Thống nhất trình Quốc hội xem xét sửa Luật bảo hiểm y tế tại Kỳ họp thứ 8

(PLVN) - Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có mặt biểu quyết tán thành, UBTVQH thống nhất bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình QH xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV).
Hình ảnh tại phiên họp.
Hình ảnh tại phiên họp.

Chiều 22/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, UBTVQH xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Tập trung sửa đổi các nội dung cần thiết, cấp bách

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau 15 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật BHYT đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của BHYT; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; mức đóng bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng Quỹ BHYT.

Đồng thời, Luật chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về BHYT, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật...

Để giải quyết các vướng mắc, bất cập này cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật BHYT hiện hành.

Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp.

Dự án Luật được xây dựng với 4 chính sách bao gồm điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét cho phép bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình QH xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV).

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của QH tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội của QH đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung Dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình QH cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại 1 kỳ họp.

“Phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ và có sự đồng thuận cao, bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được chỉ ra qua tổng kết”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Do thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 8 còn lại rất ngắn, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của QH, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật gửi đến các cơ quan của QH để thẩm tra, trình UBTVQH xem xét tại phiên họp tháng 9/2024.

Bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế

Về các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, nội dung các chính sách cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

Trong đó, liên quan đến việc điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, đối với đề xuất giao Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ để quy định cụ thể việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT hoặc thiết kế gói quyền lợi BHYT đối với các dịch vụ khám chẩn đoán để điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh, quyền lợi về sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng điều trị đặc thù, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, do nội dung chính sách này mở rộng quyền lợi BHYT trong lĩnh vực y tế dự phòng, sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng điều trị đặc thù nên nếu đã làm rõ, đánh giá tác động đầy đủ thì quy định cụ thể trong Luật phù hợp.

Tuy nhiên, đây là chính sách mới, việc triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối Quỹ BHYT nên cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính khả thi. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định về nguyên tắc nội dung này trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đối với đề xuất “giao Chính phủ quy định về BHYT bổ sung khi đủ điều kiện”, Cơ quan thẩm tra lưu ý, đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xác định rõ mối quan hệ với BHYT thương mại, làm rõ cơ chế quản lý và hạch toán thu, chi trong tương quan với BHYT cơ bản để làm căn cứ quy định chính sách. Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung này; trường hợp cần thiết đề nghị trước mắt quy định thực hiện thí điểm.

Về đề xuất hưởng 100% BHYT khi chuyển tuyến (cấp chuyên môn), chuyển giữa các cơ sở khám bệnh trong một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục đánh giá bổ sung, làm rõ tác động chính sách để bảo đảm tính khả thi.

Cùng với đó, Cơ quan thẩm tra đề nghị, nghiên cứu sửa đổi quy định có liên quan để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT trong trường hợp phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục BHYT chi trả do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế, không thể cung cấp cho người bệnh…

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết, tính cấp bách, sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT đã thấy rõ ngay sau khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Để bảo đảm Dự án Luật trình QH đúng quy định, Chủ tịch QH đề nghị, Bộ Y tế cần có quyết tâm chính trị, làm việc tích cực, khẩn trương, bảo đảm chất lượng Dự án Luật.

Đọc thêm