về nuôi dưỡng, giáo dục, không phân biệt lương giáo. 

Mái ấm của tình người

Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu do đức cha Phạm Ngọc Oanh - Giám mục giáo xứ Bùi Chu làm giám đốc. Đó là một làng trẻ mồ côi thu nhỏ được xây dựng, thiết kế khang trang với hệ thống phòng ở, phòng ăn, khu bếp, nhà nguyện, khu vui chơi sinh hoạt chung. Khuôn viên Cô nhi viện ngoài hệ thống vườn hoa tiểu cảnh còn có vườn rau, ao cá, khu chăn nuôi do các tình nguyện viên của Cô nhi viện chăm sóc, chăn nuôi. Hiện ở Cô nhi viện Thánh An có 30 nhân viên tình nguyện đến đây làm việc lâu dài để chăm sóc, nấu nướng cho trên 100 trẻ mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại đây.

Các em được nuôi tại Cô nhi viện và tại cộng đồng không phân biệt tôn giáo, xa gần. Ngoài những đứa trẻ ở giáo phận Bùi Chu của tỉnh Nam Định, hiện nay đã có những em thuộc các tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai được hưởng nhờ. Mỗi em một số phận, một nỗi đau riêng nhưng cùng chung cảnh ngộ bị cha mẹ, gia đình chối bỏ. Có em được phát hiện bỏ rơi khi còn nguyên núm rốn bên lề đường, bãi rác, có em bỏ rơi ngay khuôn viên giáo xứ. Cũng có em được người thân dẫn vào tận nhà nguyện Thánh An làm lễ, rồi bỏ lại. Giờ tan lễ, các sơ thấy cô bé cứ ngồi bất động trong khán phòng mà không ra về, lại gần sơ mới sững sờ phát hiện một cô bé mù đang ngồi khóc. Em không biết quê nhà ở đâu, mẹ em đã mất, người cha cũng mù lòa không nuôi được con mình nên dẫn em đến Cô nhi viện mục đích bỏ con lại đây để được Chúa cứu giúp. 

Tại Cô nhi viện Thánh An hiện có trên 20 trẻ khuyết tật, bệnh hiểm nghèo với các loại bệnh như não úng thủy, đao, thần kinh, bại liệt, mù lòa… Các trẻ bệnh tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại một khu riêng. Có nhiều em chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của các mẹ, các cô ở Cô nhi viện. Nhìn lũ trẻ bệnh tật nhưng được chăm sóc sạch sẽ, tươm tất mới hiểu được sự vất vả, nhẫn nại và tình yêu thương vô bờ bến của các mẹ, các cô ở khu vực chăm nuôi trẻ bệnh này. Mặc dù bận luôn chân tay, vất vả khi vừa cho đứa nhỏ ăn, giữ đứa lớn bị thần kinh không được la hét phá phách, trông chừng đứa nữa bị mù lòa có thể bị ngã gây thương tích nhưng trên môi các mẹ, các cô lúc nào cũng nở nụ cười hiền từ và buồn bã. Được biết, có những thời điểm cao điểm, Cô nhi viện 400-500 trẻ, riêng số trẻ bệnh tật lên tới cả trăm em. Tại Cô nhi viện, những đứa trẻ không phân biệt tôn giáo được chăm sóc chu đáo, tận tình; trẻ bị bệnh được chăm sóc y tế, những trẻ khỏe mạnh được chăm lo giáo dục kỹ năng sống và học hành. Những trẻ bệnh tật không qua khỏi được chôn cất ngay tại nghĩa trang trên đất nhà thờ, được khói hương tươm tất. Ngoài 30 phụ nữ tình nguyện làm người chăm sóc các em thường xuyên, ngoài ra còn có một số tình nguyện viên lưu động đến giúp đỡ việc chăm nuôi trẻ, lau dọn, bếp núc. 

