Ngày càng tinh vi
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã nhận diện được nhiều thủ đoạn vận chuyển ma tuý mà các tổ chức tội phạm triệt để sử dụng.
Trong đó, tại tuyến cảng biển, ma túy được ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh, máy móc thiết bị…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng) để vận chuyển trái phép ra nước ngoài; hoặc lợi dụng loại hình hàng quá cảnh, tạm nhập-tái xuất, trung chuyển (không kiểm tra hải quan) để đưa ma túy vào trong lô hàng xuất sang nước thứ ba tiêu thụ.
Mặt khác, các đối tượng nhập khẩu máy móc về Việt Nam rồi gia cố, thiết kế lại các bộ phận, tạo các ngăn giả bên trong máy để giấu ma túy nhằm đối phó sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu hoặc cố tình vận chuyển hàng đến cửa khẩu để xuất đi nước ngoài sát giờ tàu chạy nhằm tạo áp lực cho hải quan nếu mở kiểm tra sẽ có thể bị trễ chuyến, bồi thường.
Trên tuyến đường không, các tổ chức tội phạm ma túy triệt để lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, chế độ quà biếu phi mậu dịch của Nhà nước, nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: ngụy trang ma túy vào hàng hóa, hành lý; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong các quyển sách, bìa album, tranh ảnh, trong thực phẩm, máy móc; sử dụng CMND và địa chỉ giả để gửi hàng hoặc ủy thác dịch vụ đại lý khai thuế làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu nhằm che giấu tông tích, né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.
Liều lĩnh hơn, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn mới, nuốt các viên ma túy đã được tráng nhôm nhằm kéo dài thời gian bảo quản trong cơ thể để vận chuyển qua nhiều nước, qua mắt các lực lượng chức năng.
Đặc biệt, đối với một số nước sử dụng cần sa hợp pháp như Canada, Mỹ... gần đây các đối tượng từ các nước này đã gửi cần sa qua đường chuyển phát nhanh với thủ đoạn chia nhỏ thành nhiều gói, có trọng lượng dưới 1 kilogam và ghi tên người nhận khác nhau nhằm mục đích không bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện.
“Núp bóng” túi trà giấu trong loa thùng
Trong số các thủ đoạn, một trong những thủ đoạn cất giấu tinh vi, phổ biến hiện nay là giấu ma tuý đá methamphetamine trong các túi trà, loa thùng.
Điển hình như vào tháng 4/2019, Công an TP HCM phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh và Nghệ An triệt phá thành công đường dây tàng trữ, vận chuyển ma túy hơn 1,1 tấn methamphetamine. Khi đó, lực lượng chức năng phát hiện các loa thùng chèn giấu bên trong các gói nylon màu xanh dạng túi trà có in chữ Guanyinwang chứa tinh thể là ma túy ở thể rắn.
Nhìn ra các nước châu Á, ngày 14/8/2018, Cảnh sát Malaysia mở đợt truy quét tội phạm ma túy ở Penang, bắt giữ 4 người, thu giữ hơn 500 kg syabu (một chất ma túy có tên khoa học là methamphetamine hydrocloride) được “ngụy trang” bằng cách giấu bên trong 159 gói trà.
Năm 2019, Cảnh sát Liên bang Úc đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ methamphetamine giấu trong túi trà có nhãn hiệu là Guanyingwang, với trọng lượng ước tính là 1,6 tấn.
Vào tháng 9/2017, lực lượng chức năng ở Thái Lan bắt giữ hơn 400 kg methamphetamine giấu trong các gói trà xanh có nhãn được dịch là “văn hóa trà truyền thống” và trong thạch cao đang trên đường vận chuyển đi Úc. Vào tháng 4/2019, vụ bắt giữ 1,6 tấn methamphetamine được đóng trong nhiều kiểu gói trà khác nhau được giấu trong loa thùng vận chuyển từ Thái Lan đến Úc.
Vậy tại sao tội phạm ma túy lại đặt tên các túi trà có chứa methamphetamine là Guanyingwang? Theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an, ma túy giấu trong túi trà có nhãn mác này được đánh giá là có độ tinh khiết cao nhất (tới gần 100%), phản ánh chất lượng của những gói trà hảo hạng bậc nhất của thương hiệu này, chuyên dành cho những người sành trà phương Đông.
Theo những người sành trà phương Đông thì Guanyingwang được mô tả là “hoàng đế” của trà Ô Long và được cho là “búp trà ngon nhất” của vụ thu hoạch, với số lượng hạn chế, chất lượng tuyệt hảo và rất độc đáo. Điều này ngụ ý rằng, tội phạm sản xuất methamphetamine đóng trong các túi trà có nhãn hiệu này cung cấp ra “thị trường” một sản phẩm cao cấp.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp, phân tích các vụ việc bắt giữ ma túy của các lực lượng chức năng trong thời gian vừa qua cho thấy, ma tuý thường được “nguỵ trang” dưới dạng các túi trà, cất giấu ma túy trong loa thùng, loa kéo di động để vận chuyển ma túy với số lượng lớn, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát
Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an tăng cường phối hợp với cảnh sát các nước thông qua qua hình thức trao đổi thông tin, phối hợp xác minh các đối tượng nằm trong đường dây mua bán, vận chuyển, qua đó tìm ra những băng nhóm phạm tội ma túy chịu trách nhiệm cho hành động mua bán, vận chuyển methamphetamine đóng trong các gói trà, xa hơn là toàn bộ con đường, từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng cũng như dòng lưu chuyển tiền chất (ephedrine và pseudoephedrine) phục vụ cho việc sản xuất loại ma túy cực độc này.
Tổng cục Hải quan cũng đã có yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tập trung giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; tăng cường áp dụng các biện pháp soi chiếu, biện pháp nghiệp vụ phát hiện ma túy đối với các lô hàng nhập khẩu khai báo là loa thùng, loa kéo, đặc biệt là các lô hàng có nguồn gốc từ các khu vực trọng điểm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy như Trung Quốc, Campuchia, Tam giác vàng (Thái Lan, Lào, Myamar); Lưỡi Liềm vàng (Afghanistan, Iran, Pakistan), các quốc gia Nam Mỹ, châu Phi.
Đồng thời, cần chỉ đạo Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy, Phòng Quản lý rủi ro và các phòng nghiệp vụ đẩy mạnh công tác phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin trong và ngoài ngành tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy để lựa chọn kiểm tra, soi chiếu đối với các lô hàng xuất khẩu, quá cảnh loa thùng, loa kéo có dấu hiệu nghi vấn.