Giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí
Ngoài việc đã hoàn thành việc thực thi phương án đơn giản hóa 86/89 thủ tục hành chính (đạt 97%), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) còn ban hành Thông tư số 07 chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm, chỉ để lại nhóm 2 xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vẫn buộc phải tiền kiểm. Theo ước tính của Bộ KH&CN, khi áp dụng Thông tư này sẽ giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ phải kiểm tra trước thông quan.
Chưa hết, Bộ KH&CN cũng là đơn vị tiên phong thực hiện ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về thiết bị điện - điện tử; ký kết các hiệp định và thoả thuận với Ukraine, Đài Loan, Cộng hòa Belarus, Hàn Quốc. Bên cạnh đó đã thông báo thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của 2 tổ chức đánh giá sự phù hợp của Nhật Bản.
Đây cũng là đơn vị tích cực thúc đẩy các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện cơ chế thừa nhận kết quả kỹ thuật. Tính đến nay đã chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp từ nước xuất khẩu đối với 42 tổ chức thử nghiệm. Thông tư này của Bộ KH&CN là một bước tiến mới trong việc đẩy mạnh sự công nhận lẫn nhau giữa các tổ chức trong cùng một quốc gia hoặc các tổ chức khác nhau trên thế giới, đảm bảo doanh nghiệp chỉ phải tiến hành kiểm định, kiểm tra một lần.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã có những kết quả cụ thể với đề xuất bãi bỏ 65 điều kiện kinh doanh, rút gọn 53 điều kiện, còn 227 điều kiện đang tiếp tục được xem xét. Trong năm 2017, Bộ cũng tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5%).
Đặc biệt, Bộ cũng đã chuyển sang phương thức kiểm tra ngay trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu. Rút ngắn thời gian kiểm tra từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng. Bộ NN&PTNT cho biết, thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí.
Bộ Công Thương cũng đã có bước đột phá lớn với quyết định cắt giảm 675 (chiếm khoảng 56%) điều kiện đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm lượng mặt hàng phải kiểm tra trước và trong thông quan. Trước đó, Bộ Công Thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC), bãi bỏ 15 thủ tục, đơn giản hóa 108 TTHC, tương đương 27,8% tổng số TTHC của Bộ.
Sẽ chỉ còn một đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu |
Thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành
Kiểm tra chuyên ngành (KTCN) chính là vấn đề lớn mà nhiều doanh nghiệp vẫn ca thán bởi mỗi bộ lại có những quy định riêng về cách thức kiểm tra cho cùng một mặt hàng. Đã có những doanh nghiệp than trời vì lô hàng nào về cũng phải kiểm tra dù cùng một mặt hàng. Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ tập trung rà soát, chỉ đạo quyết liệt trong năm 2017. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức 40 cuộc họp với các bộ, ngành để yêu cầu cần phải giảm thiểu KTCN chồng chéo, gây khó cho doanh nghiệp.
Trong đó, đặc biệt yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, cơ quan liên quan rà soát từng loại hàng hóa xuất nhập khẩu hiện đang có nhiều loại giấy tờ và KTCN có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra là tương tự. Trên cơ sở đó, thống nhất sửa đổi, điều chỉnh theo hướng dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể hơn, Chính phủ yêu cầu các bộ phối hợp với nhau nghiên cứu thống nhất theo phương án giảm kiểm tra. Chỉ kiểm tra hồ sơ đối với thực phẩm nhập khẩu theo hướng những sản phẩm thực phẩm nhập khẩu cùng loại, cùng xuất xứ đã được kiểm tra nhà nước và có thông báo đạt yêu cầu nhập khẩu 3 lần liên tiếp thì chuyển sang luồng xanh, chỉ kiểm tra hồ sơ.
Đồng thời phải rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải KTCN theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan. Hoàn thành trước tháng 6/2018 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 75/NQ-CP.
Hầu hết, các cuộc làm việc giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ đều tập trung vào vấn đề các bộ ngành cần ngồi lại với nhau, đối chiếu các danh mục hàng hóa KTCN để chốt lại, đảm bảo không có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành. Theo đó, một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì quản lý KTCN. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến KTCN theo hướng một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và do một đơn vị chức năng thuộc Bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra.
Vừa kết hợp rà soát giữa các bộ với nhau, từng bộ, ngành cũng tiến hành kiểm tra các điều kiện KTCN để bãi bỏ. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (đạt tỉ lệ 45%).
Nguyên tắc cắt giảm: Cắt giảm tối đa việc KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các Công ước quốc tế một cách linh hoạt, phù hợp. Đồng thời quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.
Bộ Công Thương cũng đã giảm được hơn 58% lượng mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan. Còn lại đều là những mặt hàng Bộ không có thẩm quyền bãi bỏ theo quy định của pháp luật. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, Bộ vẫn sẽ tiếp tục tiến hành cải cách theo định hướng lớn như giảm bớt danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN, gồm cả trước và sau thông quan. Với mặt hàng buộc phải kiểm tra, tăng cường hình thức hậu kiểm và đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng danh mục hàng hóa được miễn kiểm tra hoặc áp dụng ngay hình thức kiểm tra hồ sơ, trên tinh thần chỉ kiểm tra các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh hoạt động của Cổng thông tin Một cửa quốc gia
Đẩy mạnh Cổng thông tin Một cửa quốc gia sẽ tiết kiệm tối đa chi phí cho các cá nhân và tổ chức |
Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11 bộ, ngành. Hầu hết các thủ tục hành chính đã được triển khai trên cổng thông tin Một cửa quốc gia, trừ thủ tục thông quan hàng hóa của Tổng cục Hải quan, 40 thủ tục hành chính của 10 bộ, ngành. Theo số liệu sơ kết, đã có khoảng trên 500 nghìn hồ sơ hành chính đã được xử lý và hơn 15 nghìn doanh nghiệp tham gia. Cơ chế một cửa ASEAN cũng đã được phê duyệt Nghị định thư pháp lý của 10/10 nước thành viên ASEAN.
Song song đó, Tổng cục Hải quan cũng đã chính thức có thông báo các đơn vị liên quan đến hoạt động thông quan nâng cao hoạt động khai báo hàng hóa trên Cồng thông tin Một cửa quốc gia. Bộ Công Thương cũng đã có những bước tiếp theo trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia với các hoạt động khai báo liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập hóa chất.
Cơ chế Một cửa quốc gia đường hàng không cũng đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, từ thời điểm chính thức kết nối, toàn bộ các thông tin liên quan sẽ được khai báo bằng phương thức điện tử và được liên kết với tất cả hệ thống quản lý của các cơ quan nhà nước tại cảng hàng không. Với hình thức này, khi thông tin được gửi đến một cơ quan quản lý nhà nước thì ngay lập tức được tự động chia sẻ cho tất cả cơ quan liên quan, kết nối tất cả các khâu, đảm bảo tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.
Hiện nay các bộ, ngành vẫn tiến hành triển khai, đẩy mạnh để tiếp tục đưa các thủ tục hành chính lên Cổng thông tin Một cửa quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa về thời gian và kinh phí cho mọi cá nhân và tổ chức. Đây là những phần việc lớn, quan trọng mà Chính phủ vẫn luôn chỉ đạo các bộ, ngành phải tăng cường đẩy mạnh, đảm bảo hiệu quả của Cổng thông tin Một cửa quốc gia...