Thu hẹp tăng trưởng âm, xuất khẩu thủy sản dự báo đạt trên 9 tỷ USD/năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tới nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,3 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu thủy sản ngày càng khởi sắc. (Ảnh minh họa)
Xuất khẩu thủy sản ngày càng khởi sắc. (Ảnh minh họa)

Riêng trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn giảm hơn 15% so với tháng 8/2022, nhưng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước.

VASEP nhận thấy, từ năm 2021 trở lại đây, dịch bệnh COVID-19, lạm phát… khiến cho diễn biến xuất khẩu thủy sản bị xáo trộn, không theo quy luật hàng năm là sẽ tăng cao hơn vào nửa cuối năm, đặc biệt giai đoạn quý III.

Năm 2023 cũng tương tự, tới hết tháng 7, xuất khẩu thuỷ sản chưa có xu hướng hồi phục rõ ràng, dù tháng 5 đã đạt mức cao nhất 808 triệu USD, nhưng 2 tháng tiếp sau đó đã chững lại.

Đối với cá tra, xuất khẩu tháng 8 đạt khoảng 167 triệu USD, cũng ghi nhận mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt khoảng gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu cá tra chỉ đạt mức cao nhất vào tháng 3, sau đó có chiều hướng giảm dần. Xu hướng này thể hiện rõ ở cả thị trường Mỹ và Trung Quốc - 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam.

Đối với con tôm, xuất khẩu tháng 8 ước giảm 19% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, mặt hàng này mang về lượng ngoại tệ gần 2,2 tỷ USD, giảm 28%.

Xuất khẩu tôm tuy chưa đột phá, nhưng 3 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Mỹ khi doanh số tăng liên tục qua các tháng. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tín hiệu tăng từ tháng 3 nhưng không duy trì được đà tăng liên tục.

So với tôm và cá tra, xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác giảm nhẹ hơn với 15% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì doanh số ổn định qua từng tháng. Những thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất gồm Nhật Bản, chiếm 28,5%, Mỹ 15%, Hàn Quốc 11%, EU chiếm 9%... Trong số đó, các loài hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến sản xuất và gia công xuất khẩu cũng đóng góp một phần cho doanh thu ngành hải sản.

“Trong khi đa số các doanh nghiệp đều bị sụt giảm xuất khẩu trong thời gian qua, thì vẫn có những doanh nghiệp đạt doanh số cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho loại hình chế biến xuất khẩu này”, VASEP đánh giá.

Bên cạnh đó, Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS) vừa kết thúc chương trình thanh tra một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, nhằm đánh giá hệ thống kiểm soát VSATTP đối với cá tra xuất khẩu sang Mỹ.

VASEP khẳng định, kết quả thanh tra tích cực một lần nữa khẳng định uy tín và chất lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, xuất khẩu hải sản có thể có chiều hướng khả quan hơn nếu sau chương trình thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10 tới đây đối với hải sản khai thác kết quả đánh giá tích cực. Tuy nhiên, về góc độ tiêu thụ thì tôm và hải sản cũng có hy vọng lạc quan về sự hồi phục của các thị trường, cũng những biến động khác.

Từ những thông tin trên, VASEP kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ khởi sắc những tháng cuối năm và dự báo lạc quan doanh số xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD.

Đọc thêm