Thu giữ kho nước hoa “khủng” có dấu hiệu giả nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 1/7, thông tin từ tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), đội QLTT số 9 vừa phối hợp với đội 5, phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP.Hà Nội kiểm tra và thu giữ hơn 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da… các loại có nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất chủ yếu là Dior, Chanel, Gucci, vanlentino, Louis Vuitton tại kho hàng hiệu khủng tại Hà Nội.
Lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ hàng hóa tại cơ sở vi phạm.
Lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ hàng hóa tại cơ sở vi phạm.

Sau gần 2 tháng trinh sát, chiều tối 30/6, dưới sự chỉ đạo của Cục QLTT Thành phố Hà Nội, Đội QLTT số 9 đã phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội ập vào một kho chứa mỹ phẩm, chủ yếu là nước hoa. Kho hàng nằm tại Kho số 4 trong khuôn viên Công Ty Cổ Phần Đầu Tư - Xây Dựng Hà Nội có địa chỉ tại 76, ngõ 57 Phố An Dương, Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ kho hàng là Hoàng Quốc Phương, sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú tại số 10 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Kiểm đếm thực tế tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, đắp mặt, xịt mùi cơ thể, nước tẩy trang các loại có nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất chủ yếu là Dior, Chanel, Gucci, vanlentino, Louis Vuitton....

Số nước hoa giả mạo xuất xứ tại hiện trường.

Số nước hoa giả mạo xuất xứ tại hiện trường.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của kho hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm sở hữu công nghiệp, hàng giả.

Theo ông Nguyễn Thế Sơn, Đội trưởng Đội QLTT số 9, Cục QLTT Hà Nội, trước đó, Đội QLTT số 9 đã thực hiện nhiệm vụ nắm bắt thị trường, xác định một cửa hàng nhỏ, trưng bày và bán mỹ phẩm, nước hoa với các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới tại An Dương, quận Tây Hồ. Tuy nhiên, nhận thấy đây chưa phải là địa điểm duy nhất kinh doanh, trao đổi, mua bán, Đội QLTT số 9 đã tiếp tục trinh sát và phát hiện kho chứa trữ hàng hóa nằm trong khuôn viên Công Ty Cổ Phần Đầu Tư - Xây Dựng Hà Nội.

“Kho hàng mới được vận chuyển về, do ảnh hưởng của dịch bệnh vì vậy đa phần hàng hóa tại đây chưa được vận chuyển để tiêu thụ. Đặc biệt, phần lớn sản phẩm của cửa hàng và kho hàng hóa đều được giao dịch, mua bán trên các nền tảng thương mại điện tử đã gây không ít khó khăn cho anh em trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trinh sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường”- Đội trưởng Đội QLTT số 9 chia sẻ.

Việc kiểm tra của Đội QLTT số 9 được thực hiện xuyên đêm.

Việc kiểm tra của Đội QLTT số 9 được thực hiện xuyên đêm.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phức tạp, số lượng, chủng loại hàng hóa có dấu hiệu vi phạm rất lớn, ngay từ khi ập vào kho, Đội QLTT số 9 đã xin ý kiến Lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội để mời Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội tham gia vào Đoàn kiểm tra để có thể nắm bắt vụ việc, phục vụ quá trình xử lý phía sau.

“Sau khi kiểm kê, phân loại sản phẩm, chúng tôi sẽ mời đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu đến để xác định chất lượng sản phẩm, định giá hàng hóa vi phạm. Nếu đủ yếu tố khởi tố hình sự,chúng tôi sẽ chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xử lý. Chính vì vậy, chúng tôi đã mời Đội Cảnh sát kinh tế vào cuộc ngay từ đầu để nắm được toàn bộ tiến trình vụ việc”- ông Nguyễn Thế Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, lực lượng chức năng ập vào kho kiểm tra từ 4h30 ngày 30/6 nhưng đến 5h sáng ngày 1/7, chương trình kiểm kê, phân loại và di chuyển hàng hóa về kho của Đội QLTT số 9 mới hoàn tất.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra và làm rõ.

Đọc thêm