Ngoài số trẻ được nuôi dưỡng trong nhà mở, Cô nhi viện Thánh An còn lập hồ sơ hỗ trợ và xin cấp phát cho các trẻ mồ côi được nuôi dưỡng trong cộng đồng. Những trẻ này vẫn còn người thân, gia đình nên vẫn ở tại gia đình và được Cô nhi viện hỗ trợ một phần. Ngoài ra, Cô nhi viện Thánh An cũng thực hiện việc trợ cấp gạo hàng tháng cho người già đau yếu, nghèo khó, không nơi nương tựa, không phân biệt lương giáo, mỗi người 10 kg/tháng, thuộc các làng: Bùi Chu, Liên Thuỷ, Trung Linh, Ngọc Tiên, Bách Tính, Quần Cống và Bắc Câu trong giáo phận Bùi Chu.

Đức cha Giuse Phạm Ngọc Oanh, giám đốc Cô nhi viện cho biết: Hiện nay, Cô nhi viện đang chu cấp sinh hoạt hàng ngày cho khoảng 120 người. 80 cháu nhỏ từ một vài tháng tuổi trở lên trong đó có một nửa các cháu bị bệnh bại liệt, thần kinh, bệnh đao, và các dạng khuyết tật khác. Các cháu lớn hơn và khỏe mạnh được đi học văn hóa và học nghề. Đặc biệt, Cô nhi viện có 10 người già yếu đã phục vụ ở đây nhiều năm hoặc lớn lên từ Cô nhi viện và 30 chị em thiện nguyện phục vụ, đảm trách các công việc như cấy lúa, trồng hoa, nấu ăn, nuôi gia súc, chăm lo cuộc sống, nuôi dạy các em. 

Cũng theo đức cha Phạm Ngọc Oanh, tại Cô nhi viện Thánh An, những trẻ ốm yếu được chăm sóc, nuôi dưỡng đến hơi thở cuối cùng. Những em có khả năng học được thì được cho ăn học văn hóa và học nghề, nhằm giúp các em tự lập và hòa nhập với cộng đồng. Lớn lên, các em có thể lập gia đình đi ở riêng, hoặc tiếp tục ở lại Cô nhi viện phục vụ noi gương Đức thánh Tổ phụ.

Những đứa trẻ ở Cô nhi viện trong ngày lễ mừng Đức Thánh tổ
Những đứa trẻ  ở Cô nhi viện trong ngày lễ mừng Đức Thánh tổ

Những người mẹ, người cô nhân ái 

Chị Trần Thị Cúc (50 tuổi) tự nguyện vào làm việc tại Cô nhi viện đã hơn hai chục năm nay. Chị Cúc cho biết, việc nuôi dưỡng các em là công việc vất vả, và phải thực sự yêu trẻ, có tấm lòng nhân đạo, coi các em như máu mủ của mình mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bao năm qua, chị Cúc và các chị em ở đây đã đảm nhiệm tất tần tật mọi việc trong Cô nhi viện, không nề hà bất cứ việc gì dù là chăm sóc trẻ bệnh tật lở loét hôi tanh hay chôn cất những người vắn số, các chị tự nguyện làm việc với tấm lòng tận dâng, tận hiến, với đức tin làm sáng danh Chúa để mai này được hưởng phúc nơi Thiên đàng.

Chị Phạm Thị Tươi (36 tuổi) làm thư ký sổ sách của Cô nhi viện cho biết: “Hơn chục năm trước, khi đang theo học tại một trường cao đẳng, trong lần đi cùng đoàn thanh niên trường đến thăm Cô nhi viện, tôi đã rất xúc động và không thể quên hình ảnh những em nhỏ khuyết tật nhưng vô cùng đáng yêu này. Ngay khi thấy các em tôi như đã biết được số phận của mình sẽ gắn bó với nơi đây để chia sẻ với các em những nỗi đau, thiệt thòi, mất mát”.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, chị Tươi đến Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu xin được chăm sóc các em nhỏ. Vì có trình độ nên chị được Đức cha Phạm Ngọc Oanh - Giám đốc Cô nhi viện giao cho làm thư kí Cô nhi viện. Từ ngày đó đến nay cũng đã được gần chục năm trời. Chị Tươi cho biết, từ trước đến nay toàn bộ kinh phí duy trì Cô nhi viện do Đức cha Phạm Ngọc Oanh lo liệu. Cha Oanh là người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, đi đâu cha cũng kêu gọi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ các em nhỏ ở Cô nhi viện, nhờ vậy không chỉ bà con nhân dân trong nước mà còn kiều bào ở nước ngoài cũng phát tâm ủng hộ các em nhỏ nơi đây. Các em được trợ cấp về tiền mặt, sách vở để có thể sinh hoạt, học tập. Ngoài ra, Cô nhi viện còn chu cấp, giúp đỡ những người già, những người có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa. 

