Trong đó, cầu Tân An được xây dựng bên cạnh cầu Tân An cũ, phân luồng là đường một chiều hướng từ Tiền Giang về TPHCM. Cầu có chiều rộng 12 m, chiều dài toàn tuyến 1.046 m. Phần nhịp chính được kết cấu thép dạng vòm mạng lưới với chiều dài trên 63 m. Dự án có vốn đầu tư 110 tỉ đồng.
5 cây cầu trên QL N1 thuộc địa bàn 2 huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa, giáp biên giới với Campuchia, cũng được thông xe. Đó là các cầu: Mỏ Heo, Kênh T4, Kênh T62, Kênh T2 và Kênh T61, với tổng kinh phí đầu tư 55 tỷ đồng.
Cả 6 cây cầu trên địa bàn tỉnh Long An cùng thuộc Dự án tín dụng ngành Giao thông Vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, khởi công vào tháng 10/2019.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Tân An và 5 cầu trên tuyến Quốc lộ N1 thuộc địa bàn tỉnh Long An sẽ xóa bỏ các điểm nghẽn về ùn tắc và an toàn giao thông, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn, kết nối vùng sâu vùng xa gồm các huyện nghèo biên giới giáp Campuchia để tạo đà kết nối các tuyến vận tải nhằm đưa được hàng hóa tiếp cận nhanh về các trung tâm chế biến và tiêu thụ của tỉnh Long An.
Các cây cầu này còn góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ nói chung.
Đặc biệt, cầu Tân An mới đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết điểm nghẽn về giao thông trên 2 bờ Bắc - Nam sông Vàm Cỏ Tây của thành phố Tân An.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý, khai thác và các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý duy tu, sửa chữa thường xuyên, khai thác hiệu quả công trình, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy và vệ sinh môi trường.