Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu tại Kỳ họp 16 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP khóa 10, tổ chức mới đây, khi giải trình báo cáo quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ Đức "cần được gia cố thêm" để hoàn thiện mô hình TP trong TP
Trước đó, TP HCM xây dựng đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP HCM) giai đoạn 2021 - 2030. Song song đó, 5 huyện cũng xây dựng đề án riêng và đều đồng loạt mong muốn được TP trước năm 2030 với lý do khó đạt được các tiêu chí lên quận.
Theo ông Mãi, từ nay đến năm 2030, TP HCM vẫn giữ nguyên 22 đơn vị hành chính và đô thị, gồm đô thị trung tâm ở khu hiện hữu, TP Thủ Đức, 16 quận, 5 huyện. Giai đoạn này, TP sẽ gia tăng nội lực cho các đô thị, đơn vị hành chính. Trong đó, tập trung định hình rõ nét mô hình TP trong TP với TP Thủ Đức. Với 5 huyện sẽ đầu tư hạ tầng để các địa phương đạt tiêu chuẩn đô thị loại III.
Theo quy định, đô thị loại III phải đạt một số tiêu chuẩn như: Quy mô dân số toàn đô thị từ 150.000 người trở lên; mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị từ 6.000 người/km2 trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị tối thiểu đạt 75% so với tổng số lao động...
Ông Phan Văn Mãi cho biết, TP Thủ Đức "cần được gia cố thêm" để hoàn thiện mô hình TP trong TP. Điều này bảo đảm phù hợp quy hoạch chung giai đoạn 2030 - 2040, TP HCM có 5 vùng đô thị, gồm trung tâm, Thủ Đức, khu Nam, Tây Bắc, Tây Nam. Riêng Cần Giờ sẽ được nghiên cứu thêm để xác định là một khu riêng biệt hay nằm trong khu Nam.
"Sau năm 2030, nếu mô hình TP trong TP phát huy hiệu quả thì ba vùng gồm khu Nam, Tây Bắc, Tây Nam sẽ được tổ chức mô hình tương tự như TP Thủ Đức", ông Mãi nói.
Theo hồ sơ quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được các đại biểu HĐND thông qua, từ nay đến 2030, hệ thống đô thị của TP bao gồm: Khu vực trung tâm (các quận nội thành đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt), TP Thủ Đức - đô thị loại I và 5 đô thị vệ tinh gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ - đô thị loại III. Đây sẽ là cơ sở để nâng cấp lên TP.
Đô thị vệ tinh là đô thị trực thuộc nhưng có tính chất độc lập tương đối về cơ sở kinh tế - kỹ thuật, nhằm cân bằng lao động tại chỗ, hạn chế giao thông con lắc (dân đi từ ngoại ô vào thành phố và ngược lại đều đặn sáng, tối), đồng thời đảm nhiệm các chức năng phù hợp với tiềm năng lợi thế trong sự phân công với đô thị trung tâm.
Kiến nghị nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý và Phát triển TP đặc biệt
Từ sau năm 2030, TP HCM sẽ có khu vực trung tâm (các quận nội thành) là đô thị đặc biệt và 4 đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức, 3 đô thị vệ tinh loại II hoặc III, gồm: phía Bắc (Hóc Môn - Củ Chi), phía Tây (Bình Chánh), phía Nam (huyện Nhà Bè, Cần Giờ và quận 7). Ranh giới chính thức của các đô thị trực thuộc TP HCM sẽ được xác định khi thành lập các đô thị này.
|
Phương án quy hoạch đô thị TP HCM đến năm 2030 thì 5 huyện được giữ nguyên không lên TP. (Ảnh: Ban Quản lý dự án quy hoạch TP HCM) |
Theo hồ sơ quy hoạch vừa được HĐND TP thông qua, TP HCM đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt hai con số và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước. TP dự kiến triển khai khoảng 199 dự án, trong đó có khoảng 72 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỷ USD.
UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý và Phát triển TP đặc biệt; phát triển các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ và dự án vịnh Gành Rái làm đầu mối kết nối khu vực phía Nam TP HCM với vùng Đông Nam Bộ; đầu tư tuyến đường ven biển mới phía Nam phục vụ phát triển kinh tế biển từ Gò Công Đông, Tiền Giang qua Cần Giờ rồi đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.
Hồ sơ quy hoạch TP HCM sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng vào tháng 6, dự kiến phê duyệt vào quý III/2024. TP cũng đang chuẩn bị các hội nghị để tìm kiếm các cơ chế phù hợp thu hút đầu tư cho các dự án.
Cũng tại Kỳ họp thứ 16, HĐND TP đã biểu quyết thông qua và ban hành nghị quyết về đề án xây dựng, bố trí lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (BVANTT) ở cơ sở trên địa bàn TP HCM.
HĐND TP cũng ban hành nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ BVANTT; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ BVANTT; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và mức chi với lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở trên địa bàn TP. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Cụ thể, mỗi khu phố, ấp thành lập 1 Tổ BVANTT. Số lượng thành viên tổ được bố trí theo quy mô nhân khẩu của từng khu phố, ấp.
Với các khu phố, ấp có quy mô đến 2.700 nhân khẩu được bố trí 3 thành viên, gồm 1 tổ trưởng, 1 tổ nhóm, 1 tổ viên. Với các khu phố/ấp có trên 2.700 đến 3.600 nhân khẩu được bố trí thêm 1 tổ viên và tăng thêm đủ 900 nhân khẩu thì bố trí tăng thêm 1 tổ viên.
Tổ trưởng được hỗ trợ 6,5 triệu đồng/người/tháng; tổ phó 6,3 triệu đồng; tổ viên 6 triệu đồng. Người tham gia lực lượng BVANTT được hỗ trợ 100% số tiền phải đóng BHXH tự nguyện trên mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng; hỗ trợ 100% tiền đóng BHYT hằng năm. Khi làm nhiệm vụ vào ngày nghỉ, ngày lễ được bồi dưỡng 600.000 đồng/người/ngày.
Lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở được mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi do địa phương tổ chức theo các quy định hiện hành.
Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân. Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ theo quy định hiện hành.