Chuyện nghề Thi hành án Dân sự

Thư ký thi hành án Trần Văn Toán và những kỷ niệm “cưỡng chế” nhớ đời!

(PLVN) -“Phải nhìn nhận, trong giai đoạn hiện nay hoạt động Thi hành án dân sự (THADS) vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn nhất định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho đội ngũ Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án” là chia sẻ của anh Trần Văn Toán, Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
Anh Trần Văn Toán, Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
Anh Trần Văn Toán, Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Đương sự vắng mặt và dùng xích sắt khóa chặt cổng rào

Trong những năm qua, Chi cục THADS huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu phải tổ chức thi hành số lượng lớn việc thi hành án và trong số đó có nhiều việc tiềm ẩn yếu tố khó khăn, phức tạp, nhất là sự chống đối, không tự nguyện thi hành án của đương sự.

Điển hình, trong năm 2024 Chi cục THADS huyện Phước Long đã tổ chức cưỡng chế THADS buộc bà VT.T và ông HV.L giao tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định pháp luật.

Theo Quyết định thi hành án thì bà VT.T và ông HV.L có nghĩa vụ hoàn trả cho ông NV.T, bà TT.L và bà NH.Đ số tiền trên 230 triệu đồng, tổng lãi suất phát sinh trong giai đoạn thi hành án và nộp án phí dân sự gần 4 triệu đồng.

Mặc dù bà VT.T và ông HV.L có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành. Chấp hành viên đã tiến hành kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở) của bà VT.T và ông HV.L để đảm bảo thi hành án.

Quá trình đưa tài sản ra bán đấu giá, ông T.H đã mua trúng đấu giá tài sản kê biên và thực hiện việc nộp tiền mua tài sản theo quy định. Chấp hành viên đã tiến hành các trình tự, thủ tục giao tài sản cho ông T.H nhận nhưng bà VT.T và ông HV.L cương quyết không chấp hành và gửi đơn yêu cầu đến nhiều cơ quan, đơn vị nhờ can thiệp, kéo dài việc thi hành án.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mặc dù trước bối cảnh đương sự có thái độ chống đối quyết liệt nhưng Chấp hành viên đã phối hợp với cơ quan Công an và đơn vị có liên quan thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án đối với ông HV.L và bà VT.T để giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Buổi cưỡng chế huy động hơn 70 người tham gia thuộc các cơ quan, đơn vị có liên quan, trong đó khoảng 40 chiến sĩ thuộc lực lượng Công an.

Tại buổi cưỡng chế, ông HV.L và bà VT.T dù được thông báo hợp lệ nhưng vắng mặt không tham gia và trước đó ông HV.L, bà VT.T đã dùng xích sắt khóa chặt cổng rào, cửa nhà, bố trí camera ghi hình và không di dời các tài sản ra khỏi nhà (trong đó có những tài sản, vật dụng cồng kềnh như: Tủ cây, bàn ghế, giường, chậu cây, …).

Chấp hành viên chủ trì buổi cưỡng chế đã triển khai trình tự, thủ tục theo Kế hoạch cưỡng chế, lực lượng bảo vệ cưỡng chế tổ chức thực hiện theo Phương án bảo vệ và kết quả buổi cưỡng chế diễn ra an toàn, không phát sinh thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.

Vụ việc cưỡng chế trên dù diễn ra an toàn nhưng đằng sau những buổi cưỡng chế thi hành án dân sự là hàng loạt vấn đề đặt ra đối với việc bảo vệ cưỡng chế và rộng hơn nữa là cơ chế, quy định và biện pháp để bảo vệ Chấp hành viên trong hoạt động thi hành án dân sự.

12 cán bộ bị thương vì bị tạt xăng đang cháy

Nhắc lại sự việc chống đối lực lượng thi hành án dân sự huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau vào năm 2019 là một minh chứng cho thấy những nguy hiểm tiềm ẩn trong công tác THADS.

Theo cáo trạng, ngày 23/7/2019, bị cáo Phạm Hoàng Kiếm và bị cáo Lê Thị Hiến nhận được Thông báo số 542/TB-THA ngày 22/7/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước thông báo về việc ngày 7/8/2019 sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ nhà của bị cáo Phạm Hoàng Kiếm. Đồng thời, bị cáo Lê Thị Hiến phải giao trả đất cho ông Nguyễn Văn Việt theo quy định trong Bản án dân sự sơ thẩm số 148/2018/DSST ngày 12/7/2018 của Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước.

