Thông qua Nghị quyết Hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội

(PLVN) - Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 20, sáng nay, 14/2, với 100% ủy viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp QH.
UBTVQH biểu quyết tại phiên họp.
UBTVQH biểu quyết tại phiên họp.

Đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định nội dung trình QH tại kỳ họp bất thường

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp QH tại phiên họp, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết là cấp bách và cần thiết, nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của QH có hiệu lực từ ngày 15/3/2023, trong đó có giao UBTVQH hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường và hình thức họp trực tuyến, kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến; hướng dẫn về Hồ sơ về người được giới thiệu, tự ứng cử vào các chức danh để QH bầu hoặc phê chuẩn; thể lệ bỏ phiếu, mẫu phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, biên bản niêm phong phiếu biểu quyết; mẫu tờ trình, biên bản họp Đoàn đại biểu QH, biên bản kiểm phiếu bầu Trưởng Đoàn đại biểu QH, Phó trưởng Đoàn đại biểu QH tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa QH.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn CườngTổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Dự thảo Nghị quyết gồm 5 Chương với 19 Điều và các phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo với những nội dung cơ bản về kỳ họp bất thường, về tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến,về hồ sơ nhân sự và thể lệ bỏ phiếu kín.

Để đảm bảo đồng bộ, Tổng thư ký QH đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2023, cùng thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ban hành Nội quy kỳ họp QH.

Trình bày Báo cáo ý kiến về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Góp ý về một số nội dung cụ thể, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, về nội dung trình QH tại kỳ họp bất thường, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành dự thảo Nghị quyết không quy định giới hạn các vấn đề, nội dung trình QH tại kỳ họp bất thường để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức QH và Nội quy kỳ họp QH.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định nội dung trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường để phù hợp với mục đích, yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường là chỉ xử lý những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách và thời gian tổ chức kỳ họp bất thường thường rất ngắn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Cụ thể, chỉ đưa vào chương trình kỳ họp bất thường những nội dung bảo đảm các tiêu chí, điều kiện là nội dung quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của QH, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và cơ bản đạt sự đồng thuận giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra; để kịp thời thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền; không thuộc nội dung định kỳ trình QH theo quy định của pháp luật.

Về hồ sơ trình QH quyết định về nhân sự, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định tại khoản 1 Điều 11 của dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về hồ sơ đối với người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu vào các chức danh để QH bầu hoặc phê chuẩn, vì đã cụ thể hóa quy định tại điểm d khoản 1 Điều 30 của Nội quy kỳ họp QH, bám sát quy định của cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đối với người ứng cử do đại biểu QH giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh để QH bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 30 của Nội quy kỳ họp QH.

Đối với khoản 2 Điều 11 của dự thảo Nghị quyết, đề nghị rà soát, chỉnh lý kỹ thuật bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 30 của Nội quy kỳ họp QH, cụ thể là, “ngoài tờ trình của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình và dự thảo nghị quyết thì hồ sơ, tài liệu trình QH xem xét cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH phải có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH; hồ sơ, tài liệu trình QH xem xét bãi nhiệm đại biểu QH, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn phải có văn bản quyết định kỷ luật hoặc văn bản ý kiến của cấp có thẩm quyền”.

Về thể lệ bỏ phiếu kín và mẫu phiếu biểu quyết về nhân sự, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc chỉ quy định 2 trường hợp biểu quyết “Tán thành” và “Không tán thành” như trong dự thảo Nghị quyết là thống nhất với Quy chế bầu cử trong Đảng và phù hợp với thực tiễn thực hiện biểu quyết về nhân sự tại QH.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo, làm rõ đối với trường hợp đại biểu QH không biểu quyết thì thể hiện bằng cách nào để bảo đảm thống nhất với quy định về quyền biểu quyết của đại biểu QH tại khoản 1 Điều 96 của Luật Tổ chức QH và khoản 4 Điều 20 của Nội quy kỳ họp QH.

Rà soát kỹ lưỡng các quy định về hồ sơ nhân sự

Tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Các ý kiến đánh giá, các tài liệu cơ bản đầy đủ theo quy định, đảm bảo chất lượng và đủ điều kiện để UBTVQH xem xét thông qua tại phiên họp này, đảm bảo văn bản này được ban hành và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực Nghị quyết số 71/2022/QH15 của QH ban hành Nội quy kỳ họp QH.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luậnPhó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, UBTVQH đã thảo luận và thống nhất về kỳ họp bất thường, tán thành với các quy định như trong dự thảo Nghị quyết. Trong đó có quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu của các chủ thể có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, Nội quy kỳ họp QH.

Theo quy định, các chủ thể thẩm quyền khi yêu cầu tổ chức họp bất thường phải nêu rõ sự cần thiết, đề xuất nội dung, xây dựng tiêu chí kỳ họp bất thường, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường.

Đồng thời, UBTVQH có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chuẩn bị nội dung gửi hồ sơ tài liệu đến UBTVQH, cơ quan thẩm tra để xem xét, quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về kỳ họp QH.

Về hồ sơ nhân sự và thể lệ bỏ phiếu kín, Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định về hồ sơ nhân sự do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để QH bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy Nhà nước, tài liệu khác trong hồ sơ trình QH cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH, bãi miễn đại biểu QH, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; thể lệ bỏ phiếu kín tại QH, phiếu không hợp lệ, mẫu phiếu bầu hoặc phê chuẩn biên bản kiểm phiếu, biên bản kết quả biểu quyết biên bản, biên bản niêm phong phiếu, biên bản họp và biên bản kiểm phiếu bầu Trưởng đoàn đại biểu QH, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH tại Kỳ họp thứ Nhất của mỗi khóa QH đảm bảo thống nhất phù hợp với quy định của Đảng và quy định của pháp luật.

Tại phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp QH với 100% thành viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành.

UBTVQH giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, gửi lại xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất và trình Chủ tịch QH ký ban hành.

Đọc thêm