Tại giao lộ giữa phố Saint Catherine và đường Bishop ở trung tâm thành phố Montreal, rất dễ nhận ra một nhóm cảnh sát đứng giữ trật tự bên ngoài nhà ga. Điều đầu tiên đập vào mắt mọi người không phải là phù hiệu hay súng mà là những chiếc quần rằn ri đủ loại màu sắc phản quang của họ. Đó là thời điểm tháng 6-2017 và đây không phải là đồng phục chính thức của lực lượng Cảnh sát Montreal với 4.600 nhân viên.
Khi quần rằn ri có hoa văn hồng rực
Kể từ tháng 7-2014, hầu hết các nhân viên cảnh sát đã chọn mặc loại quần này để phản đối việc chậm trả lương cũng như đề xuất tăng đóng quỹ lương hưu của họ. Trong khi cuộc tranh luận với Tòa thị chính kéo dài và chưa có kết quả, lực lượng cảnh sát lại không có quyền đình công nên với họ, việc mặc quần rằn ri đủ thứ màu là cách thể hiện tiếng nói của mình.
Montreal được biết là nơi có những cuộc biểu tình được hình thành với tốc độ cực nhanh, cho dù là điều kiện nhiệt độ mùa đông xuống dưới âm 20 độ C. Đó là các cuộc tuần hành của các nhóm công đoàn hay phong trào sinh viên yêu cầu hạ tiền thuê nhà và giảm học phí cho phù hợp với đủ loại tầng lớp dân cư. Người dân Montreal dường như đã quen thuộc với những cuộc tuần hành như thế bởi họ không thích sự khắc khổ và bất công, và các nhân viên cảnh sát cũng không ngoại lệ.
Với khách du lịch và cả người dân Montreal, người ta dễ nhận ra các nhân viên cảnh sát bởi phong cách thời trang lạ lùng từ quần rằn ri có hoa văn hồng rực vào mùa hè đến quần túi hộp in hình báo hay các chú hề. Tuy nhiên, rắc rối cũng nảy sinh khi bộ trang phục độc đáo đã khiến một số người nghi ngờ liệu họ có phải là cảnh sát thực sự hay không.
Vào tháng 7 năm ngoái, một lái xe đến từ Laval, Quebec bị phạt 1.293 đôla Canada (CAD) vì lái xe nguy hiểm đã được tòa án tuyên bố thắng kiện khi cho rằng anh ta không biết người phụ nữ mặc chiếc quần hộp nhiều màu lập biên bản với anh ta lại là một thành viên của cơ quan thực thi pháp luật. Sau phiên tòa, Bộ trưởng An ninh Québécois Martin Coiteux cũng thừa nhận: “Trong một số trường hợp, sự nhầm lẫn có thể rất nghiêm trọng. Bạn sẽ thắc mắc là đang làm việc với một cảnh sát hay một người khác?”.
Tái phạm sẽ phạt nặng
Dự luật do ông Martin Coiteux đề xuất hồi tháng 4-2017 về việc bắt buộc phải mặc quân phục trong lực lượng cảnh sát đã được thông qua vào tháng 10 vừa qua. Dù vậy, trước đó vào tháng 6, quá trình đàm phán giữa chính quyền thành phố với công đoàn cảnh sát đã kết thúc và cuộc tuần hành bằng quần rằn ri đã đạt được kết quả mong muốn sau gần 3 năm.
Công đoàn cảnh sát lo ngại rằng theo kế hoạch thay đổi về lương hưu của thành phố, lực lượng cảnh sát sẽ phải góp thêm vào quỹ lương hưu, đồng nghĩa là mỗi cảnh sát sẽ mất 6.000 CAD mỗi năm, tương đương với 1/10 số tiền lương của họ. Để phản đối, các thành viên công đoàn từ chối ký hợp đồng mới trong 2 năm và dán lên khắp xe cảnh sát, xe buýt và tường trong thành phố yêu cầu “Libre négo” - quyền thương lượng. Đỉnh điểm của phong trào này là màn pháo hoa trị giá 39,5 triệu CAD nhân kỷ niệm 375 năm thành lập Montreal bị át đi bởi tiếng còi và đèn pin của một nửa số nhân viên cảnh sát thành phố tập trung ở cây cầu Jacques-Cartier. Kết quả là, các bên phải ngồi vào đàm phán.
Trước khi hết nhiệm kỳ Thị trưởng, ông Denis Coderre đã hòa giải bằng cách tăng mức lương của cảnh sát, cộng dồn trong 7 năm tới lên 20,75% để hỗ trợ phần đóng góp vào quỹ lương hưu mà họ phải trả. Điều kiện đặt ra là công đoàn cảnh sát dừng biểu tình và mặc quân phục đúng quy cách.
Tuy nhiên, mối rạn nứt trong quan hệ giữa các nhà lập pháp và lực lượng thực thi pháp luật của thành phố vẫn tồn tại dai dẳng vì theo quyết định của Thị trưởng mới Valérie Plante, Cảnh sát trưởng Philippe Pichet bị đình chỉ công tác 1 năm do cáo buộc tham nhũng. Lần này, nếu các nhân viên cảnh sát dám mặc quần rằn ri sặc sỡ lần nữa, họ sẽ phải chịu phạt từ 500 - 3.000 CAD một ngày.