Làm nhà xưởng: Hồ sơ chỉnh sửa hơn 70 lần
Tại Hội thảo Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Vụ Pháp chế – Bộ NN&PTNT với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tổ chức mới đây, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Bộ môn nghiên cứu Thị trường và Phát triển ngành hàng, IPSARD đã chỉ ra một loạt rào cản đối với SXNN hiện nay, đó là: Đất đai phân tán, vấn đề đất nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, cơ sở dữ liệu đo đạc cắm mốc thiếu, không cập nhật, quá trình tích tụ đất chậm…
Đặc biệt các thủ tục liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) như mua bán, góp vốn, thuê đất đang làm khó cả bên có đất và bên có nhu cầu về đất SXNN đang làm khó DN muốn đầu tư vào lĩnh vực đang được xem là rất tiềm năng này.
Bà Nhàn dẫn trường hợp một hợp tác xã (HTX) sản xuất rau sạch thuê đất. Trước đây, đơn vị này thuê đất của dân và đất của thành viên với tổng hơn 4ha. Khi cần làm 1 nhà xưởng nhỏ để sơ chế, trông coi thì theo quy định phải chuyển đổi mục đích sử dụng, phải thành lập HTX và xin quy hoạch xây dựng dự án sản xuất rau sạch. Việc xây dựng hồ sơ, mất hơn 1 năm (làm/chỉnh sửa bản sơ đồ khu quy hoạch hơn 70 lần mới được duyệt, đi lại mất nhiều thời gian, các đoàn về kiểm tra nhiều gây khó khăn cho HTX.
Chia sẻ về quá trình tích tụ ruộng đất ở Thái Bình, bà Khổng Thị Thịnh, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình có hơn 17.400ha đất tích tụ tập trung để sản xuất hàng hóa với quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản, trong đó có hơn 6.600ha đất nông nghiệp được tập trung theo hình thức thuê đất, góp đất và chuyển nhượng QSDĐ và gần 10.800ha diện tích gieo trồng có hợp đồng lên kết với 20 DN trong và ngoài tỉnh tại 236 HTX trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Thịnh, hầu hết các mô hình tích tụ, tập trung đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong tích tụ ruộng đất ở Thái Bình và cũng là khó khăn chung hiện nay là chưa có Đề án tích tụ rộng đất mà triển khai tự phát, nên hầu hết các mô hình tích tụ đều chưa đảm bảo thủ tục về đất đai, các bên chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với người có ruộng và chủ yếu là người địa phương thuê đất của nhau, còn đối với DN hoặc cá nhân từ nơi khác đến thuê, mua thực hiện thông qua HTX nông nghiệp hoặc UBND xã.
Riêng đối với đất 5% công ích do UBND xã quản lý và chỉ cho phép hộ cá nhân ở địa phương thuê theo hình thức đấu giá, thời gian thuê tối đa 5 năm, thời gian chưa đủ dài để đầu tư sản xuất theo hình thức tích tụ tập trung và DN cũng không được thuê diện tích đất này. “Vì vậy chúng tôi rất mong sớm có hướng dẫn về tích tụ đất đai để địa phương thực sự phát huy được hiệu quả của mô hình này…”- bà Thịnh bảy tỏ.
Hoàn thiện Luật Đất đai, sửa đổi Nghị định
Để giải quyết những vấn đề bất cập cùng nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, Luật Đất đai 2013 đang được xem xét sửa đổi hoàn thiện. Song song với quá trình đó, một số nghị định về đất đai như Nghị định về tích tụ tập trung đất đai, Nghị định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai cũng đang được sửa đổi và xin ý kiến rộng rãi của các ban ngành, địa phương.
Theo Dự thảo Nghị định về tích tụ tập trung đất đai, các phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp gồm: Dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp; Thuê QSDĐ nông nghiệp; Liên kết, hợp tác để tổ chức SXNN; Nhận góp vốn bằng QSDĐ nông nghiệp; Nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp. Đặc biệt Dự thảo quy định tiêu chí xác định nhà đầu tư tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức SXNN được phân theo 2 đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân và tổ chức kinh tế.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung 3 Nghị định (Nghị định 43/2014/NĐ-CP; Nghị định 47/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP); Dự thảo cũng quy định về chuyển tiếp...
Theo đại diện Ban soạn thảo, những sửa đổi, bổ sung trong Nghị định nhằm tháo gỡ nhanh những vướng mắc hiện nay trước khi sửa đổi Luật, do vậy việc sửa đổi, bổ sung sẽ không vượt quá các quy định trong Luật Đất đai 2013.
Nghiên cứu “Các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam” do IPSARD tiến hành với sự hỗ trợ của dự án Aus4Reform, cho thấy có hơn 70% mảnh đất SXNN ở Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha.
Nghiên cứu này cũng cho thấy đang có sự chênh lệch khá lớn giữa người có nhu cầu đất cho thuê và đi thuê. Đơn cử năm 2016, đất canh tác có nhu cầu cho thuê khoảng 17% thì nhu cầu thuê chỉ khoảng 7%, đất đồng cỏ nhu cầu thuê lên tới 34% nhưng nhu cầu cho thuê hầu như không có, đất ao hồ nuôi thủy sản nhu cầu cho thuê lên tới 21% nhưng nhu cầu thuê chỉ khoảng 17%...