Chuyện lồng ghép giới ở vùng dân tộc thiểu số ở Hà Nội
Hà Nội là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống đan xen cùng đồng bào Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, đồng bào DTTS sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Địa bàn vùng DTTS và miền núi Thủ đô Hà Nội trải rộng, chiếm 1/10 diện tích toàn thành phố.
Ngày 11/11/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253 thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của thành phố, trong đó xác định 9 nội dung trọng tâm, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng DTTS, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc.
UBND TP Hà Nội giao cho Hội LHPN TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với cùng Ban Dân tộc thành phố, một số sở, ngành, UBND 5 huyện thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Cần lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tại Hà Nội, đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS tại Hà Nội do Hội LHPN TP Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng tổ chức vào tháng 9/2023.
|
Nâng cao chất lượng lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để nam nữ cùng có cơ hội đóng góp cống hiến cho đất nước. (Ảnh minh họa - Nguồn: Sở LĐTBXH Bắc Giang) |
Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều hoạt động thực hiện Dự án 8 đã được triển khai như: tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm thông qua các tổ truyền thông cộng đồng; nhiều cuộc tập huấn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu kiến thức bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em…; gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, cán bộ Hội, các ban, ngành, già làng trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế, phát triển mô hình kinh tế tập thể. Hiện nay, tại 14 xã, Hội đang tín chấp 180,608 tỷ đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 3.845 người vay, 74,9 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 758 người vay.
Theo báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo khu vực 13 xã DTTS, miền núi (theo chuẩn nghèo của thành phố) cuối 2022 còn 0,72%, trong đó xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, không còn hộ nghèo (toàn thành phố 0,095%). Thu nhập bình quân đầu người trên 55 triệu đồng/người/năm. 100% xã vùng DTTS, miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, bà Lê Kim Anh cũng thừa nhận rằng, còn nhiều khó khăn như định kiến giới, nhận thức trình độ của phụ nữ vùng DTTS, khoảng cách về điều kiện sống giữa vùng dân tộc và đô thị, thói quen phong tục tập quán, nguồn lực, năng lực cán bộ…
Các quan điểm tại Hội thảo cho thấy, định kiến giới, nhận thức trình độ của phụ nữ vùng DTTS, khoảng cách về điều kiện sống giữa vùng dân tộc và đô thị đang là những rào cản trong sự phát triển bền vững của phụ nữ vùng DTTS tại Hà Nội và giải pháp đặt ra là cần nâng cao năng lực của tổ chức Hội Phụ nữ cũng như sự phối hợp giữa Hội với các ban, ngành và địa phương trong xác định các vấn đề về giới, lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại 5 huyện, 14 xã vùng DTTS.
Nâng cao chất lượng lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Cũng về vấn đề lồng ghép giới, Hội đồng khoa học cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện lồng ghép giới trong tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội LHPN cấp tỉnh” năm 2024. Trong khuôn khổ các hoạt động của đề tài nghiên cứu, cuối tháng 9/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng thực hiện lồng ghép giới trong tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội LHPN TP HCM”.
|
Đồng bào DTTS ở bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì tích cực tập luyện để đưa văn hóa truyền thống đến với du khách. (Ảnh minh họa - Nguồn: baodantoc.vn). |
Tại Hội thảo vấn đề về thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính đã được bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TP HCM đặt ra. Theo bà Thanh, để lồng ghép giới trong văn bản quy phạm pháp luật trước hết phải có thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính. Từ đó mới nhận diện được các chương trình, dự án và tìm giải pháp, xây dựng lồng ghép giới. Nếu không xây dựng được thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính thì không thể nào lồng ghép giới được; và đây đang là vấn đề được đặt ra hiện nay.
"Hiện việc phân tích thông tin, dữ liệu tách biệt về giới tính chỉ hiện diện ở một số lĩnh vực, mặc dù có quy định, thông tư rõ ràng, khi thực hiện đề xuất chương trình, đề án đều phải có đánh giá tác động giới. Tuy nhiên, vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc chương trình, đề án còn rất mờ nhạt”, bà Thanh đánh giá.
Hiện Sở LĐ-TB&XH TP HCM có đề án hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động của Sở cân bằng giữa công việc, trách nhiệm gia đình hướng tới gia đình hạnh phúc. Đề án tập trung lồng ghép giới cho tất cả các nhóm đối tượng ưu tiên, đó là những người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ mang thai và phụ nữ sinh con; đồng thời cũng quan tâm đến nam giới ly hôn, đơn thân nuôi con. Hy vọng qua đề án sẽ đánh giá được tác động giới sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho các nhóm đối tượng, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, cũng theo bà Thanh, hiện có thực trạng, khi tổ chức Hội thảo về bình đẳng giới thì đa phần chỉ có phụ nữ tham dự. Đây là thách thức, do vậy phải nâng cao nhận thức cho người đứng đầu đơn vị hiểu đúng, hiểu đủ về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, gần như các sở, ngành, địa phương không có cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới.
Từ góc độ của Hội LHPN, bà Trần Thị Thu Hương, Ban Công tác phía Nam nhấn mạnh, để thực hiện lồng ghép giới trong tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được tốt thì cán bộ làm công tác về giới phải có nền tảng kiến thức vững, thuần thục các kỹ năng về phân tích giới, đánh giá tác động giới đối với các chính sách; có kỹ năng xây dựng hệ thống số liệu tách biệt giới, tham mưu và vận động chính sách… Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần chú trọng về phê bình, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm công tác về giới.
Một trong những nguyên tắc trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định trong luật đó là phải đảm bảo lồng ghép ghép giới trong toàn bộ quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Để làm được điều này trong quá trình dự thảo các văn bản có liên quan tới phụ nữ, trẻ em, các Bộ, ngành cần tạo điều kiện để các cơ quan chuyên trách về giới tham gia cùng.
Từ góc độ Hội LHPN TP HCM, bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch cho biết, ngay từ đầu năm, Hội LHPN thành phố đã chủ động có văn bản đề nghị các sở, ngành trong quá trình dự thảo các văn bản có liên quan tới phụ nữ, trẻ em gửi đề nghị để Hội phản biện. Bên cạnh đó, khi sở, ngành gửi dự thảo có nội dung liên quan thì Hội cũng chủ động làm kế hoạch phản biện, tổng hợp các ý kiến để gửi về sở, ngành. Vừa qua, Hội tích cực cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tham gia phản biện bảng giá đất mới.
Tại chương trình Kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Về bảo đảm lồng ghép giới trong Chương trình, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng Hồ sơ về Chương trình chưa có đánh giá tác động đầy đủ về giới, làm cơ sở cho việc lồng ghép giới vào các nội dung, hoạt động, dự án của Chương trình; đề nghị Chính phủ bổ sung để bảo đảm nguyên tắc lồng ghép giới trong mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu, dự án và có định lượng kết quả đầu ra.