Phát biểu buổi lễ, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế của ĐBSCL, đồng thời mở ra một tuyến mới kết nối trung tâm TPHCM đến các tỉnh Tây Nam Bộ, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết ùn tắc giao thông, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân của các tỉnh Tây Nam Bộ và của đất nước.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL có vị trí, vai hết sức quan trọng đối với sự phát triển đất nước với những điều kiện tự nhiên và tiềm năng vô cùng thuận lợi, là vựa lúa lớn nhất của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như của thế giới. Để vùng phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững, thịnh vượng, hệ thống cơ sở hạ tầng cần phải được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng tốt với những tác động tiêu cực biến dổi khí hậu, nước biển dâng.
Đánh giá được những yếu tố quan trọng đó, trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm và quyết liệt chỉ đạo và có rất nhiều chính sách để thúc đẩy, phát triển tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đặc biệt, việc đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất được chú trọng, rất nhiều công trình lớn, quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác như cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, Vàm Cống, Cao Lãnh… đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, cùng với việc nâng cấp cải tạo các tuyến quốc lộ huyết mạch… đã góp phần thay đổi diện mạo của hệ thống giao thông trong khu vực, giúp nâng cao năng lực thông hành, vận tải hàng hóa.
Trong giai đoạn tới, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cần Thơ đi Cà Mau… và một loạt các dự án giao thông khác đang và chuẩn bị triển khai như (như tuyến An Hữu-Cao Lãnh, Mỹ An-Cao Lãnh…) sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL theo hướng hiện đại, kết nối đồng bộ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, phần nào đáp ứng được mong mỏi của hơn 20 triệu đồng bào khu vực Tây Nam Bộ.
Cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. |
Để công trình được hoàn thành bảo đảm an toàn, chất lượng và thông xe đưa vào sử dụng vào cuối năm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tải tiếp tục chỉ đạo thực hiện, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật để dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công.
Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP. Cần Thơ cùng phối hợp với Bộ GTVT để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt hai địa phương phải hết sức chủ động hỗ trợ giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và di đời công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ Hàn Quốc, nhân dân Hàn Quốc và Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) đã tài trợ vốn và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Việt Nam luôn trân trọng và sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn mà các nước và các đối tác đã và đang đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án có tổng mức đầu tư là 6.355,3 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD (khoảng 4.549 tỷ đồng) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam khoảng 1.806,3 tỷ đồng.
Theo quy hoạch tổng thể, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi là đoạn thuộc trục Chơn Thành-Đất Mũi của đường Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi sau khi hoàn thành cùng với các dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống...) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đối với các địa phương có dự án đi qua nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung, giúp làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan.
Đồng thời, tiếp tục kết nối với tuyến Mỹ An-Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa-Mỹ An) (là các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai) để tạo thành trục dọc nối từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tạo tiền đề cho việc hình thành tuyến cao tốc phía Tây song song với tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông (đến Cà Mau) và cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch (Bạc Liêu-Rạch Giá-Hà Tiên và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng) sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc hiện đại, đồng bộ khu vực ĐBSCL, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong khu vực và của đất nước.