Sau khi nhận được thông báo, gia đình người phải thi hành án đã lên kế hoạch chống đối lực lượng thi hành án.

Khi cơ quan THADS huyện Cái Nước tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ nhà, gia đình người phải thi hành án đã có những hành động chống đối quyết liệt, nghiêm trọng nhất việc tạt thau chứa xăng đang cháy vào lực lượng làm nhiệm vụ làm 12 cán bộ là Chấp hành viên, lực lượng hỗ trợ cưỡng chế, ... bị thương với tỷ lệ thương tích từ 01 đến 23%.

Ngày 14/9/2020, Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước đã tuyên phạt hai bị cáo Phạm Hoàng Kiếm và Phạm Công Nguyên với mức 05 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 08 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Cùng với tội danh “Chống người thi hành công vụ” Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hiến với mức 01 năm, 01 tháng, 07 ngày tù và bị cáo Nguyễn Văn Bé với mức 01 năm, 01 tháng và 05 ngày tù”.

Sự việc trên chỉ là một trong số những ví dụ để làm cơ sở thực tế chứng minh cho những rủi ro, nguy hiểm mà Chấp hành viên phải đối diện khi thực hiện nhiệm vụ.

Cần xây dựng quy định về nguyên tắc bảo vệ Chấp hành viên

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, anh Trần Văn Toán, Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Mặc dù có cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín của Chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ thi hành án. Tuy nhiên, quy định pháp luật còn mang tính khái quát, nguyên tắc và chưa cụ thể hóa bằng cơ chế, cách thức cụ thể để bảo vệ Chấp hành viên.

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu thông qua Quyết định cưỡng chế thi hành án

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu thông qua Quyết định cưỡng chế thi hành án

Có thể thấy, tại các giai đoạn tố tụng trước đó, sự không tuân thủ pháp luật thể hiện ở việc đương sự vắng mặt tại các phiên họp, phiên toà và không thông báo lý do vắng mặt cho cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên sự chống đối thể hiện chưa rõ nét vì giá trị của bản án, quyết định chỉ mang hiệu lực lý luận, cho đến giai đoạn thi hành án thì giá trị thực tế của bản án, quyết định mới được thể hiện và bắt đầu có sự ràng buộc, cưỡng chế để thực hiện.

Hiện nay, việc thiết lập các điều kiện bảo vệ Chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ chỉ tập trung vào buổi cưỡng chế thi hành án, theo đó, cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội. Phải nhìn nhận, để tổ chức thi hành bản án, quyết định trên thực tế, thì Chấp hành viên phải thực hiện nhiều hoạt động không chỉ đơn thuần chỉ có việc tổ chức cưỡng chế mà còn những hoạt động khác.

Cũng theo anh Trần Văn Toán, để giải quyết việc thi hành án, Chấp hành viên phải tiếp xúc làm việc với đương sự và có khi phải làm việc tại nơi ở của đương sự hoặc có những trường hợp Chấp hành viên phải tiến hành khảo sát hiện trạng tài sản của người phải thi hành án. Suy cho cùng, các hoạt động mà Chấp hành viên thực hiện tác động trực tiếp đến quyền lợi, tài sản của đương sự. Tuy nhiên, Luật THADS hiện hành chỉ cụ thể hóa việc bảo vệ Chấp hành viên ở buổi tổ chức cưỡng chế và ở các giai đoạn, các hoạt động khác thì không có cơ chế thực hiện việc bảo vệ đối với Chấp hành viên.

Trên phương diện pháp lý, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Có thể thấy, trong khuôn khổ pháp luật thì sự bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm mang tính bình đẳng, như nhau đối với mọi chủ thể. Tuy nhiên, cần nhìn nhận tính đặc thù và tầm quan trọng trong hoạt động của Chấp hành viên gắn với nguyên tắc bảo đảm tính hiệu lực của bản án, quyết định để xem xét quy định về bảo vệ Chấp hành viên như là một trong những nguyên tắc pháp lý trong THADS.

“Do đó, cần xây dựng một điều luật về nguyên tắc “Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của Chấp hành viên trong hoạt động THADS” với nội dung như sau:“Chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của Chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều bị xử lý theo pháp luật”.anh Trần Văn Toán đề xuất.

Nhóm PV (ghi theo lời kể của anh Trần Văn Toán,

Thư ký thi hành án Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu)

Đọc thêm