Tiếng lành đồn xa, cảm phục trước tấm lòng từ tâm ở Cô nhi viện, những năm gần đây có nhiều đoàn khách từ thiện từ khắp nơi trên cả nước đến thăm Cô nhi viện Thánh An. Những quà tặng, nhu yếu phẩm và tiền được tặng đều được ghi vào sổ sách cẩn thận, minh bạch. Ngoài ra, đội ngũ lao động thiện nguyện trong nhà mở cũng chịu khó tăng gia sản xuất nuôi lợn gà, trồng rau, thả cá cũng góp phần cải thiện cuộc sống ở cô nhi viện. 

Nhìn những em nhỏ lành lặn, vô ưu tung tăng chơi đùa, ríu rít đến trường, cùng nhau trao đổi bài vở, ôn bài, học hát, nếu không phải trong khuôn viên Cô nhi viện, ít ai biết rằng các em bị bỏ rơi, nhiều em không biết quê hương ở đâu, cha mẹ là ai. Các em sinh ra và lớn lên ở tu viện, tên các em là do Đức Thánh đặt cho, người thân của các em là các anh chị em cùng cảnh ngộ, là các mẹ, các cô trong nhà mở. Cảm nhận được tình yêu thương ruột thịt đó nên nhiều em lớn lên, trưởng thành nhưng vẫn nặng lòng gắn bó với nơi đây. Có em học hành xong, ra trường tình nguyện về Cô nhi viện công tác, có em lập nghiệp phương xa nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ về. Tuy vậy, từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, các bé vẫn khát khao, vẫn nhớ về quê hương, gia đình gốc. Sơ Lành kể lại câu chuyện mà ứa nước mắt: “Thấy các cô, các mẹ thỉnh thoảng về thăm quê, nhiều em nhỏ cũng bắt chước chia tay mọi người để về quê nhưng khi hỏi quê ở đâu thì em buồn bã lắc đầu “không biết”. Có em tần ngần hỏi: “Cô cũng có mẹ à?” rồi thở dài “ước gì con có mẹ”. Rồi có những người phụ nữ đi lễ mang con nhỏ theo, các em theo dõi về thì thầm với các mẹ, các cô mà đôi mắt sáng rực khát khao khi khoe nhìn thấy em bé bú mẹ, trong khi các em bé trong nhà mở đều phải bú bình, lớn lên nhờ sữa bột và tình yêu thương vô bờ bến của các mẹ, các cô trong nhà mở.

Từ năm 1993 đến 2015, Cô nhi viện Thánh An đã tiếp nhận 245 em mồ côi khuyết tật không nơi nương tựa, bị bỏ rơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Khoảng trên 111 em bị bệnh hiểm nghèo đã qua đời và được yên nghỉ tại nghĩa trang Cô nhi viện. 35 em được đi làm con nuôi trong các gia đình trong nước và ngoài nước (từ năm 1999, Cô Nhi viện không cho con nuôi). Hiện nay có trên 100 em đang sinh sống tại Cô nhi viện, trong đó 23 em mang nhiều bệnh tật như đao, thần kinh, bại liệt. 27 em nhỏ từ 3 tuổi trở xuống và gần 50 em ở độ tuổi đi học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học, và học nghề trong các trung tâm dạy nghề. 

Tại Hội nghị Biểu dương gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong đồng bào Công giáo lần thứ V (giai đoạn 2010- 2015), Đức cha Phạm Ngọc Oanh với tư cách Giám đốc Cô nhi viện Thánh An được biểu dương là điển hình tiêu biểu đại diện cho các linh mục, tu sỹ và giáo dân của tỉnh Nam Định trong phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo.

Đọc thêm