Thu gom nợ xấu để ngân hàng “sạch ảo”

(PLO) - “Nợ xấu đang rất xấu, là vấn đề trầm trọng của nền kinh tế vì tỷ lệ lớn và tăng nhanh nhưng việc giải quyết nợ xấu chưa triệt để, mà chỉ “lấy chỗ này gom vào chỗ kia” – đại biểu Quốc hội lo lắng trước cơ chế xử lý nợ xấu hiện nay. 
Hình minh họa
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2015 và Kế hoạch phát triển KTXH năm 2016 trước Quốc hội, Chính phủ thừa nhận nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc nên xử lý nợ xấu là một trong những khó khăn nội tại sẽ còn ảnh hưởng và tác động tiêu cực nhiều mặt đến nền kinh tế.
“Gom” về một mối có hết nợ xấu?
Báo cáo của Chính phủ cho biết, đến nay tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 3%, đạt mục tiêu cả năm 2015. Tuy nhiên, ĐBQH vẫn chưa yên tâm vì tỷ lệ nợ xấu giảm do không tính những khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC) đã mua, trong khi VAMC mới xử lý được một phần nợ xấu đã mua thì thực chất nợ xấu vẫn đang ở trong nền kinh tế, chỉ có “chuyển từ chỗ nọ (các TCTD) sang chỗ kia (VAMC)”. Hơn nữa, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, nợ xấu chuyển qua VAMC thực ra chỉ là “dồn về một chỗ” chứ chưa phải là “được xử lý”. 
Thủ tướng thừa nhận “nợ xấu chưa được xử lý một cách triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ chưa thực sự hiệu quả”. Do vậy, việc các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro, kể cả khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Cùng với đó, một số ĐBQH cho rằng, dù nền kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại tính bền vững, thực chất.
Trong đó, đáng lưu ý là thời hạn vay tín dụng của người dân, doanh nghiệp thường không bằng một chu kỳ sản xuất là cơ hội cho các TCTD hoặc cán bộ TCTD “móc ngoặc” với khách hàng, cho vay “nóng” với lãi suất cao để đáo hạn hợp đồng tín dụng. Nhờ hình thức cho vay trả nợ này, khách hàng sẽ không bị liệt vào danh sách “nợ xấu”, được thực hiện hợp đồng tín dụng mới với khoản vay thậm chí cao hơn, đồng nghĩa với nguy cơ phát sinh “cục nợ xấu to hơn” -  ĐB Nguyễn Văn Đạt ( An Giang) phản ánh.
Cơ chế xử lý nợ xấu đang “xấu hơn cả nợ xấu” 
Với Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, “VAMC mua nợ xấu có phải chỉ để tạo cho ngân hàng một bộ mặt “sạch ảo” và tiếp tục tạo ra những khoản nợ xấu mới?”. Từ câu hỏi này, ông Bình dẫn lại nhận định của các chuyên gia ngân hàng cho rằng cơ chế xử lý nợ xấu “từ ngọn” như vậy còn “xấu hơn cả nợ xấu”. 
Bởi khi VAMC mua nợ xấu thì các ngân hàng được công nhận là “sạch”, được tiếp tục cấp tín dụng bình thường trong khi nguyên nhân nội tại của TCTD dẫn đến phát sinh nợ xấu (khả năng quản trị, nhân lực, những tiêu cực…) chưa được thay đổi, giải quyết. Vậy là với khả năng “sạch ảo” từ việc chuyển nợ xấu sang VAMC, nhiều TCTD lại có điều kiện chuẩn bị cho việc làm phát sinh những khoản nợ xấu mới mà khả năng là lớn hơn.
Hậu quả của tình trạng này là sức ép giải quyết các vụ tranh chấp tại Tòa án. Nhưng thực tế nợ xấu còn phát sinh do cùng một tài sản được chủ sở hữu “biến báo” để thế chấp nhiều TCTD, được định giá cao hơn giá trị thật khiến việc thu hồi nợ rất khó khăn, thậm chí ngay cả khi cơ quan tố tụng vào cuộc cũng thấy “vô phương” vì bên nhận bảo đảm nào cũng có giấy tờ hợp pháp. 
Nghiêm trọng hơn, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, vốn chỉ là một giao dịch dân sự nhưng khi những tranh chấp nợ tín dụng đến “cửa Tòa” thì thường gắn với một vụ án hình sự và một quy trình tố tụng phức tạp, kéo dài. Vì thế, ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng được đánh giá qua nhiều yếu tố nhưng “nợ công, nợ xấu không giải quyết được năng suất lao động thì vẫn là nguy cơ tiềm ẩn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế”. 
Vì vậy, từ nay đến cuối năm, Chính phủ xác định tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nợ xấu, thực hiện các biện pháp để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3% theo mục tiêu đề ra vào cuối năm nay. 
Trong kế hoạch phát triển KTXH năm 2016, Chính  phủ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, tạo thuận lợi cho các TCTD và VAMC hoạt động thực chất, an toàn, hiệu quả theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.  

Đọc thêm