Thông tin hơn 10.000 đầu thuốc “nằm gọn” trong ngân hàng dữ liệu ngành dược

(PLVN) - Chiều 12/8, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã ra mắt Ngân hàng dữ liệu ngành dược - Drugbank.vn, với kho dữ liệu chứa thông tin của hơn 10.000 đầu thuốc đang lưu hành, gần 41.000 cơ sở sản xuất, phân phối thuốc và dược sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề…
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại buổi lễ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại buổi lễ.

Có thể tra cứu ngay trên điện thoại

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, Ngân hàng dữ liệu ngành dược - Drugbank.vn là hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành dược, được xây dựng với mục đích tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý ngành một cách nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất, giúp ích cho sự phát triển của các doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về y tế - sức khỏe và thói quen sử dụng thuốc của nhân dân.

Với kho dữ liệu chứa thông tin của hơn 10.000 đầu thuốc đang lưu hành, gần 41.000 cơ sở sản xuất, phân phối thuốc và dược sĩ đã được cấp chứng hành nghề, Ngân hàng dữ liệu ngành dược cung cấp cho người dùng một nền tảng tra cứu toàn diện, thuận tiện mọi lúc nọi nơi thông qua website hoặc ngay trên ứng dụng di động.

Thực hiện Dự án Ngân hàng dữ liệu ngành dược, Cục Quản lý dược đã tạo ra một dấu ấn tiên phong trong việc số hóa dữ liệu thuốc và các dữ liệu liên quan.

“Cùng với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ Y tế Canada, Tổ chức kiểm soát tiêu chuẩn thuốc trung ương (CDSCO) của Ấn Độ, Cục Quản lý dược Việt Nam trở thành một trong số ít những cơ quan quản lý cấp quốc gia xây dựng hệ thống dữ liệu về thuốc và cung cấp công cụ tra cứu cho cộng đồng” – ông Vũ Tuấn Cường nói.

Cũng theo Cục Quản lý dược, ngân hàng dữ liệu ngành dược ra đời sẽ giúp cơ quan quản lý dược dễ dàng theo dõi được lịch sử thay đổi của thuốc và hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian, nhanh chóng tương tác hai chiều để cập nhật thông tin, giúp kiểm soát chất lượng thuốc, tình trạng phân phối và lưu hành thuốc, hỗ trợ quản lý giá thuốc một cách nhanh nhất và hiệu quả.

Đối với y bác sĩ, ngân hàng giúp truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất về tất cả các thuốc đang lưu hành tại Việt Nam từ kênh chính thống của cơ quan quản lý nhà nước. 

Đối với người dân, được truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất về tất cả các thuốc đang lưu hành, hỗ trợ kiến thức sử dụng thuốc an toàn - hiệu quả - kinh tế, tra cứu thông tin chính xác về nguồn gốc của thuốc, tra cứu giá thuốc, tra cứu hệ thống nhà thuốc đạt chuẩn GPP.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, đây là lần đầu tiên ngành dược có một cơ sở dữ liệu chính thống, không chỉ là bước đi góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử mà quan trọng hơn là giúp cho việc quản lý, sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn.

Từ đề xuất tới hiện thực

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, người dân bước đầu được hưởng lợi từ các thành tựu CNTT trong hoạt động y tế.

Ngân hàng dữ liệu ngành Dược ra đời sẽ mang lại nhiều lợi ích - Hình lễ khai trương.
Ngân hàng dữ liệu ngành Dược ra đời sẽ mang lại nhiều lợi ích - Hình lễ khai trương.

Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hình thành hành lang pháp lý về ứng dụng CNTT y tế. Trong đó, đặc biệt là có sự đột phá trong việc ứng dụng CNTT tại bệnh viện với gần 100% bệnh viện có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, bước đầu triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh (PACS). 99,5% các bệnh viện đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan giám định và thanh toán bảo hiểm y tế, phục vụ giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử.

Việc hình thành hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, đến đầu năm 2019, đã có 11.183 (99%) trạm y tế; 2.261 cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở tiêm chủng dịch vụ đã sử dụng hệ thống để quản lý tình trạng tiêm chủng cá nhân. Đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý.

Cuối năm 2018, báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: ngoài các giải pháp chung, Bộ Y tế đã phê duyệt 3 chương trình y tế điện tử và đang bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh ung thư, ứng dụng phần mềm lưu trữ và chuyển tải hình ảnh hiện có khoảng 10 bệnh viện triển khai đề án không dùng phim.

Năm 2018, Bộ Y tế cũng tiển khai thành công và có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN. Hệ thống quản lý và điều hành văn bản điện tử, kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, hơn 20 bộ/ngành và các UBND tỉnh/thành phố, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý bệnh viện là trăn trở nhiều năm của ngành y tế và đã được hiện thực hóa dần trong những năm gần đây. Việt Nam hiện ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, y tế từ xa (telemedicine), xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí…, giúp quá trình quản lý bệnh viện được minh bạch hóa, giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ khám, giảm thời gian chờ mua thuốc, giảm thời gian làm thủ tục xuất viện…. 

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin ngành y tế tạo ra nhiều cơ hội và thách thức với ngành y tế. Năm 2019, Bộ Y tế cho biết sẽ đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện.

Một trong những nội dung quan trọng Bộ Y tế ráo riết triển khai là chỉ đạo các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử từng bước giảm thiểu giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho tuyến trên.

Khi có sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân, mỗi khi khám, chữa bệnh, người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám, chữa bệnh của mỗi người dân.

Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng xong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID).

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019 sẽ hình thành hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân. Khi người dân đến cơ sở y tế, người thầy thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần một click chuột máy tính sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó, giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị. 

Đọc thêm