'Thông minh đến mấy thì AI cũng chỉ là trợ lý của con người'

(PLVN) - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, dù trí tuệ nhân tạo (AI) có thông minh đến mấy cũng chỉ là trợ lý, giúp việc của con người, AI được sử dụng để tạo ra trợ lý ảo và mong muốn trong tương lai, mỗi người dân Việt Nam sẽ có một trợ lý ảo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: PV)

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 66 điểm cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực của ngành TT&TT trong 6 tháng đầu năm. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, ngành TT&TT sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin trên không gian mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi về trợ lý ảo và băn khoăn của nhiều người hiện nay rằng liệu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế và vượt quá tầm kiểm soát của con người hay không?

Bộ trưởng nhận định, dù AI có thông minh đến mấy cũng chỉ là trợ lý, giúp việc của con người. AI được sử dụng để tạo ra trợ lý ảo. Bộ TT&TT mong muốn trong tương lai, mỗi người dân Việt Nam sẽ có một trợ lý ảo. Khi đó, trợ lý ảo thành người giúp việc của mỗi người, giúp họ làm việc tốt hơn, giải phóng con người khỏi những việc cũ, dành thời gian làm những việc mới mà trước đây không có thời gian để làm...

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: PV)

Chia sẻ thêm về câu chuyện chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong chuyển đổi số, cần chú trọng thí điểm rồi tiến hành phổ cập. Thí điểm nên có trọng tâm, tập trung vào chỗ có thể tạo ra sự đột phá, chú ý cách làm, các hỗ trợ và đánh giá chính sách. Sau khi thí điểm thành công thì nhanh chóng phổ cập rộng rãi ra toàn quốc. Giai đoạn này cần đề ra mục tiêu, tiêu chuẩn về chất lượng… và chỉ quản lý theo mục tiêu, đồng thời, đây cũng là giai đoạn đánh giá cán bộ về năng lực triển khai.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý vai trò quan trọng của người đứng đầu trong thành công của chuyển đổi số. “Người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng các công cụ số. Chuyển đổi số là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không dùng các công nghệ số thì rất khó chỉ đạo công tác chuyển đổi số”, Bộ trưởng nêu rõ.

Qua 4 năm, chuyển đổi số ở Việt Nam đã thu được một số thành công bước đầu rất đáng ghi nhận, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để quyết định thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp. “Sự vào cuộc và sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công chuyển đổi số từ 1,6 đến 1,8 lần. Nhưng mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu chuyển đổi số có kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể và người đứng đầu trực tiếp làm”, Bộ trưởng cho hay.

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển ngành. Cũng trong 6 tháng đầu năm, đóng góp của ngành TT&TT vào GDP ước đạt gần 477 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2024 ước hơn 1,5 triệu lao động, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước…

Đọc thêm