“Con ông cháu cha”
Trung Quốc mới công bố danh sách 14 viên tướng bị điều tra tham nhũng. Trong đó, đáng chú ý nhất là thiếu tướng Quách Chính Cương, 45 tuổi, phó chính ủy Quân khu Chiết Giang. Theo Caixin, Quách là con trai của thượng tướng Quách Bá Hùng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Quách Chính Cương sinh vào tháng 1/1970, quê tại huyện Lễ Tuyền, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc. Năm 1989, Quách nối nghiệp cha theo đường binh nghiệp. Tướng Quách Bá Hùng khi đó là phó tham mưu trưởng Quân khu Lan Châu, một trong bảy đại quân khu của Trung Quốc.
Với hậu thuẫn từ gia đình, Quách Chính Cương thăng tiến nhanh chóng trong cả quân đội và chính quyền tỉnh Chiết Giang. Quách lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như thường vụ thành ủy Chu Sơn, chính ủy khu cảnh bị thành phố, phó chủ nhiệm chính trị Quân khu Chiết Giang.
Năm 2010, Quách được phong quân hàm đại tá khi chỉ mới 40 tuổi. Ba năm sau, tháng 4/2013, Quách được bổ nhiệm làm chủ nhiệm chính trị quân khu, thường vụ đảng ủy quân khu, rồi được bầu vào Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh khóa 12.
Tháng 7/2014, tờ Mingpao của Hong Kong từng dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, Quách Chính Cương và vợ là Ngô Phương Phương bị Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của quân đội yêu cầu phối hợp điều tra liên quan đến một số vấn đề kinh tế.
Tuy nhiên, đến giữa tháng một năm nay, Quách Chính Cương vẫn được thăng quân hàm thiếu tướng. Thăng chức chưa đầy một tháng, ngày 10/2, Quách và vợ bị Viện Kiểm sát Quân sự bắt giữ với các cáo buộc tham nhũng.
Thủ đoạn kiếm tiền bất chính
Năm 2009, Trung tâm điện khí kim loại Hàng Châu từng là dự án trọng điểm được Hội liên hiệp Công thương nghiệp Trung Quốc chỉ định hỗ trợ. Dự án này do Công ty đầu tư Đông Hoàng bỏ vốn 800 triệu nhân dân tệ (130 triệu USD) đầu tư. Chủ công ty là Ngô Phương Phương và mẹ, bà Phương Thủy Anh.
Để huy động vốn xây dựng, công ty của Ngô ký với gần 2.000 tiểu thương Hàng Châu hợp đồng cho thuê gian hàng. Ngoài ra, các tiểu thương còn ký thêm một thỏa thuận bổ sung, cho công ty thuê lại các gian hàng trong thời gian ba năm sau khi hoàn thành dự án. Theo đó, mỗi năm công ty sẽ trả lãi suất đầu tư, và sau ba năm các tiểu thương có thể rút trọn vốn khỏi dự án.
Thông qua hình thức này, Ngô Phương Phương đã huy động được trên 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 80 triệu USD).
Đến giữa năm 2014, sau khi hết thời hạn thỏa thuận, hàng loạt tiểu thương yêu cầu được hoàn vốn, nhưng Công ty Đông Hoàng từ chối trả tiền, với lý do thiếu vốn. "Các hộ tiểu thương rất thất vọng, bởi khoảng cách giữa hai bên ngày càng xa, không có tiếng nói chung", tiểu thương Trần Trại Triều cho biết.
Trong quá trình đàm phán giữa Đông Hoàng và nhà đầu tư, ngoài đại diện của thành phố, còn có đại diện của bộ chỉ huy Quân khu Chiết Giang, bởi dự án trên được xây dựng trên đất sản xuất thuộc quyền quản lý của quân đội.
Theo đó, mỗi năm công ty của Ngô Phương Phương sẽ trả cho quân khu 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) tiền thuê đất. Cũng chính trong thời gian này, Ngô làm thân và có quan hệ tình cảm với Quách Chính Cương, dù bản thân đã có chồng.
Cuối năm 2011, Ngô ly dị. Một năm sau, Ngô Phương Phương và Quách Chính Cương kết hôn và có một con trai. Ngoài dự án trên, cặp vợ chồng này còn đầu tư vào dự án chợ Thụy Phưởng, với hình thức huy động như trên. Dự án này cũng xuất hiện tình trạng chậm hoàn thành và khất nợ nhà đầu tư.
Những tin đồn về việc điều tra Quách Chính Cương từng làm dấy lên câu hỏi liệu tướng Quách Bá Hùng có phải là mục tiêu bị điều tra tiếp theo hay không.
Quách Chính Cương là con trai thượng tướng Quách Bá Hùng (giữa), nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. |
Trước đó, người đồng cấp với ông là tướng Từ Tài Hậu đã bị giới chức điều tra tham nhũng. Tuy nhiên, trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, thượng tướng Quách Bá Hùng vẫn nằm trong danh sách các cựu cán bộ cấp cao được lãnh đạo đảng và nhà nước thăm viếng, Xinhua cho biết.
Giới quan sát quân sự cho rằng, việc Bắc Kinh chứng thực thông tin điều tra Quách Chính Cương cho thấy khả năng cao là thượng tướng Quách sẽ bị xem xét kỹ lưỡng.
Hôm 2/3, trong cuộc họp báo trước thềm hội nghị thường kỳ của cơ quan lập pháp Trung Quốc, người phát ngôn Lữ Tân Hoa cho biết thái độ của chính phủ là "kiên quyết không có vùng cấm, phủ sóng toàn diện, không khoan nhượng, nghiêm khắc trừng trị các thành phần tham nhũng".