Kinh nghiệm từ thành phố hoa
Đà Lạt là một thành phố đã tận dụng rất hiệu quả mô hình “du lịch lễ hội”, mà điển hình nhất là Festival Hoa Đà Lạt. Cứ 2 năm một lần, Festival Hoa lại diễn ra vào dịp cận Tết Dương lịch của mỗi năm, với chương trình phong phú, hấp dẫn, rất đặc trưng của thành phố hoa cao nguyên này. Và qua mỗi năm, Đà Lạt đã xây dựng thêm nhiều chương trình đặc sắc để biến Festivel hoa trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng của Đà Lạt.
Festival Hoa 2017 có tới 15 chương trình chính thức và 14 chương trình hưởng ứng, đều khá thú vị và có sức hút như lễ hội Tơ Trà, Tuần lễ thời trang Áo dài – Lụa, Đêm hội rượu vang, phiên chợ Rau – hoa… Festival Hoa lần thứ 6 năm 2015, Đà Lạt đón 130 ngàn lượt khách tham quan. Theo dự kiến của thành phố, Festival Hoa Đà Lạt 2017, khả năng Đà Lạt sẽ thu hút đến con số 200 ngàn lượt khách tham quan.
Tất nhiên, Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung không chỉ có mỗi Festival Hoa 2 năm một lần để hút khách. Trước khi được gộp chung với Festival, tỉnh Lâm Đồng còn có thêm Lễ hội Trà Bảo Lộc nhằm quảng bá vùng Trà nổi tiếng Bảo Lộc. Vài năm trở lại đây, hàng năm, Đà Lạt có thêm những lễ hội lớn nhỏ khác, tận dụng ưu thế tự nhiên của địa phương như lễ hội cỏ hồng vào tháng 11 (tận dụng những đồi cỏ hồng có màu sắc rất đặc biệt chỉ Đà Lạt mới có), Lễ hội Hoa anh đào tháng 2 ( vẻ đẹp rực rỡ của hoa anh đào lúc vào mùa)…
Hai lễ hội này là một “sáng kiến” của TP dựa trên sự nắm bắt nhu cầu thưởng thức của du khách. Một thống kê nhỏ của tỉnh cho thấy, ở những thời điểm, những năm diễn ra các lễ hội, Đà Lạt và Lâm Đồng có sự tăng vọt về lượng du khách và doanh thu, còn với thời gian dài không có lễ hội, tình hình du lịch diễn ra bình bình. Đó cũng là một căn cớ để những người làm xúc tiến du lịch của Đà Lạt nghiên cứu và phát triển du lịch theo hướng “sáng tạo” ra các loại hình lễ hội đặc sắc.
Theo thống kê, năm 2010, Đà Lạt có 2 triệu lượt khách lưu trú, thì năm 2016, con số khách lưu trú là 3,5 triệu lượt. Một con số khá đáng mơ ước cho ngành Du lịch.
Du lịch Việt thiếu sáng tạo và bản sắc?
Tuy nhiên, khai thác lễ hội để làm du lịch, không mấy địa phương có thể làm khá tốt như Đà Lạt. Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Thái Nguyên… đều có các Festival mang thương hiệu thành phố, như Festival pháo hoa Đà Nẵng, Lễ hội Biển Nha Trang Lễ hội Trà Thái Nguyên, Festival Huế….
Tuy nhiên, ngoài các Festival định kì vài năm 1 lần, thì nhiều thành phố phát triển du lịch vẫn chưa có các lễ hội nho nhỏ nhằm duy trì lượng khách đến. Và ngay cả với các Festival định kì làm nên thương hiệu, nhiều TP du lịch vẫn chưa thực sự làm tốt. Những lễ hội đậm bản sắc như Festival Hoa hay Festival Cồng chiêng Tây Nguyên khá hiếm hoi, nói gì đến việc phát triển nhiều lễ hội quy mô nhỏ hàng năm.
Kinh nghiệm ở nhiều nước, những thành phố có các lễ hội đặc sắc đều tạo được những thương hiệu du lịch nổi trội của của địa phương lẫn quốc gia trong lòng du khách quốc tế, như lễ hội đèn trời ở Chaingmai, Lễ hội Nhà Vua ở Thái Lan, Lễ hội Carnival Cape Minstrel - tại Cape Town, Nam Phi, hội Carnival - Rio de Janeiro, Brazil, Lễ hội Holi, Lễ hội sắc màu Ấn Độ, Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản…
Các lễ hội có thương hiệu tầm quốc tế này đều có điểm chung là tận dụng những đặc trưng về mặt lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời và điều kiện tự nhiên để làm thành những lễ hội mang phong cách và bản sắc địa phương rất rõ nét. Điều đó đã khiến du khách bị “hút hồn”. Ngoài những lễ hội hoành tráng mang tính quốc tế, nhiều TP trên thế giới cũng tạo được những “lễ hội mini” diễn ra hàng ngày, hàng tuần làm nên thương hiệu du lịch như phiên chợ đêm, phiên chợ hoa, lễ rước đèn trên sông… Về điều nay, Hội An của Việt Nam cũng đã làm rất tốt khi có những lễ hội đèn lồng diễn ra vào mỗi cuối tuần, là một điểm nhấn đặc sắc hút khách.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều lễ hội chỉ mang tính chất “diễn văn nghệ” là chính, không ít lễ hội, quảng bá rầm rộ nhưng thực hiện lại tẻ nhạt, gây thất vọng cho du khách. Những tư duy sáng tạo để cho ra đời những lễ hội gắn với bản sắc địa phương kiểu như Hội An hay Đà Lạt vẫn còn rất hiếm hoi. Tại sao vùng biển không thể cho ra đời những phiên chợ hay lễ hội liên quan đến làng chài, sao những festival gắn liền với đời sống nông nghiệp, khai thác cả bề dày nông nghiệp lúa nước Việt Nam… vẫn chưa thể ra đời, quảng bá cho du lịch Việt, vì sao Việt Nam nhiều “câu chuyện” rất hay ho để khai thác, mà vẫn chưa thể có một lễ hội mang tầm quốc tế… Câu hỏi đó, còn chờ những người làm xúc tiến du lịch Việt trả lời.