Thu hút FDI bằng môi trường kinh doanh chứ không phải ưu đãi thuế và đất

(PLVN) - “Trong khi cạnh tranh về môi trường kinh doanh (MTKD) là cuộc đua để dẫn đầu, cạnh tranh về các ưu đãi thuế và đất đai là một cuộc đua xuống đáy”, TS Nguyễn Đức Thành, Sáng lập viên và Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định.
Thu hút FDI bằng môi trường kinh doanh chứ không phải ưu đãi thuế và đất

Cuộc đua xuống đáy

Tại Hội thảo "Hướng tới thu hút FDI bền vững tại ASEAN: MTKD là động lực chính"  do VEPR phối hợp cùng PRAKARSA tại Indonesia, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam Việt Nam, tổ chức chiều nay - 11/11, Nhóm nghiên cứu của VEPR đã chia sẻ những phát hiện từ báo cáo nghiên cứu gần đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực hợp tác và đồng thuận giữa các Chính phủ ASEAN trong việc ngưng cung cấp các gói ưu đãi không cần thiết và ưu tiên cải thiện MTKD để xúc tiến đầu tư.

Theo nhóm nghiên cứu, trước khi đại dịch Covid-19, các quốc gia khối ASEAN đã cạnh tranh nhau trong cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia mà không đem lại lợi ích thực sự. 

Thay vì chú trọng vào yếu tố chủ chốt trong việc quyết định khu vực đầu tư FDI là xây dựng MTKD vốn đã được chứng minh là yếu tố then chốt, các Chính phủ trong khu vực lại đang áp dụng những chính sách thuế chỉ có lợi cho các công ty lớn của nước ngoài. 

Trong vòng 10 năm qua, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế TNDN và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Mức thuế suất TNDN trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020. Ngoài việc cắt giảm thuế suất thuế TNDN, việc áp dụng các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận để thu hút FDI, như ân hạn thuế, cũng rất phổ biến ở quốc gia ASEAN. 

Theo nhóm nghiên cứu, chi phí của các ưu đãi thuế dư thừa có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại. Việc cắt giảm thuế TNDN quá mức gây ra mối đe dọa đối với thu ngân sách quốc gia dưới hình thức chi qua thuế. Thất thu ngân sách do ưu đãi thuế DN ước tính bằng 6% GDP ở Campuchia và 1% GDP ở Việt Nam và Philippines.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Bất bình đẳng và tham nhũng

“Các ưu đãi về thuế có thể tạo ra các ngoại ứng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả kinh tế. Các nước ASEAN khó có thể đương đầu với các hệ quả đó, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và y tế mà tất cả các nước đang đối mặt…” - ông Ah Maftuchan, Giám đốc tổ chức PRAKARSA nhấn mạnh.

Theo đại diện PRAKARSA, chúng ta cần phải lựa chọn giữa việc xây dựng xã hội bền vững với chính sách đất đai tốt, hay chỉ làm lợi cho các công ty đang ra sức giảm thiểu hóa đơn đóng thuế của họ...

Bên cạnh các ưu đãi về thuế, việc sử dụng các ưu đãi phi thuế cũng phổ biến ở các nước ASEAN và góp phần làm trầm trọng thêm cuộc đua xuống đáy trong khu vực.

Cạnh tranh trong việc cung cấp các ưu đãi phi thuế được thể hiện rõ nét ở các ưu đãi về đất đai. Các hình thức cho thuê đất dài hạn có mặt ở tất cả các quốc gia ASEAN. Thái Lan thậm chí còn cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đất trong một số trường hợp đặc biệt. Việt Nam và Lào miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án đầu tư ở vùng sau vùng xa hoặc đẩy mạnh hoạt động sản xuất. 

Cạnh tranh về ưu đãi đất đai giữa các nước ASEAN đang làm gia tăng sự bất bình đẳng về mặt  kinh tế-xã hội, và cơ chế không minh bạch trong việc cấp ưu đãi đất đai ở Campuchia, Lào và Myanmar đang tạo điều kiện cho tham nhũng và trục lợi.

“Trong khi cạnh tranh về MTKD là cuộc đua để dẫn đầu, cạnh tranh về các ưu đãi thuế và đất đai là một cuộc đua xuống đáy. Việc cấp ưu đãi đất đai, đặc biệt là kéo dài thời hạn thuê đất, thiếu minh bạch, có thể làm tăng nguy cơ tham nhũng” - TS Nguyễn Đức Thành, Sáng lập viên và Cố vấn trưởng VEPR,  nhận định.

Những ưu đãi thuế và phi thuế không cần thiết này ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn thu nội địa của các quốc gia, và từ đó sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu cho các dịch vụ công thiết yếu nhằm chống đói nghèo và giảm bất bình đẳng. 

“Điều vô lý là những chính sách này không hẳn có hiệu quả thiết thực trong việc thu hút dòng vốn FDI như các nhà hoạch định chính sách thường nghĩ”, TS Nguyễn Đức Thành nói.

TS Nguyễn Đức Thành, Sáng lập viên và Cố vấn trưởng VEPR
TS Nguyễn Đức Thành, Sáng lập viên và Cố vấn trưởng VEPR 

Cải thiện môi trường kinh doanh mới là yếu tố quyết định

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chỉ số về MTKD mới là các nhân tố quyết định trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư FDI, cụ thể là ổn định kinh tế, ổn định chính trị, thị trường nội địa, khung pháp lý minh bạch, chất lượng lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, mật độ đường sá chất lượng tốt…

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, nếu các nước đều đưa ra chính sách giảm thuế để thu hút FDI thì đến lúc nào đó tất cả đều thua. “Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, đây là cơ hội để các nước xem xét lại chính sách ưu đãi thuế của mình bởi giảm thuế sẽ không cờn dư địa ngân sách để điều chỉnh các chính sách kinh tế xã hội. Dịch Covid-19 có tác động tiêu cực với ngân sách nhưng là điểm bắt đầu để các quốc gia xem xét lại việc có nên tiếp tục giảm thuế để thu hút FDI nữa hay không?” - chuyên gia này phát biểu.

Theo ông Mustafa Talpur, Quản lý cấp khu vực Chiến dịch Thu hẹp khoảng cách, Oxfam tại châu Á, các nước ASEAN cần hành động nhất quán cùng nhau trong cuộc chiến chống đối nghèo cho cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực. 

“Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng các ưu đãi thuế và phi thuế đang làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội và không phải là chìa khóa hướng tới đầu tư nước ngoài bền vững. Mỗi chính phủ cần có nguồn thu ngân sách bền vững để đầu tư cho y tế và giáo dục cũng như các dịch vụ công khác nhằm đầu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng; vì vậy, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần đoàn kết và cùng ưu tiên việc cải thiện MTKD thay vì đưa ra các ưu đãi không có hiệu quả”- ông Mustafa Talpur nhấn mạnh.

Đọc thêm