Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng “tham nhũng nhiều, xử ít” mà dư luận vẫn lo ngại là do những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Đặc biệt, việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có cũng trở nên hết sức khó khăn do chúng đã bị “tẩu tán” qua nhiều con đường khác nhau.
|
Biếm họa Internet |
Tham nhũng tiền tỷ, thu hồi tiền đồng?
Đặc trưng của tội phạm tham nhũng là đối tượng phạm tội này là người có chức vụ, vì thế số tiền/tài sản do tham nhũng khá lớn (mặc dù hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta mới chỉ phát hiện “chừng mực” và là những vụ “tham nhũng vặt”). Tài sản do tham nhũng mà có thực chất cũng là tiền của nhà nước, tiền của nhân dân. Do đó, ngoài việc xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng thì việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có cũng rất quan trọng.
Năm 2011, hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra có tổng giá trị lên đến trên 11 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên việc thu hồi đạt tỉ lệ rất thấp: 300 tỉ đồng (đạt 2,6%). Con số này thực sự đáng lo ngại. Thực tế, qua nhiều vụ án tham nhũng cho thấy, người phạm tội này đã có sự “tính toán” từ trước, tài sản không đứng tên họ mà đứng tên người thân, tiền của thì gửi ra nước ngoài…, thậm chí khi bị cơ quan điều tra “sờ gáy”, lập tức đối tượng trốn ra nước ngoài, ung dung sống cuộc sống đế vương.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - VKSNDTC Đỗ Văn Đương cho rằng: “Hầu hết những vụ tham nhũng lớn chủ yếu khởi tố điều tra về tội cố ý làm trái, mà tội này hình phạt rất thấp, chỉ đến 20 năm tù. Nhiều vụ không thấy tham ô đồng nào và việc thu hồi tài sản rất thấp”. Ông trăn trở “có cách gì để tập trung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát, phòng ngừa quan chức phạm tội..”
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII cũng thừa nhận: “Hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng còn bất cập, hạn chế…”.
Một trong những hạn chế của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành chính là việc Luật chưa quy định rõ đối tượng thuộc diện phải kê khai và trách nhiệm giải trình tài sản, thu nhập. Luật cũng mới chỉ quy định việc xử lý đối với người kê khai không trung thực hoặc kê khai không đầy đủ, chưa có quy định về việc xử lý đối với người không kê khai tài sản.
Đối với việc kê khai tài khoản ở nước ngoài, thiếu quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài. Những quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa toàn diện vì một số cơ quan, lĩnh vực vẫn chưa có các quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ví dụ như các hoạt động không thuộc quy định giữ bí mật nhà nước trong Công an, quân đội
Phải kiểm soát tốt thu nhập của người có chức vụ
Phòng chống tham nhũng không phải là ngồi để “chờ” việc xảy ra mà nghĩ cách sao thu được tiền về, mà quan trọng là công tác phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Để làm được việc này trước hết chính phải bằng những “quy định” rắn của luật pháp.
Theo Thanh tra Chính phủ nên sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập trong Luật Phòng chống tham nhũng. Quy định rõ hơn về công khai bản kê tài sản, thu nhập, xác minh nguồn gốc tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc, tăng cường các biện pháp quản lý tài sản, thu nhập…. Quy định rõ đối tượng thuộc diện phải kê khai và trách nhiệm giải trình tài sản, thu nhập, quy định về xử lý đối với người không kê khai tài sản.
Đối với việc kê khai tài khoản ở nước ngoài, cần bổ sung quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài; bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài khảo người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc đã giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
Đồng thời với việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, cũng có ý kiến cho rằng, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng, nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản của người có hành vi tham nhũng thì cũng sẽ bị thu hồi, dù tài sản đó đứng tên người thân họ..
Chống tham nhũng là cuộc chiến của toàn dân, vì thế đòi hỏi sự phát hiện tham nhũng từ nhiều kênh, đặc biệt tai mắt của nhân dân. Và quan trọng nữa là khi có việc tham nhũng xảy ra, cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn tốt để tránh việc đối tượng bỏ trốn, hoặc tẩu tán tài sản…
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới WB, mỗi năm tham nhũng gây thiệt hại tới 2.600 tỷ USD, tương đương với hơn 5% GDP toàn cầu; trong đó 1.000 tỷ USD là chảy vào túi quan tham, được cất giấu và tẩy rửa tinh vi qua bất động sản hay tài khoản trong các ngân hàng khắp thế giới. … Kinh nghiệm của thế giới cho thấy thường phải mất từ 10-15 năm sau khi nhà lãnh đạo “về vườn” hay thôi chức mới phát hiện có tham nhũng và cũng chỉ có khoảng 10-15% số tài sản này được thu hồi. |
Trung Hiếu