Thế và lực người Việt 5 châu

(PLVN) - Người Việt Nam ở nước ngoài đang có mặt tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Họ không chỉ đóng góp tích cực cho  quê hương, đất nước chất xám, kinh tế… mà đang là những “Đại sứ văn hóa” lan tỏa hình ảnh, giá trị Việt Nam. Nhân dịp năm mới, PLVN trò chuyện với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Đại sứ Lương Thanh Nghị. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm Nhật Bản, một quốc gia có nhiều người Việt đang sinh sống, học tập.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm Nhật Bản, một quốc gia có nhiều người Việt đang sinh sống, học tập.

Khi thành danh muốn quay về

Điều gì khiến Đảng, Nhà nước ta lâu nay luôn nhất quán chủ trương “Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam", thưa Đại sứ?

“Riêng trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng hơn 15 tỷ USD. Tình hình đầu tư của kiều bào về nước vẫn duy trì mức tăng ổn định. Tính đến cuối năm 2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD”.

- Cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Hiện có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực. 

Cùng với đó, các hội đoàn của NVNONN cũng được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, thực sự là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Phong trào dạy, học tiếng Việt của NVNONN ngày càng phát triển.

Một điểm đáng chú ý khác là, cộng đồng NVNONN ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều sáng kiến, kết nối trí thức người Việt đóng góp cho các vấn đề phát triển đất nước được đề xuất, triển khai... Nhiều doanh nghiệp của NVNONN đã liên kết, thúc đẩy thương mại, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước ra thế giới. 

Chúng tôi rất quan tâm những đóng góp về mặt kinh tế của kiều bào, để khẳng định đó là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng, phát triển đất nước? 

- Về nguồn lực kinh tế, lượng kiều hối chuyển về trong nước trong thời gian gần đây có tăng trưởng đáng kể, lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 175 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Riêng trong năm 2020, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 15,7 tỷ USD, tương đương 5,8% GDP. Tình hình đầu tư của kiều bào về nước vẫn duy trì mức tăng ổn định. Tính đến cuối năm 2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD… 

Chúng ta đang có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN. Một thế hệ trí thức mới gốc Việt trẻ và tài năng tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học... và ngày càng nhiều trong số họ sau khi thành danh ở nước ngoài đã nghĩ đến chuyện trở về và “làm điều gì đó” cho đất nước. 

Đại sứ Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN.
Đại sứ Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN. 

Thưa Đại sứ, ngoài những con số có thể thống kê được như trên, kiều bào còn thể hiện vai trò của mình trong những lĩnh vực nào?

- Kiều bào ta có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, đã và đang trở thành những “đại sứ du lịch”, “đại sứ văn hóa” để lan tỏa hình ảnh, giá trị Việt. 

Một số người gốc Việt tại Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau (Nghị sỹ Liên bang, Tiểu bang, Hội đồng thành phố...), góp phần tích cực trong việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nhiều cá nhân, hội đoàn của kiều bào cũng đã tổ chức các buổi triển lãm, toạ đàm, hội thảo về Biển Đông, góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên mặt trận đấu tranh giữ vững hoà bình, ổn định và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Hệ thống pháp lý về kiều bào dần hoàn chỉnh

Để hỗ trợ kiều bào hội nhập và gắn kết với quê hương, không thể không để cập tới vai trò “cầu nối” hết sức quan trọng của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, thưa Đại sứ? 

- Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong, ngoài nước thực hiện tốt việc hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại; đồng thời tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương. Ủy ban đã phối hợp, tham mưu, kiến nghị ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật liên quan đến NVNONN trong các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, quốc tịch, sở hữu nhà ở, thu hút, trọng dụng cá nhân là NVNONN hoạt động khoa học công nghệ ở trong nước... Đến nay, một hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh liên quan đến NVNONN đã được hình thành, tạo thuận lợi cho kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.

Ủy ban cũng đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề nhằm kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với trong nước về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao... Ngoài ra, còn hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học NVNONN khi về đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học; huy động NVNONN phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Dù có nhiều nỗ lực nhưng việc phát huy nguồn lực của NVNONN chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thời gian tới, Ủy ban sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến NVNONN, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ trong việc vận động các trí thức, chuyên gia đầu ngành NVNONN, trong đó quan tâm hơn nữa tới nhóm kiều bào trẻ…

Trân trọng cám ơn Đại sứ!

* Anh Kimble Ngô - Việt kiều Canada:

Kết nối cộng đồng trẻ vì quê hương

 

Tôi lớn lên và sống ở nước ngoài nhưng luôn cảm thấy mình không giống như họ, bởi mình có dòng máu Việt đang chảy trong tim. Ở bên kia, mức lương tốt hơn nhưng qua tiếp xúc tôi thấy rất nhiều người trẻ người Việt Nam đang ở nước ngoài muốn về nước. Nhiều người nói với tôi, ở đây đang làm ngân hàng, luật sư, lương của tôi ở mức này nếu về nước liệu có kiếm được việc làm phù hợp không? Đúng là lương ở Việt Nam thấp hơn nước ngoài, nhưng để được đóng góp cho quê hương, nhiều người sẵn sàng chấp nhận. 

Bản thân tôi luôn mong muốn tạo ra một “cộng đồng nhỏ” để có thể kết nối với kiều bào ta ở ngoài, trong đó đa phần người trẻ, qua đó có những đóng góp cho quê hương, đất nước.

* Bà Nguyễn Việt Triều - Việt kiều Ba Lan:

Kiều bào đau đáu về miền Trung

 

Tôi được cộng đồng tin cậy giao phó về miền Trung trong nhiều đợt bão lũ để hỗ trợ đồng bào mình. Năm 2020, tôi đang có mặt ở Việt Nam nên đã thay mặt cho cộng đồng người Việt tại Ba Lan gửi gắm sự ủng hộ tới miền Trung. Chúng tôi đã đến tận địa điểm bị sạt lở, những trường học bị tàn phá lũ do lũ... tại Nam Trà My và Bắc Trà My (Quảng Nam). 

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan luôn hướng về đất nước. Vì thế, chúng tôi luôn gửi hình ảnh về bên kia để bà con biết rằng, việc quyên góp ủng hộ đã đến được tận tay đồng bào của mình. Nhìn những hình ảnh đó, bà con kiều bào ở xa thấy thương lắm, lúc nào cũng đau đáu hướng về quê hương.

Đọc thêm