Thủ khoa Y dược “gập ghềnh” đường đến trường

Thấy con đậu đại học, cũng là thủ khoa của một trường danh tiếng ở đất Sài thành, gia đình, bà con trong xóm ai cũng vui mừng không xuể. Niềm vui vừa được nhân lên, nhưng nỗi buồn lại ập đến với cậu học trò này. Vì không biết lấy tiền đâu ra cho cháu, cho con đi học. Đó là nỗi niềm của bà ngoại, mẹ của em Nguyễn Tấn Phong (học sinh lớp 12A2 trường THPT Tiểu La, Thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) vừa đỗ thủ khoa trường Đại học Y dược TP.HCM...
Thấy con đậu đại học, cũng là thủ khoa của một trường danh tiếng ở đất Sài thành, gia đình, bà con trong xóm ai cũng vui mừng không xuể. Niềm vui vừa được nhân lên, nhưng nỗi buồn lại ập đến với cậu học trò này. Vì không biết lấy tiền đâu ra cho cháu, cho con đi học. Đó là nỗi niềm của bà ngoại, mẹ của em Nguyễn Tấn Phong (học sinh lớp 12A2 trường THPT Tiểu La, Thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) vừa đỗ thủ khoa trường Đại học Y dược TP.HCM.
 Trên tay Phong là giấy khen của huyện Thăng Bình tặng vì có thành tích học giỏi.
Gian nan đường đến trường


Sáng 17/8, phóng viên chúng tôi tìm đến nhà, Phong cùng với bà ngoại và mẹ đang xem giấy khen của UBND huyện Thăng Bình tặng về thành tích giải ba môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 vừa qua.

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành ấy ít ai nghĩ Phong đã làm nên điều mà mọi thí sinh đều ao ước.

Nhắc đến tuổi thơ của Phong không đẹp như các bạn cùng trang lứa. Thấy vợ chồng con gái khó khăn nên bà ngoại đem Phong về nuôi ăn học, lúc đó Phong mới 3 tuổi.

Dù thiếu sự chăm sóc của ba mẹ nhưng trong vòng tay yêu thương của ngoại, Phong rất ham học và học rất giỏi.

Bản thân bà Võ Thị Đãi (ngoại Phong) có chồng là liệt sĩ, bà là thương binh, tuy đã già yếu đau ốm triền miên nhưng vì thương con, thương cháu bà đã tần tảo nuôi Phong khôn lớn.

Nói đến đây, bà Đãi chảy dài nước mắt cho biết: “Trước đây, nhà con gái Trần Thị Duyên ở Thị trấn Hà Lam. Cách đây gần 10 năm, chồng Duyên đã bỏ mẹ con đi theo người đàn bà khác. Thân cò lặn lội trên những cánh đồng để nuôi con ăn học, lại thường xuyên đau ốm bởi căn bệnh thói hóa cột sống nên hoàn cảnh kinh tế lâm vào khó khăn.

Năm 2008, cháu Nguyễn Trần Vũ đỗ đại học, không có tiền, đi vay mượn thì nhiều người thấy chị khó khăn nên không giúp. Xong thương con, chị Duyên đã quyết tâm bán ngôi nhà để có tiền cho Vũ đi học. Sau đó, mẹ con dìu dắt nhau về ở cùng ngoại”.
Hiện tại bà ngoại đã già yếu, cả gia đình Phong (Phong còn có đứa em trai năm nay vào lớp 10) chỉ trông vào 3 sào ruộng cằn cỗi thì không đủ sống.

Vì vậy ngoài những ngày mùa, chị Duyên xin làm thêm nghề chế biến thủy sản tại một xí nghiệp đông lạnh gần nhà.

Lao lực lại thêm suy nghĩ nhiều vì chuyện gia đình nên sức khỏe của chị Duyên giảm sút nhanh chóng, thường xuyên bị đau ốm.

Thương mẹ tần tảo sớm hôm khổ cực, nên ngoài giờ học Phong còn ra đồng gặt lúa, cuốc đất. Thậm chí, nhiều hôm mẹ bị đau, Phong còn đi làm thay công việc làm cá của mẹ tại xí nghiệp chế biến thủy sản, vì theo Phong “ngày công khoảng 30 nghìn đồng nhưng nếu nghỉ thì hôm sau mẹ sẽ mất việc”.
Phong đã được bà ngoại nuôi dạy từ lúc 3 tuổi.
Chân dung anh em thủ khoa nhà nghèo


Không riêng gì Phong đậu thủ khoa của ngôi trường danh giá ở đất Sài thành mà anh của Phong là Nguyễn Trần Vũ (SN 1990), cũng là thủ khoa trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2008 với 27,5 điểm và đứng tốp 10 thí sinh có điểm cao nhất của trường ĐH Y dược TP.HCM.

Với niềm đam mê nghề y, Vũ quyết định chọn học trường Đại học Y dược TP.HCM.

Sau hè năm nay, Vũ bước vào năm thứ 4 với chuyên ngành bác sĩ đa khoa.

Nói về Phong, bà Đãi vui mừng cho biết: “Từ nhỏ nó đã “rụt rè, yếu đuối, nhưng từ khi bước vào học lớp 1 đến lớp 12 đều là học sinh khá giỏi của các trường”.

Bà Đãi nhớ lại: “Năm lớp 9, Phong giành giải nhì môn Toán và năm lớp 12 giành giải ba môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Năm thi vào lớp 10, Phong đạt 60 điểm (Toán 10, Văn 9) và là một trong những thí sinh có điểm thi cao nhất tỉnh. Không chỉ giành được điểm cao tại các cuộc thi, cháu còn có được kết quả tốt trong các môn học. Toàn bộ sách học của cháu là photocopy từ sách của bạn bè và anh trai để lại”.

Phong tâm sự: “Khi đăng ký thi vào Đại học Y dược TP.HCM, em chỉ mơ là đậu thôi chứ không nghĩ đến chuyện thủ khoa vì đây là trường có nhiều bạn học giỏi trên cả nước dự thi. Vậy mà, không những đậu, em còn đạt kết quả cao là điều quá sung sướng. Nhưng mừng mà rất lo vì không biết em có đi học được hay không vì hiện tại gia đình không đủ khả năng”.
 
Đỗ thủ khoa Đại học Y dược TP.HCM với 29,5 điểm (Toán 10, Hóa 9,75 và Sinh 9,75), Phong còn đứng thứ 5 trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM với 27 điểm (Toán 8,5, Lý 8,75 và Hóa 9,5).

Nơi miền cát trắng nóng gió này, vất vả là vậy, xong trong ngôi nhà nhỏ đó đã sản sinh ra nhiều tấm gương hiếu học khiến nhiều người phải khâm phục.

Tuy nhiên, các em đang đối mặt với những khó khăn, con đường đến với tri thức của hai anh em Phong đang gặp phải sự gập ghềnh của vòng xoáy cơm áo gạo tiền.

Trương Gia Hân

Đọc thêm