Thu hẹp đà giảm, xuất khẩu con tôm sang Nhật Bản kỳ vọng tăng trưởng trong tháng 12

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý cuối năm sẽ tiếp tục thu hẹp mức giảm và có thể phục hồi trong tháng 12.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đang dần được phục hồi.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đang dần được phục hồi.

Số liệu của Hải quan Việt Nam cho biết, tính tới 15/10/2023, xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 388 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường Nhật Bản nhập khẩu (NK) 372 triệu USD tôm từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, giảm 28% so với cùng kỳ. Xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 9/2023 giảm 10%, mức giảm nhẹ nhất kể từ đầu năm nay.

Quý 3 năm nay, XK tôm sang Nhật Bản đạt 135 triệu USD, giảm 26%. Mức giảm trong quý 3 cũng là mức giảm thấp nhất so với 2 quý trước đó.

Chia sẻ về sự sụt giảm này, bà Tạ Thị Kim Thu – Chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhu cầu yếu từ thị trường Nhật cộng với tỷ giá yên/USD giảm mạnh là một trong những yếu tố tác động không tốt tới XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo bà Tạ Thị Kim Thu, trong 3 nhóm sản phẩm tôm chính XK sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 64,1%, tôm sú chiếm 18,5% còn lại là tôm loại khác với 17,4%. Khác với những thị trường khác, tỷ trọng XK tôm loại khác của Nhật Bản tương đương với tôm sú. Giá trị XK tôm chân trắng sang Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 238 triệu USD, giảm 26%, giá trị XK tôm sú giảm 40% đạt 69 triệu USD. XK tôm loại khác sang Nhật Bản đạt 65 triệu USD, giảm 20%. Giá trị XK tôm chân trắng giảm ít hơn so với XK tôm sú. Đáng chú ý, XK tôm khô sang Nhật tăng 3% trong 9 tháng đầu năm nay.

9 tháng đầu năm 2023, giá trung bình XK tôm sú đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản dao động từ 18,8-14,1 USD/kg. Giá trung bình tôm sú XK sang Nhật Bản có xu hướng giảm từ đầu năm trong khi khối lượng XK tôm sú sang Nhật có xu hướng tăng theo tháng (tháng sau cao hơn tháng trước đó) kể từ tháng 6. Khối lượng XK tôm sú trong quý 3 năm nay cũng ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo bà Thu, thị trường Nhật Bản thường có giá bán tôm bình quân cao hơn các thị trường xuất khẩu tôm khác của Việt Nam. Thị trường này cũng có mức độ cạnh tranh hạn chế và rào cản gia nhập cao do người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng cao - vốn là thế mạnh của ngành tôm Việt Nam.

“Trên thị trường Nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm giá trị gia tăng cao so với các nước chủ yếu xuất khẩu sản phẩm tôm nguyên liệu như Ấn Độ và Ecuador. Kỳ vọng, XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong quý cuối năm sẽ tiếp tục thu hẹp mức giảm và có thể phục hồi vào tháng 12”- bà Thu kỳ vọng.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 7 tháng đầu năm nay, trong khi tổng NK tôm chung vào Nhật Bản giảm 16%, NK từ nguồn cung lớn nhất Việt Nam cũng ghi nhận giảm thì Nhật Bản vẫn tăng NK từ Ấn Độ.

Bà Thu cho rằng, thị trường Nhật có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng nếu đã vào được thì sẽ ổn định và lâu dài nên doanh nghiệp cung cấp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng. Vì vậy, doanh nghiệp cần hợp tác với đối tác Nhật Bản để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của mình.