Vẫn tồn tại nhiều 'lát cắt' cứng nhắc

(PLO) - Chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lại trở nên nóng bỏng như thời điểm này. Hiện tượng thông tin sai sự thật trên báo chí liên tiếp xảy ra thời gian qua đã gián tiếp gây bức xúc trong xã hội, khiến công chúng mất niềm tin vào báo chí. Bởi vậy, việc xây dựng một bộ quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam mới để đồng bộ với Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 là vấn đề hết sức cấp bách.
Vẫn tồn tại nhiều 'lát cắt' cứng nhắc

Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện này, không ít ý kiến cho rằng, bộ quy định đang soạn thảo trên vẫn còn tồn tại nhiều điểm cứng nhắc, chưa diễn giải, làm rõ được nội hàm liên quan. 

Hành vi vi phạm đạo đức tăng đột biến

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, nhu cầu thông tin của người dân tăng cao, đồng nghĩa với việc vị thế của nhà báo được cũng được coi trọng. Nói cách khác, thông tin báo chí có điều kiện phát huy sức mạnh thì yêu cầu về đạo đức, trách nhiệm xã hội của nhà báo lại càng được chú trọng, đề cao.

Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc nhà báo “chắp bút” chỉ vì mục đích trục lợi cá nhân. Hậu quả là, có nhiều cá nhân đã bị xử lí theo quy định của pháp luật vì viết sai sự thật, tham gia chạy án, tống tiền doanh nghiệp… Cụ thể, vụ thông tin nước mắm nhiễm arsen gây hoang mang hàng chục triệu người tiêu dùng, đẩy hàng vạn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nước mắm đứng trước nguy cơ phá sản là một ví dụ. Mặc dù ngay sau đó, Bộ Y tế đã công bố kết quả kiểm tra khẳng định tất cả mẫu nước mắm lấy trên thị trường đều an toàn, nhưng nhãn tiền là nỗi oan thì được giải nhưng hệ lụy vẫn còn đó... 

Cách đây ít lâu, phóng viên thường trú của một tờ báo sau khi “bắt thóp” được những bất cập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã lạm dụng thông tin để ép doanh nghiệp phải chi tiền để “mua” chuyện đăng hoặc gỡ bài liên quan đến sai phạm. Doanh nghiệp bất bình nên tố cáo với công an, phóng viên đã bị bắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trên một bình diện khác, một phóng viên tập sự thuộc cơ quan báo chí lớn cũng chỉ vì mục đích cá nhân đã dàn dựng cảnh dùng chổi quét rau và cho rằng người dân làm như vậy để lừa đảo người tiêu dùng đó là rau sạch. Dĩ nhiên việc làm có dụng ý xấu của người làm nghề trên đã ít nhiều bị phê phán và chỉnh đốn. Dẫn chứng những vụ việc như vậy để thấy rằng, hình thức vi phạm đạo đức của những người hành nghề báo đang có xu hướng tăng đột biến với đủ mọi hình thức vi phạm. 

Xét về quy định đạo đức báo chí hay nói cụ thể là đạo đức người làm báo Việt Nam thì đã có hiệu lực từ lâu, nhưng vấn đề là những quy định trên chưa phát huy được hiệu lực mạnh mẽ trong thực tế. Và việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung là vô cùng cần thiết nhưng điểm khó là làm thế nào để những quy định ấy được hoàn thiện và phải đi vào thực tế. 

Đồng quan điểm này, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được xây dựng dựa trên 3 yếu tố chính, đó là: Có sự kế thừa của Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ban hành năm 2005; dựa trên cơ sở nhận thức về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức; căn cứ vào những biến động, thay đổi, nét mới của đời sống xã hội, đời sống báo chí và thời đại công nghệ kỹ thuật số... mà Bộ Quy định trước đây chưa đề cập tới.

Hiện nay, vấn đề đạo đức người làm báo đang là vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao trong các điều của quy định phải thể hiện được tất cả những nội dung cơ bản nhất, thiết yếu nhất, vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Chi tiết và cụ thể trong quy định là cần thiết

Theo tìm hiểu, Dự thảo Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam đã qua 2 lần tổ chức nghiên cứu và đóng góp ý kiến của thành viên ban soạn thảo. Việc xây dựng quy định mới cũng dựa trên cơ sở nhận thức về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức – 2 phạm trù luôn gắn kết, thống nhất với nhau. Đây là điểm mới và rất căn bản của Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo lần này. 

Phân tích như vậy, song nhìn kỹ vào thực tế, quy định mới hiện vẫn tồn tại nhiều “lát cắt” cứng nhắc. Chẳng hạn, theo nhà báo nhà Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Điều 2 trong Bộ Quy định quá “cứng” lại không nói được ý trọng tâm. Chẳng hạn, thay vì “chấp hành nghiêm Luật Báo chí và các quy định của pháp luật” có thể diễn đạt là “nghiêm chỉnh thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật”. Góp ý thêm, Đại tá Nguyễn Hồng Hải - Liên chi hội Báo Quân đội nhân dân cho rằng, nên có quy định nhà báo phải nhất ngôn. “Anh phát biểu, anh viết hay nói về bất kỳ vấn đề gì, ở bất kỳ một phương tiện truyền tải gì, trong nước hay nước ngoài thì đều phải nhất ngôn” - ông Hải nói. 

Cũng theo ông Hải: “Hôm nay có thể mạng xã hội thịnh hành, biết đâu 10 năm nữa không còn mạng xã hội nữa mà là mạng khác, kênh thông tin khác. Không nên cụ thể hóa đến mức ghi là mạng xã hội mà nên quy định là nhà báo phải nhất ngôn. Chúng ta nói nguyên tắc nhất ngôn của nhà báo thì sẽ bảo đảm được tất cả mà không cần phải để ý đến sự phát triển của khoa học công nghệ” . 

Quanh bộ dự thảo, hiện cũng có không ít luồng ý kiến. Một mặt, các ý kiến đóng góp đều nhất trí là cần thể hiện ở chính trong các điều của bộ quy định. Mặt khác, nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét bên cạnh những điều quy định cụ thể, rõ ràng ở trong Bộ Quy định thì nên có một văn bản nữa có tính giải thích như một bản ghi chú, cẩm nang để làm sao cho các nội dung được thể hiện một cách cụ thể. Có như vậy, khi thực hiện nhà báo không hiểu nhầm, không hiểu sai và dễ xử lý mà lại tránh việc không đưa quá nhiều nội dung cụ thể vào trong các điều quy định… 

Đọc thêm